Vụ Bầu Kiên: Cựu bộ trưởng bị truy tố vì siêu lừa

Trong vụ án Bầu Kiên, ông Trần Xuân Giá- nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch–Đầu tư bị truy tố tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, với mức án 12–20 năm tù.

Dính bẫy siêu lừa

Theo truy tố của Viện KSND Tối cao, ngày 22/3/2010 Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB gồm ông Trần Xuân Giá – Chủ tịch HĐQT, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang triệu tập cuộc họp thường trực. Cuộc họp này có sự tham gia của Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB là Trần Mộng Hùng và Nguyễn Đức Kiên.

Vụ Bầu Kiên: Cựu bộ trưởng bị truy tố vì siêu lừa - 1

Trong vụ án bầu Kiên (trái), ông Trần Xuân Giá (phải) và nhiều quan chức cấp cao của Ngân hàng ACB đã bị siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như qua mặt.

Tại cuộc họp này, Nguyễn Đức Kiên có ý kiến chỉ đạo: Không được làm giảm tổng tài sản của ACB, không chấp nhận giảm lãi suất huy động. Lý Xuân Hải – Tổng Giám đốc, thành viên thường trực HĐQT đã đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên mang tiền của Ngân hàng ACB đi gửi vào các ngân hàng khác để vừa nhận được lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng thêm “hoa hồng” khuyến mại theo quy định của từng ngân hàng nhận tiền. Đề xuất này được thường trực HĐQT đồng ý.

Từ tháng 6 đến tháng 9/2011, Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa thực hiện việc ủy thác số tiền gần 719 tỷ đồng cho 19 nhân viên ACB đi gửi tiết kiệm vào Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank Chi nhánh TP.HCM, thời hạn gửi từ 3 -6 tháng với lãi suất ghi trong hợp đồng 14%/năm, lãi suất thỏa thuận ngoài hợp đồng 3,7 - 13%/năm.

Thế nhưng điều trớ trêu là chiêu thức “hưởng lợi trên lưng người khác” của lãnh đạo Ngân hàng ACB lại bị Huỳnh Thị Huyền Như (quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TP.HCM) cho sập bẫy. Siêu lừa này đã dùng thủ đoạn khá tinh vi như làm giả con dấu để tạo các chứng từ, hợp đồng trả lãi suất cao và chiếm đoạt toàn bộ số tiền gần 719 tỷ đồng mà Ngân hàng ACB gửi.

Cùng hành vi nhưng không gây hậu quả

Ngoài khoản tiền gần 719 tỷ đồng gửi vào Vietinbank như đã nêu, từ tháng 1 - 9/2011, Ngân hàng ACB còn ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 ngân hàng khác với tổng số tiền hơn 28,3 nghìn tỷ đồng, lãi suất từ 7,5-22%/năm và hơn 71 triệu USD với lãi suất 3- 6%/năm. Chiêu thức này đã thu lãi cho Ngân hàng ACB hơn 1,1 nghìn tỷ đồng, trong đó lãi vượt trần hơn 243 tỷ đồng, số tiền USD gửi thu lãi hơn 1,2 triệu USD (không có lãi vượt trần).

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm bị Viện KSND Tối cao truy tố ra trước TAND TP.HCM, ủy quyền cho Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố. Dự kiến phiên tòa sơ thẩm vụ án này diễn ra từ ngày 6 đến 25/1/2014.

Cơ quan tố tụng xác định việc Ngân hàng ACB gửi tiền vào Vietinbank và 22 ngân hàng khác là làm trái quy định tại Điều 106 Luật Tổ chức tín dụng năm 2010. Số lãi thu được từ gửi 22 ngân hàng đã được Ngân hàng ACB hạch toán, trích nộp ngân sách, trích nộp thuế không gây thiệt hại về tài sản nên chưa đủ yếu tố xác định là hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, hành vi gửi khoản tiền gần 719 tỷ đồng của ACB vào Vietinbank và bị Huyền Như chiếm đoạt được xem là hành vi làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng, do đó các ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Đức Kiên đều bị truy tố.

Với các ngân hàng đã nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần từ Ngân hàng ACB, cơ quan điều tra cũng xác định đây là hành vi sai phạm. Nhưng do số ngân hàng nhiều, thời hạn điều tra vụ án đã hết nên ngày 1/8/2013, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã tách vụ án ra để tiếp tục điều tra hành vi nhận tiền gửi vượt trần của các ngân hàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lương Kết (Dân Việt)
Xét xử vụ án "bầu Kiên" Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN