Vụ "biển thủ" hơn 3,8 triệu USD: Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế khai gì?
Tại toà, bị cáo Quang khai nhận, sai sót này không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại mà do Công ty Dược Cửu Long đã cố tình che giấu và mập mờ hồ sơ.
Bị cáo Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế.
Chiều 21/11, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long “biển thủ” hơn 3,8 triệu USD tiền sản xuất thuốc chống dịch cúm A H5N1 năm 2008.
Tại tòa, bị cáo Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận bản thân thiếu trách nhiệm, không kiểm tra giám sát dẫn tới không phát hiện việc Dược Cửu Long “biển thủ” hơn 3,8 triệu USD.
Bị cáo đã ký quyết định số 92 thành lập đoàn kiểm tra nhưng nội dung kiểm tra rất rộng, không phải chỉ riêng phần sản xuất thuốc. Do vậy, bị cáo Quang cho rằng báo cáo gửi Thủ tướng trong phần chính không đề cập số tiền 3,8 triệu USD.
"Cục Dược ghi nhận thế nào, báo cáo Thủ tướng thế ấy nhưng khi ký đã vượt hạn chót thanh toán. Phần đó, bị cáo không được biết thanh toán chưa. Bị cáo nhận có thiếu sót là thiếu kiểm tra, giám sát trước khi ký báo cáo số 20 gửi Thủ tướng", bị cáo Quang nói.
“Tại sao bị cáo không yêu cầu Cục Quản lý Dược báo cáo rõ”, HĐXX chất vấn? Bị cáo Quang cho rằng trong báo cáo gửi về có rất nhiều nội dung và thừa nhận đây là thiếu sót của bị cáo.
Bị cáo Quang cũng thừa nhận không yêu cầu kiểm tra khi Bộ Tài chính có văn bản kiến nghị làm rõ số tiền này, bởi bị cáo tư duy rằng phần việc đó đã có bộ phận khác đảm nhiệm.
Tại tòa, cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang cũng thừa nhận một phần trách nhiệm đối với số tiền thiệt hại của vụ án. Bị cáo Quang cho rằng, bản thân đã tin tưởng cấp dưới làm đúng chỉ đạo của mình nên không kiểm tra lại nên báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung không đúng thực tế.
Tuy nhiên, bị cáo Quang khai nhận, sai sót này không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại mà do Công ty Dược Cửu Long đã cố tình che giấu và mập mờ hồ sơ. Việc này thể hiện qua việc cơ quan chức năng phải mất 7 năm mới xác định được bản chất số tiền hơn 3,8 triệu USD là tiền gì.
“Bị cáo có một phần trách nhiệm nhưng không phải trực tiếp dẫn đến thiệt hại, không trực tiếp dẫn đến việc không thu hồi được khoản tiền đó", bị cáo Quang khai.
Năm 2005, dịch Cúm A/H5N1 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đặt Công ty Dược Cửu Long và một số đơn vị khác sản xuất thuốc Oseltamivir để phục vụ việc phòng chống dịch. Trong quá trình đàm phán, Công ty Dược Cửu Long được nhà cung cấp nước ngoài chấp thuận giảm giá mua nguyên liệu với tổng số tiền hơn 3,8 triệu USD. Sau đó cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long là Lương Văn Hoá đã chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ, giấy tờ nhằm che giấu việc giảm giá để bỏ ngoài sổ sách khoản tiền này. Thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo Cao Minh Quang đang là Trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan thuốc Tamiflu, nguyên liệu và thuốc Oseltamivir nhưng khi phát hiện Dược Cửu Long giữ lại hơn 3,8 triệu USD, bị cáo này đã không báo cáo Bộ Y tế và không chỉ đạo các đơn vị kiểm tra. Khi Bộ Tài chính có công văn đề nghị làm rõ các nội dung liên quan số tiền trên, cựu Thứ trưởng Quang vẫn không chỉ đạo thực hiện yêu cầu kiểm tra để thu hồi tài sản cho nhà nước, dẫn đến thiệt hại hơn 3,8 triệu USD. |
Nguồn: [Link nguồn]
Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang được luật sư dìu vào phòng xét xử, trong vụ án ‘thụt ngân sách’ 3,8 triệu USD liên quan đến Công ty Dược Cửu Long.