Vụ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Bộ Công an kiến nghị xử lý nhiều doanh nghiệp
Trong vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đồng phạm thông thầu tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, Cơ quan CSĐT Bộ công an kiến nghị xử lý nhiều doanh nghiệp.
Trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 13 bị can bị đề nghị truy tố về các tội đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố về hành vi thông thầu gây thiệt hại gần 95 tỉ đồng
Ngăn chặn nhiều tài sản
CQĐT xác định bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã trực tiếp liên hệ, thỏa thuận để ông Dương Hoa Xô (cựu GĐ Trung tâm CNSH) thống nhất, đồng ý cho Công ty AIC trúng thầu thực hiện 10 gói thầu thuộc dự án 12 phòng thí nghiệm của Trung tâm CNSH.
Sau khi có chủ trương thống nhất, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn giao cho cấp dưới liên hệ với nhóm cán bộ Trung tâm CNSH xây dựng danh mục trang thiết bị theo hướng nâng giá để đảm bảo lợi nhuận cho Công ty AIC là 40% giá trị gói thầu.
Sau đó, các cá nhân này thông đồng với Trần Vinh Vũ (giám đốc Công ty Tư vấn Hồng Hà) tư vấn lập hồ sơ mời thầu theo hướng có lợi cho Công ty AIC hoặc công ty do AIC chỉ định.
Từ đó, giúp cho Công ty AIC và Công ty Mopha (thuộc hệ sinh thái AIC) trúng 6 gói thầu và các công ty do AIC chỉ định gồm Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á, Công ty Vimedimex trúng 3 gói thầu.
Riêng gói thầu số 1 giai đoạn 1, AIC phải liên danh với Công ty NEAD mới đảm bảo năng lực, trúng thầu. Gói thầu này do Công ty NEAD thực hiện và hưởng lợi nhuận, không thông đồng với AIC và chủ đầu tư để nâng giá gói thầu.
CQĐT xác định bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng các bị can khác cố ý làm trái quy định pháp luật gây thiệt hại cho nhà nước gần 95 tỉ đồng.
Để thu hồi tài sản trong vụ án, ngày 11-12-2023, CQĐT có các công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng đăng ký đất đai tại TP.HCM rà soát, ngăn chặn, tạm ngừng giao dịch các tài khoản, sổ tiết kiệm, bất động sản của các bị can Dương Hoa Xô; Trần Thị Bình Minh (cựu Phó GĐ Sở KH&ĐT TP.HCM), Trần Đăng Tấn (Trưởng đại diện Công ty AIC tại TP.HCM).
Quá trình điều tra vụ án, các bị can, tổ chức cá nhân liên quan đã nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu để khắc phục hậu quả.
Trong đó, gia đình bị can Dương Hoa Xô (người nhận hối lộ 14,4 tỉ đồng) đã 5 lần nộp tiền, tổng cộng 11,35 tỉ đồng. Gia đình bị can Nguyễn Đăng Quân (Phó GĐ Trung tâm CNSH) nộp 700 triệu đồng, gia đình bị can Trần Thị Bình Minh nộp 800 triệu đồng...
Công ty Gene Việt nộp gần 10 tỉ đồng, công ty Technimex nộp 1,4 tỉ đồng, Công ty Vimedimex nộp 586 triệu đồng.
Kiến nghị xử lý nhiều doanh nghiệp
Ngoài các cá nhân đã bị đề nghị truy tố trong vụ án, CQĐT cũng đề nghị xử lý đối với nhiều pháp nhân khác.
Cụ thể, CQĐT kiến nghị Bộ Tài chính xem xét và xử lý hành chính đối với các công ty Thẩm định giá và thẩm định viên có sai phạm trong vụ án này gồm: Công ty TNHH Kiểm toán dịch vụ tin học TP.HCM (nay là Công ty TNHH Kiểm toán và dịch vụ tin học Moore AISC); Công ty cổ phần Tư vấn và thẩm định giá Đông Nam Á (tạm đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá…)
Đồng thời, CQĐT cũng kiến nghị UBND TP.HCM và các cơ quan có thẩm quyền xem xét và xử lý đối với 10 công ty gồm: CTCP Công nghệ cao, Công ty TNHH sinh Nam Anh, Công ty TNHH vật tư khoa học kỹ thuật Đông Dương, Công ty TNHH Thiết bị khoa học và công nghệ Kim Ngân, CTCP Công nghệ cao Gene Việt, CTCP Xuất nhập khẩu kỹ thuật Vimedimex, CTCP Công nghệ Việt Á, CTCP Tư vấn và Quản lý xây dựng Hồng Hà và CTCP Tư vấn xây dựng Nguyên Châu theo thẩm quyền và theo quy định của Luật Đấu thầu cùng các văn bản liên quan. Hình thức xử lý là phạt tiền, cảnh cáo, cấm tham gia hoạt động đấu thầu…
Nguồn: [Link nguồn]
Cựu Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM khai quen biết bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từ năm 2013 vào dịp tổ chức lễ hội Việt Nhật lần đầu tại TP.HCM.