Vụ bệnh nhân bị cưa chân ở TP.HCM: "Đứt gánh" giấc mơ

Giấc mơ trở thành ông chủ nhỏ của Lê Hoàng Lâm đã đến rất gần, nhưng nay đành tạm gác lại sau khi bị cưa một phần chân phải.

Vụ bệnh nhân bị cưa chân ở TP.HCM: "Đứt gánh" giấc mơ - 1

Lê Hoàng Lâm bên cạnh những chiếc bàn, chiếc ghế đã chuẩn bị để mở quán cơm.

Lê Hoàng Lâm (27 tuổi, ngụ Long An), người bị cưa oan 1/3 dưới đùi chân phải từng có rất nhiều ước mơ. Các ước mơ của Lâm xuất phát từ cuộc sống nghèo khó, từ hình ảnh cha mẹ quanh năm phải bám ruộng mưu sinh. Để thoát khỏi cảnh cơ cực ấy, Lâm đã quyết định trở thành một ông chủ nhỏ. Tuy nhiên, giấc mơ sắp thành hiện thực thì đã vội tan bởi sự cố không mong muốn.

Bị té xe vào tối 21.6, Lâm được đưa tới Bệnh viện huyện Mộc Hóa (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) điều trị. Thấy chấn thương nặng, các bác sĩ đã chuyển Lâm lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An. Sau đó, ngay trong đêm 21.6, gia đình đưa Lâm lên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.

Vụ bệnh nhân bị cưa chân ở TP.HCM: "Đứt gánh" giấc mơ - 2

Sự cố ngoài mong muốn đã cướp đi một phần chân phải của Lâm.

Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, Lâm được bác sĩ K. chẩn đoán là chỉ bị “vết thương phần mềm” nên kê toa thuốc và cho về, hẹn tái khám sau một tuần. Ba ngày sau, chân của Lâm sưng to hơn, mất cảm giác và lạnh hơn. Lúc này, gia đình tức tốc đưa Lâm lên lại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM vào chiều 24.6.

Vụ việc trở nên nghiêm trọng khi các bác sĩ tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM phát hiện ra vết thương ở chân Lâm trở nặng, phải chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Tiếp nhận bệnh nhân Lâm, các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy nhanh chóng hội chuẩn, đưa ra đánh giá 1/3 dưới đùi chân phải đã bị hoại tử, phải phẫu thuật cắt bỏ ngay để bảo vệ tính mạng.

Sau ca phẫu thuật, Lâm thức dậy thì không còn tin vào mắt mình khi một phần chân đã không còn. Kể từ đó, những dự định, ước mơ sắp thực hiện lại càng trở nên xa vời trong suy nghĩ của Lâm.

Bà Lý Thị Kim Chi (49 tuổi), mẹ của Lâm kể, trước khi bị tai nạn, Lâm đã xin gia đình hỗ trợ và sắm sửa đầy đủ mọi thứ để mở một quán cơm. Lâm còn chạy khắp nơi tìm mua những chiếc bàn cũ rồi mang về nhờ cậu hàn lại thành chiếc bàn ăn hoàn chỉnh. Mọi thứ vừa chuẩn bị xong thì tai nạn ập đến.

“Trước đó nó còn vui vẻ nói “Con sẽ mở quán cơm kiếm tiền để nuôi mẹ. Ba mẹ sẽ không phải làm lụng vất vả nữa hoặc làm ít lại cho khỏe”, nhưng bây giờ nó chỉ còn biết nhìn vào đống đồ chất trong nhà. Mới hôm qua, nó còn tủi thân nói “Mẹ phải nuôi con tiếp rồi”. Nghe con nói mà tôi chỉ biết ôm con khóc, an ủi nó cố gắng để gia đình tính toán thêm cho nó có công việc khác, mở tiệm sửa điện thoại hay internet gì đó”, bà Chi xót xa nói.

Em ruột của Lâm là Lê Ngọc Liêm (24 tuổi) cho biết thêm: “Anh hai có nhiều ước mơ lắm nhưng nói chung là ảnh muốn làm việc gì mà tiếp xúc, trò chuyện được với nhiều người khác. Anh Hai định mở quán cơm, đã sắm đủ mọi thứ và chỉ còn chờ ngày khai trương”.

Vụ bệnh nhân bị cưa chân ở TP.HCM: "Đứt gánh" giấc mơ - 3

Bệnh viện cam kết hỗ trợ vốn hướng nghiệp cho Lê Hoàng Lâm.

Theo Liêm, anh trai là lao động chính trong gia đình. Với 2 mẫu ruộng thuê cách nhà 70km, Lâm là người làm nhiều nhất bởi cha mẹ đều đã lớn tuổi. Trong khi đó, Liêm làm trong xí nghiệp, không có nhiều thời gian phụ giúp anh và gia đình chuyện ruộng đồng.

Kể từ khi Lâm bị nạn, ruộng dưa hấu không có người chăm sóc. Cha mẹ lo dành thời gian bên cạnh an ủi, chăm sóc và tập đi cho Lâm nên ruộng đã bị khô, dưa cũng dần trở nên héo hư.

Chia sẻ với PV, Lâm cho biết thêm: “Nhìn cảnh cha mẹ có nhà không ở mà cứ phải ở ngoài ruộng thuê trong một căn tròi lụp xụp, tôi nghĩ mình phải làm gì đó để thay đổi. Tôi định mở quán cơm gần nhà để cha mẹ và con cái sống gần nhau hơn, thu nhập cũng ổn định hơn, nhưng giờ chắc phải tìm nghề khác”.

Trước đó, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã ký quyết định thành lập hội đồng chuyên môn cấp Sở để đánh giá, kết luận trường hợp bệnh nhân Lê Hoàng Lâm điều trị tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình như đã thông tin.

Sau khi xem xét hồ sơ bệnh án, ý kiến của các cán bộ y tế tham gia điều trị cho Lâm tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và tham khảo ý kiến của đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, hội đồng chuyên môn đã thảo luận và cùng thống nhất đưa ra kết luận: “Nguyên nhân là do sai sót chuyên môn trong quá trình chăm sóc, xử trí và điều trị, khiến bệnh nhân bị hoại tử cẳng chân phải do tắc mạch khoeo”.

Về nguyên nhân khách quan, đây là trường hợp tổn thương ít gặp, đã được xử trí tại tuyến trước (gây tê, nắn trật khớp gối và cố định) khiến các triệu chứng lâm sàng không còn điển hình, thêm vào đó Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình đã không nhận được giấy chuyển viện của tuyến trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN