Vụ bầu Kiên: Các bị cáo phân vân giữa kêu oan và xin giảm án
Sáng nay 4/12, một số bị cáo vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng phạm như: Huỳnh Quang Tuấn, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang chuyển từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn: Đơn kháng cáo chưa hẳn là đơn kêu oan, đơn xin xem xét cũng chưa hẳn là đơn nhận tội. Ảnh chụp qua màn hình
Sáng nay 4-12, toà phúc thẩm xử Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), cùng các đồng phạm tiếp tục thẩm thấn để làm rõ hành vi “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài hành vi các bị cáo đầu tư cổ phiếu của chính Ngân hàng ACB gây thiệt hại cho ngân hàng này 687 tỉ đồng, sáng 4-12, HĐXX tập trung vào hành vi Ngân hàng ACB ra chủ trương uỷ thác tiền gửi vào Ngân hàng Vietinbank, sau đó bị “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 718 tỉ đồng.
Theo truy tố, ngày 22-3-2010, Ngân hàng ACB có cuộc họp thường trực HĐQT với sự tham gia của Hội đồng sáng lập Trần Mộng Hùng (Chủ tịch) và Nguyễn Đức Kiên (Phó chủ tịch, tức bầu Kiên) cùng một số cán bộ liên quan, nhằm bàn phương án sử dụng nguồn vốn chưa đầu tư.
Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc ACB Lý Xuân Hải đã đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên mang tiền của ngân hàng đi gửi vào các ngân hàng khác để vừa nhận được lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng thêm “hoa hồng”, khuyến mại theo quy định của từng ngân hàng nhận tiền gửi. Đề xuất này được bầu Kiên đồng tình.
Ngay sau đó, các thành viên thường trực HĐQT (Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải) đã thống nhất và cùng ký vào biên bản, với nội dung: “Đồng ý việc ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng. Giao Tổng Giám đốc kiểm sát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng… Ủy quyền cho Kế toán trưởng tổ chức thực hiện, ký hợp đồng ủy thác”.
Thực hiện chủ trương trên, từ các ngày 27-6-2011 đến 5-9-2011, Lý Xuân Hải chỉ đạo và ủy quyền cho Nguyễn Văn Hòa (Kế toán trưởng Ngân hàng ACB) thực hiện ủy thác hơn 718 tỉ đồng cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB để gửi tiết kiệm vào Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM, thời hạn gửi tiền từ 3-6 tháng với lãi suất ghi trong hợp đồng là 14%/năm; lãi suất thoả thuận ngoài hợp đồng từ 3,7 đến 13%/năm.
Sau khi nhận được tiền uỷ thác, 17 nhân viên Ngân hàng ACB ký hợp đồng gửi tiền tại Vietinbank Chi nhánh TP HCM số tiền là 668,9 tỉ đồng; 2 nhân viên ký hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè số tiền 50 tỉ đồng nhưng toàn bộ số tiền gửi đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TP HCM) sử dụng các thủ đoạn gian đối để chiếm đoạt, gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng ACB.
Theo cáo buộc, việc uỷ thác này thực hiện khi chưa có hướng dẫn về nghiệp vụ uỷ thác của Ngân hàng Nhà nước nên đã vi phạm Điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 và gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền hơn 718 tỉ đồng.
Tại phiên toà sáng nay 4-12, bị cáo Phạm Trung Cang (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB) nêu lý do chuyển từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt, về việc cho nhân viên đi uỷ thác tiền gửi, có nhiều ý kiến khác nhau. “Tôi làm bán thời gian ở Ngân hàng ACB, có nhiều thông tin tôi cũng không nắm. Lúc đó ban pháp chế khẳng định không có gì sai; Trần Xuân Giá đồng ý, nói luật cho phép, cái gì luật không cấm thì chúng ta làm. Các thành viên khác không ý kiến gì nên tôi đồng ý ký” - bị cáo Cang nêu lý do.
Bị cáo này cho biết, sau đó thời gian tạm giam, đã rất ân hận vì thấy giải pháp này không đúng. "Bằng chứng ngoại phạm, tôi đi Mỹ từ ngày 9-5-2011 trở về từ 20-9-2011, thời gian gửi tiền vào Vietinbank tôi không có mặt ở Việt Nam. Toà sơ thẩm không oan nhưng hơi nặng vì hậu quả xảy ra thì tôi không có ở ngân hàng nữa. Xin giảm nhẹ hình phạt" - bị cáo Phạm Trung Cang nói.
Bị cáo Trịnh Kim Quang tại toà. Ảnh chụp qua màn hình
Bị cáo Trịnh Kim Quang (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB) trước toà phân vân không biết nên kêu oan hay xin giảm nhẹ hình phạt. “Tôi không cho rằng là oan, vì ở vị trí cao nhất của Ngân hàng, khi xảy ra sự cố như thế thì tôi phải có trách nhiệm nào đó. Tôi cho rằng có thể tôi có tội, còn tôi như thế nào thì cho tôi tiếp tục trình bày” - bị cáo Quang nói.
Tại thời điểm ra nghị quyết thì chưa có điều 106 của Luật các tổ chức tín dụng. “Xin toà phân biệt hai thời kỳ khác nhau. Năm 2010 tôi chỉ ký duy nhất một văn bản. Việc hồi tố hành vi năm 2010 không phù hợp lắm. Cái biên bản vào năm 2010 theo nhận thức lúc đó việc uỷ thác không trái pháp luật” - bị cáo Trịnh Kim Quang nói.
"Năm 2011, tôi nhận thức việc uỷ thác, ngay tới giờ tôi cũng không xác định được nó có trái pháp luật hay không trái pháp luật. Vì NHNN chưa có một văn bản nào về việc cấm việc uỷ thác gửi tiền vốn đã có từ nhiều năm trước đó" - bị cáo Quang tiếp tục.
“Ông Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT ACB Trần Xuân Giá - PV) luôn nhắc nhở chúng tôi rằng: Tinh thần của Luật Doanh nghiệp mới là doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm. Số tiền 718 tỉ đã thiệt hại chưa thì cũng chưa rõ ràng, cần phải làm rõ” - bị cáo Trịnh Kim Quang nói.
Tương tự, bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên HĐQT ACB) bắt đầu trình bày: “Đơn kháng cáo chưa hẳn là đơn kêu oan, đơn xin xem xét cũng chưa hẳn là đơn nhận tội. Chỉ xin đánh giá hộ tôi khách quan, tránh suy luận mang tính bất lợi cho tôi. Trường hợp bị kết án, tôi xin HĐXX xem xét yếu tố nhân thân”.
“Xin HĐXX đánh giá hành vi của tôi khách quan, tôi không có hành động nào thể hiện tôi đồng tình, chủ trương ấy vì mảng này không phải mảng tôi phụ trách, tôi rất ít quan tâm tới mảng này… Mong HĐXX hiểu cho, tôi không phải là chuyên gia pháp lý, không có khả năng tự đánh giá” - bị cáo thành khẩn.
Trước ý kiến của các bị cáo, HĐXX đề nghị cần phải cân nhắc, nếu bị cáo kêu oan và có sơ sở oan thật thì tha ngay; còn xin giảm nhẹ hình phạt lại sẽ khác. “Các bị cáo cần bình tĩnh suy nghĩ, lắng nghe toàn bộ diễn biến của phiên toà, nâng cao nhận thức về pháp luật” - chủ toạ nói.