Vụ Bắc Hà bỏ loạt tuyến buýt, Hà Nội cam đoan "có phương án thay thế ngay"
Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng cho biết sẽ tìm một doanh nghiệp khác thay thế đảm bảo đi lại của hành khách không bị gián đoạn.
Sẽ có DN buýt đủ mạnh vào hoạt động thay Bắc Hà
Liên quan đến việc Công ty TNHH Bắc Hà (buýt Bắc Hà) có văn bản xin Sở GTVT Hà Nội cho phép dừng vận hành 5 tuyến buýt từ 1/8 do hết khả năng tài chính, cạn kiệt dòng tiền để chi trả, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Tramoc) thông tin: Sở GTVT nhận được văn bản của Bắc Hà từ ngày 1/7.
Ông Hải cho hay, trải qua 2 năm khó khăn do dịch Covid-19 cùng với đó là giá nhiên liệu liên tục tăng cao trong thời gian gần đây đã khiến các doanh nghiệp vận tải khách công cộng (VTKCC) trên địa bàn TP Hà Nội gặp khó khăn, đây là khó khăn chung chứ không riêng gì buýt Bắc Hà.
“Sau khi nắm bắt được tình hình, chúng tôi cũng rất chia sẻ với buýt Bắc Hà về những khó khăn dẫn đến phải bỏ 5 tuyến buýt trợ giá này. Sở GTVT sẽ họp bàn với các sở, ngành liên quan, báo cáo UBND TP Hà Nội để có phương án xử lý sớm nhất, giảm tác động tối đa đến việc đi lại của người dân”- ông Hải cho hay.
Xe buýt Bắc Hà là tuyến buýt đầu tiên thực hiện xã hội hoá và cũng là DN đầu tiện thực hiện thầu 5 tuyến buýt có trợ giá - Ảnh minh hoạ
Phương án xử lý tối ưu nhất theo Giám đốc Tramoc là tìm một doanh nghiệp khác đảm nhận toàn 5 tuyến buýt trợ giá này, bởi trên địa bàn TP Hà Nội đang có hơn 10 doanh nghiệp tham gia VTKCC với hơn 100 tuyến buýt có trợ giá.
“Việc xử lý sẽ được thực hiện nhanh nhất để làm sao đảm bảo trước ngày 1/8 (ngày buýt Bắc Hà xin dừng hoàn toàn 5 tuyến buýt trợ giá) có phương án thay thế kịp thời”- ông Hải cho biết.
Với người lao động, ông Hải cho biết, hiện các doanh nghiệp buýt trên địa bàn Hà Nội cũng có nhu cầu tuyển lái xe cũng như nhân viên phục vụ, trong khi đó, các nhân viên và lái xe trên 5 tuyến buýt trợ giá của Bắc Hà có thâm niên, có tay nghề nên không khó để tìm việc mới.
Thông tin về thời gian thực hiện gói thầu, ông Hải cho biết: Buýt Bắc Hà chỉ vận hành duy nhất 5 tuyến buýt trợ giá trên địa bàn TP Hà Nội. Năm tuyến buýt này được buýt Bắc Hà tham gia đấu thầu vào năm 2019, theo lộ trình 5 năm thì doanh nghiệp còn 2 năm vận hành nữa mới đến kỳ đấu thầu mới.
Trước việc một DN buýt xin bỏ loạt tuyến, dư luận nghi vấn, liệu có tình trạng Tramoc nợ tiền doanh nghiệp VTKCC như buýt Bắc Hà khiến doanh nghiệp càng khó khăn, ông Hải phủ nhận thông tin này và cho hay: “Hiện đã hết quý 2/2022, theo chu kỳ thanh toán thì Sở GTVT đã thanh toán cho các doanh nghiệp VTKCC kinh phí của quý 1/2022 và tạm ứng của quý 2/2022, khi nào hoàn tất hồ sơ, thủ tục thì sẽ thanh toán phần còn lại của quý 2/2022 để DN đủ nguồn lực duy trì hoạt động”.
Cũng liên quan đến việc, có hay không buýt Bắc Hà cố tình đẩy sự việc lên cao trào gây khó khăn cho VTKCC TP Hà Nội, để có sự can thiệp từ phía TP Hà Nội đối với việc “cầm cố” phương tiện tại ngân hàng của doanh nghiệp, ông Hải cho hay, Hà Nội sẽ không hỗ trợ doanh nghiệp như vậy.
“Khi anh tham gia đấu thầu vận hành các tuyến buýt trợ giá này thì anh đã phải tự chứng minh được năng lực tài chính cũng như phương tiện để phục vụ VTKCC rồi. Sau đó do các anh vận hành doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh không đảm bảo dẫn đến tình thế như hiện tại”, ông Hải nhấn mạnh.
DN Bắc Hà phủ nhận hoạt động đa ngành nghề
Công ty TNHH Bắc Hà là đơn vị tư nhân đầu tiên thực hiện xã hội hóa dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo chủ trương của HĐND và UBND TP Hà Nội từ năm 2005 đến nay. Hiện tại, buýt Bắc Hà đang vận hành 5 tuyến buýt trợ giá gồm: 41,42, 43, 44 và 45.
Trước việc phá sản của DN Bắc Hà, nhiều người đồn đoán đơn vị này kinh doanh đa ngành nghề chứ không chỉ riêng mảng VTHKCC. Do vậy, phá sản, nợ ngân hàng chưa chắc đã do thua lỗ từ hoạt động loạt tuyến buýt trợ giá.
Đại diện buýt Bắc Hà khẳng định: Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này chỉ hoạt động trong lĩnh vực buýt và cũng chỉ vận hành 5 tuyến buýt trợ giá trên địa bàn TP Hà Nội, ngoài ra không có hoạt động vận tải gì khác.
Dù vậy, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, 5 tuyến buýt trên địa bàn Hà Nội được TP Hà Nội trợ giá, bù lỗ tại sao buýt Bắc Hà vẫn rơi vào tình trạng mất năng lực tài chính, thua lỗ dẫn đến phải dừng hoạt động thì đại diện buýt Bắc Hà xin từ chối trả lời và cho biết, đây là do tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp.
Đối với khoảng 200 người lao động bị mất việc tại chi nhánh TP Hà Nội do dừng hoạt động, đại diện buýt Bắc Hà cho hay, đơn vị sẽ có trách nhiệm làm đầy đủ ngay các thủ tục thanh lý hợp đồng, chốt số bảo hiểm, đóng các khoản tiền BHXH, BHYT, BHTN theo quy định, để người lao động hưởng các chế độ như BHTN, học nghề, chuyển đổi tìm công việc mới. Về các khoản tiền lương, tiền công thì đơn vị sẽ cân đối, tìm nguồn để chi trả sớm nhất.
“Dừng hoạt động là một quyết định vô cùng khó khăn nhưng bất khả kháng đối với chúng tôi gây thiệt hại rất nặng nề về vật chất, tinh thần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, việc dừng hoạt động còn ảnh hưởng đến quyền lợi hàng trăm người lao động do mất việc. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được được sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ của Sở GTVT Hà Nội cũng như các cơ quan, ban ngành và hành khách đang sử dụng dịch vụ tại 5 tuyến xe buýt này”, lãnh đạo Công ty Bắc Hà cho hay.
Nguồn: [Link nguồn]
Công ty TNHH Bắc Hà kiến nghị Sở GTVT Hà Nội để xin bỏ các tuyến buýt đang khai thác do bị phá sản, ngân hàng siết nợ.