Vụ bắt giam cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh: Bài học về kiểm tra, giám sát cán bộ

Việc ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa bị khởi tố đã phần nào cho thấy công tác kiểm tra, giám sát cán bộ còn nhiều bất cập.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Phan Văn Vĩnh - nguyên Trung tướng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) - về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tiếp đó, Chủ tịch nước đã ký quyết định tước danh hiệu Công an Nhân dân đối với ông Vĩnh.

Gần cuối đời lại sa ngã

Nói về vụ việc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Lê Thanh Vân nhìn nhận đây là sự cương quyết, không có vùng cấm, du di, việc này rất cần thiết để tạo niềm tin trong nhân dân. Theo ông Vân, bản lĩnh của cán bộ, đảng viên là gốc rễ làm nên phẩm hạnh của người cán bộ, đảng viên. Có nhiều cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất, đạo đức, uy tín đến gần cuối đời thì lại bị đốn ngã bởi cám dỗ về lợi ích, vật chất như trường hợp ông Vĩnh hay ông Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50). "Sự hấp dẫn của tiền tài quá lớn làm cho cái vị kỷ, hẹp hòi, tham lam, cá nhân trỗi dậy đã "đánh cắp" đi phẩm chất của người cán bộ, đảng viên. Những vụ việc như ông Vĩnh, ông Hóa là vô cùng đáng tiếc, làm ảnh hưởng đến niềm tin người dân" - ông Lê Thanh Vân nêu ý kiến.

Đồng tình, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho rằng vụ việc ông Phan Văn Vĩnh là rất đau xót và đáng tiếc. "Một cán bộ công an từng đứng đầu cơ quan làm nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm lại vi phạm pháp luật mà Bộ Công an không quyết tâm, không có nhận thức cách mạng thì vụ việc có thể bị chìm đi" - ông Nguyễn Thanh Hồng nhìn nhận. Theo ông, việc xử lý cả những cán bộ cấp cao sai phạm được nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ.

Trung tướng Nguyễn Việt Thành, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, nói ông "rất buồn" vì những cán bộ từng là cấp chỉ huy như trường hợp ông Vĩnh, ông Hóa lại vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự. "Song qua vụ án này cho thấy quyết tâm của Đảng, của ngành công an trong việc làm trong sạch đội ngũ, xử lý sai phạm không có vùng cấm. Qua đó càng củng cố thêm lòng tin, uy tín của lực lượng công an với người dân, với cán bộ, đảng viên" - ông Thành bộc bạch.

Vụ bắt giam cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh: Bài học về kiểm tra, giám sát cán bộ - 1

Ông Phan Văn Vĩnh trước nhà riêng vào giữa tháng 3-2018, trước khi bị khởi tố, tạm giam. Ảnh: HUY THANH

Đánh giá cán bộ chưa thực chất

Ông Lê Thanh Vân cho rằng để cán bộ, đảng viên bị "đánh cắp" phẩm chất, đạo đức là do công tác kiểm tra, đánh giá không thường xuyên hoặc có làm nhưng chưa thực chất, hình thức. Điều này cho thấy bỏ phiếu tín nhiệm kiểu đóng cửa bảo nhau, thỏa hiệp anh bỏ tốt cho tôi, tôi bỏ tốt cho anh. Từ đó dẫn đến căn cứ đánh giá không chính xác, thiếu minh bạch.

"Tôi cho rằng bản lĩnh, phẩm chất của người cán bộ phải được đánh giá, kiểm tra, giám sát thường xuyên qua công việc, từ đó mới thể hiện được sự kiên trung, trong sạch. Ngày 6-4 vừa qua, bộ trưởng Bộ Công an ban hành Công điện số 795 gửi công an các đơn vị, địa phương về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa sai phạm, suy thoái trong công an nhân dân là rất cần thiết" - ông Vân nhận định. Tuy nhiên, ông Vân cũng lo ngại tình trạng tinh vi, xảo quyệt trong che đậy sai phạm, lạm dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái, thậm chí là vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên, nhất là lực lượng bảo vệ pháp luật. "Sự che đậy này chỉ bộc lộ khi đã về hưu hoặc bị "sờ gáy". Chỉ khi đó thì khối tài sản mới lộ ra..." - ông Vân nói.

Ông Lê Thanh Vân khẳng định hiện các quy định của Đảng đã có tính chất dẫn đường như việc xử lý cán bộ đã về hưu vẫn có thể bị xem xét kỷ luật. Mới đây nhất, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Trong đó nêu rõ: Con của đảng viên phạm tội mà đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới gồm: Con đẻ, con nuôi hợp pháp, con dâu, con rể cùng sống, sinh hoạt trong gia đình và trực tiếp phụ thuộc vào việc nuôi dưỡng, quản lý của đảng viên đó.

Cùng quan điểm này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cho biết không chỉ trường hợp của ông Vĩnh, ông Hóa mà không ít cán bộ, đảng viên trên nhiều lĩnh vực không giữ được phẩm chất có phần do công tác kiểm tra, thanh tra đánh giá cán bộ còn nhiều bất cập. "Cùng với sự tự rèn luyện thì việc thanh tra, kiểm tra, giám sát cán bộ thường xuyên, liên tục là hết sức cần thiết để kịp thời phát hiện sai phạm, từ đó uốn nắn, chấn chỉnh" - ông Hồng nhấn mạnh. 

Xem xét tước bỏ các danh hiệu

Theo ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch nước đã ký quyết định tước danh hiệu Công an Nhân dân đối với ông Phan Văn Vĩnh. Tuy nhiên, hiện còn danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và các danh hiệu khác thì các cơ quan hữu trách phải xem xét thu hồi hoặc tùy theo quy định của pháp luật và mức độ sai phạm của ông Vĩnh mà tiến hành tước bỏ.

Vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ: Tướng Phan Văn Vĩnh liên quan thế nào?

Cơ quan điều tra đang tập trung làm rõ ông Vĩnh được hưởng lợi như thế nào từ đường dây đánh bạc này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lương Dũng (Người lao động)
Khởi tố cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN