Vụ bà Phương Hằng: Tranh luận về cái gọi là phản biện xã hội
VKS cho biết bị cáo Đặng Anh Quân tham gia livestream để phản biện xã hội và phân tích pháp luật nhưng thấy bà Hằng phát ngôn vu khống nhưng vẫn tham gia.
Tại phiên tòa xét xử vụ bà Nguyễn Phương Hằng vào chiều 21-9, sau khi VKS luận tội và đề nghị mức án, các bị cáo và luật sư đã thực hiện phần bào chữa, sau đó VKS tranh luận lại...
Luật sư nói bà Hằng phạm tội trong trạng thái kích động
Trong phần luận tội và đề nghị mức án, đại diện VKS cho biết trong vụ án này bị cáo Hằng là người khởi xướng, người tổ chức các buổi livestream trên mạng xã hội, đưa ra những thông tin xuyên tạc, xúc phạm danh dự uy tín của nhiều cá nhân.
Để thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Hằng đã giao cho bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của Hằng) lập các tài khoản TikTok và lập trang fanpage facebook tên “Hoàng Nhi" để thông báo chủ đề, lịch phát livestream và đăng tải các bài viết theo yêu cầu của bà Hằng.
Bị cáo Lê Thị Thu Hà (nhân viên văn phòng) thì thực hiện sắp xếp sân khấu, bố trí nơi đặt máy quay khi bà Hằng livestream, lập fanpage facebook tên “Ha Le” để thông báo chủ đề, lịch phát livestream của bà Hằng và đăng tài các bài viết theo yêu cầu của bà Hằng.
Còn bị cáo Huỳnh Công Tân (trưởng phòng truyền thông) quản lý và phát livestream cho bà Hằng qua các kênh YouTube. Tân đọc lại các bình luận và chèn các hình ảnh minh họa theo yêu cầu của bà Hằng khi bà Hằng livestream, thực hiện việc truyền livestream cho bà Hằng bằng máy tính xách tay và máy quay phim.
Đối với bị cáo Đặng Anh Quân là tiến sĩ luật, giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM, là người có kiến thức, hiểu biết pháp luật đã tham gia cùng bị cáo Hằng trong các buổi livestream để tiếp thêm ý chí cho bị cáo Hằng.
Tự bào chữa, Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân cho biết mình vô tội và không phải là đồng phạm của bà Hằng. Ảnh: NHẬT TIẾN
Các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân, Đặng Anh Quân giữ vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Hằng thực hiện hành vi phạm tội.
Từ đó, đại diện VKS đã đề nghị tuyên bị cáo Nguyễn Phương Hằng từ 3-4 năm tù về lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cùng tội danh trên, bị cáo Đặng Anh Quân bị đề nghị mức án từ 2-3 năm tù. Các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân cùng bị đề nghị mức án từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm tù.
Những lời bào chữa
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Hằng cho biết mình bị truy tố về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ...” và cho rằng nếu đã lợi dụng thì phải có thu về lợi ích nhưng trong vụ án này bị cáo không hề thu lợi bất cứ khoản lợi ích nào. Mặt khác bị cáo trong vụ án này đã bị tạm giam 18 tháng, đã phải từ bỏ quỹ mổ tim cho trẻ em...
Luật sư của bị cáo Hằng thì cho rằng bà Hằng thực hiện hành vi trong trạng thái bị kích động khi trước đó bị nhiều cá nhân công kích, tấn công trên mạng. Ngoài ra, bị cáo Hằng trong quá trình điều tra cũng đã thành khẩn khai báo, bản thân có nhiều đóng góp cho xã hội, được nhiều cơ quan trao bằng khen nên LS đề nghị HĐXX phạt bà Hằng 18 tháng bằng thời gian tạm giam.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Đặng Anh Quân phân tích mình không phải là đồng phạm với bà Hằng, cho rằng tham gia livestream vì nhận lời mời từ bà Hằng. "Bị cáo không thống nhất trước nội dung, không thống nhất kịch bản trước và mục đích được mời đến để phân tích quy định của pháp luật và phản biện xã hội"- bị cáo Quân tự bào chữa.
Cho rằng hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên cả bị cáo Quân và LS của mình đều đề nghị HĐXX tuyên vô tội và trả tự do tại toà.
Tranh luận của VKS
Đối đáp trong phần tranh luận, theo đại diện VKS, ngay từ đầu bị cáo Hằng đã khẳng định không quen biết, không có mẫu thuẫn với những cá nhân tố cáo. Tuy nhiên chỉ vì những công kích, những bình luận trên mạng xã hội mới xảy ra đôi co qua lại.
Hành vi của bị cáo Hằng đã diễn ra trong thời gian dài. Hiến pháp cho phép công dân có quyền tự do ngôn luận nhưng bị cáo Hằng đã lợi dụng quyền này để xâm phạm hoạt động đến quản lý trật tự hành chính, trật tự xã hội của Nhà nước. Ngoài ra còn xâm phạm đến quyền và lợi ích của một số cá nhân.
Do đó, đối với những yêu cầu thay đổi tư cách tố tụng các luật sư và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có thể trình bày quan điểm, nếu sau khi HĐXX xem xét và quyết định trong bản án, nếu không đồng ý thì có quyền kháng cáo, VKS không đồng ý cũng có quyền kháng nghị.
"Trong tội phạm quy định tại Điều 331 có thể có thiệt hại hoặc có thể không có thiệt hại là chuyện hết sức bình thường, vì khách thể xâm phạm ở đây là trật tự quản lý hành chính, quản lý xã hội”- VKS phân tích.
Đối với quan điểm bị cáo Quân cho rằng không đồng phạm với bị cáo Hằng, VKS cho biết bị cáo Quân luôn cho rằng mình tham gia với bà Hằng là để phản biện xã hội, phân tích pháp luật nhưng bị cáo lại quên phản biện chính người gần bị cáo nhất là bị cáo Hằng.
Bị cáo Quân tham gia tổng cộng 11 buổi livestream với bị cáo Hằng, thấy bị cáo Hằng xúc phạm, vu khống lần một nhưng những lần sau thấy bà Hằng tiếp tục vu khống mà vẫn tham gia.
"Bị cáo Quân là một tiến sĩ Luật, là người có trình độ, có uy tín về pháp luật trong xã hội, việc xuất hiện của tiến sĩ Luật đã tiếp sức, tạo sự tin tưởng cho bị cáo Hằng.
Bị cáo Hằng thấy việc mình nói là không sai, không bị ai xử lý. Có cả tiến sĩ Luật ngồi cùng thì bị cáo Hằng lại càng tự tin là mình không sai"- VKS nói.
Sau thời gian nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng mức án 3 năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi...
Nguồn: [Link nguồn]