Vụ bà Phương Hằng: Bộ Công an có thể lấy hồ sơ lên để điều tra và nhập vụ án
Theo luật sư, Bộ Công an có thể xem xét về thẩm quyền điều tra của mình và rút hồ sơ lên để tiến hành điều tra, sau đó áp dụng quy định về nhập vụ án...
Ngày 22-4, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, xác nhận Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án liên quan đến các đơn tố giác bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam).
Cụ thể, công an Bình Dương khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trước đó, ngày 24-3, Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Hằng về cùng tội danh trên.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc bà Phương Hằng livestream công kích trong hơn hai năm qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân thẩm, danh dự của nhiều cá nhân và gây bất ổn cho xã hội trên nhiều địa bàn tỉnh, thành phố; vì vậy, cơ quan CSĐT Bộ Công an cần phải vào cuộc.
Bà Phương Hằng trong một buổi livestream. Ảnh cắt từ clip
Vậy xét về thẩm quyền, liệu cơ quan CSĐT Bộ Công an có thể rút hồ sơ lên để điều tra hay không?
Về vấn đề này, LS Vũ Phi Long, Nguyên Phó Chánh tòa Tòa Hình sự TAND TP.HCM cho biết, cơ quan điều tra TP.HCM và tỉnh Bình Dương đã khởi tố, điều tra vụ án liên quan cùng một hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng là không trùng lắp thẩm quyền của hai cơ quan tố tụng.
Bởi, theo Điều 163 BLTTHS 2015, cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình.
Hành vi livestream của bà Phương Hằng diễn ra ở cả TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Trong các cá nhân có đơn tố giác bà Phương Hằng, có người gửi đến công an TP.HCM, có người gửi đến công an tỉnh Bình Dương.
Vì vậy, việc công an TP.HCM và công an Bình Dương cùng khởi tố vụ án liên quan đến hành vi của bà Phương Hằng là không có sự xung đột về thẩm quyền.
LS Vũ Phi Long cũng cho rằng, vụ việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra cấp tỉnh, cụ thể là cơ quan điều tra Công an TP.HCM và Cơ quan điều tra công an tỉnh Bình Dương.
“Theo Khoản 5 Điều 163 BLTTHS, cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh. Hiện, cơ quan công an tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương đều khởi tố vụ án hình sự theo Điều 331 BLHS 2015 nên vụ việc thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra cấp tỉnh”, LS Vũ Phi Long phân tích.
Đồng quan điểm, LS Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nhận định vụ án thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra công an TP.HCM và tỉnh Bình Dương.
Theo LS Hậu, vụ án được khởi tố theo Điều 331 BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất của tội này là bảy năm tù. Vì vậy, theo khoản 1 Điều 9 BLHS 2015 thì đây là tội phạm nghiêm trọng thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra cấp tỉnh.
Tuy nhiên, LS Hậu cũng cho rằng hành vi trong vụ án trên có tính phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố. Do đó, cơ quan điều tra của Bộ Công an có thể xem xét về thẩm quyền điều tra của mình và lấy hồ sơ lên để tiến hành điều tra.
Bởi, theo khoản 3 Điều 163 BLTTHS, cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.
Ngoài ra, theo LS Hậu, Điều 170 BLTTHS 2015 quy định cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:
- Bị can phạm nhiều tội.
- Bị can phạm tội nhiều lần.
- Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.
Từ quy định này, việc nhập vụ án chỉ xảy ra trong cùng một vụ án và do cơ quan điều tra tại một địa phương thực hiện việc điều tra.
Hiện, vụ án vụ án trên đang được hai cơ quan điều tra của tỉnh Bình Dương và TP.HCM điều tra độc lập. Đây là hai cơ quan điều tra cùng cấp và tại mỗi địa phương, người phạm tội lại có dấu hiệu cấu thành một tội danh độc lập nên sẽ không được tiến hành nhập vụ án.
Tuy nhiên, nếu vụ án được Cơ quan điều tra của Bộ Công an thụ lý điều tra theo thẩm quyền thì có thể tiến hành nhập vụ án để điều tra.
Bộ Công an từng điều tra vụ việc liên quan bà Phương Hằng Trước khi bị Công an TP.HCM bắt tạm giam vào ngày 24-3, bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên livestream nhục mạ nhiều nghệ sĩ, luật sư, nhà báo. Bà Hằng rêu rao các nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành, MC Đại Nghĩa... ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020. Liên quan vụ việc, Cơ quan CSĐT (C02) Bộ Công an đã vào cuộc để xác minh. Đến ngày 21-1-2022, C02 đã ra thông báo về kết quả điều tra, xác minh tin báo, tố giác về tội phạm. Theo đó, sau khi kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, cơ quan điều tra nhận thấy các cá nhân trên không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp, ủng hộ để cứu trợ đồng bào miền Trung gặp thiên tai, lũ lụt năm 2020. Nội dung các tin báo, tố giác không có dấu hiệu tội phạm, không có sự việc phạm tội nên quyết định không khởi tố vụ án hình sự. |
Bình Dương khởi tố vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng là đúng thẩm quyền và khi điều tra có quyền khởi tố bổ sung tội danh mới.
Nguồn: [Link nguồn]