Vụ bà Nguyễn Phương Hằng và việc xác định tư cách tố tụng
Nguyên tắc chung là tội phạm xâm hại trực tiếp đến ai, trực tiếp nhắm đến người nào thì người đó là bị hại…
Theo lịch xét xử, ngày 21-9 tới đây, TAND TP.HCM sẽ đưa bị cáo Nguyễn Phương Hằng cùng bốn đồng phạm ra xử sơ thẩm về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (theo Điều 331 BLHS). HĐXX triệu tập 12 cá nhân (mà bà Hằng từng “nêu tên” trong các lần bà tổ chức livestream) đến tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong vụ án này, nhiều người thắc mắc khi nào cá nhân, tổ chức bị xâm hại được xác định tư cách tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; khi nào được xác định là bị hại.
Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra. Ảnh: CA
Những chủ thể bị thiệt hại của Điều 331
Theo luật sư (LS) Lâm Quang Quý, Đoàn LS TP.HCM, Điều 65 BLTTHS quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Điều 62 BLTTHS quy định bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
“Quy định về bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thế, song thực tế việc xác định tư cách còn phụ thuộc vào đối tượng tác động của tội phạm, mối liên hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hậu quả đã xảy ra” - LS Quý nêu ý kiến.
ThS Nguyễn Đức Hiếu, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng khách thể của tội phạm quy định tại Điều 331 BLHS là lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Mặt khách quan của tội phạm thể hiện người thực hiện hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
“Người phạm tội có thể thực hiện một trong các hành vi như lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Hậu quả của hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ là những thiệt hại đã gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” - ThS Hiếu phân tích.
Theo ThS Hiếu, chủ thể bị thiệt hại của tội này khá đa dạng, từ Nhà nước cho tới tổ chức, cá nhân. Do đó, khi tiến hành tố tụng, các cơ quan nhà nước rất lưu tâm đến việc xác định chính xác tư cách người tham gia tố tụng, đặc biệt là người bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Kiến nghị của luật sư trong vụ bà Nguyễn Phương Hằng Trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, ngay sau khi nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử, một LS đã gửi văn bản kiến nghị đến TAND TP.HCM đề nghị xác định lại tư cách tham gia tố tụng của thân chủ của mình. LS này cho rằng theo quy định thì thân chủ của ông phải được xác định là bị hại trong vụ án, thay vì là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như tòa đã xác định. “Khoản 1 Điều 62 BLTTHS 2015 quy định cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra và thiệt hại này là khách thể trực tiếp của tội phạm thì cá nhân đó được xác định là bị hại trong vụ án. Trong vụ án này, bản cáo trạng xác định bà Nguyễn Phương Hằng đã có các phát ngôn thông tin bịa đặt, sai sự thật; có nội dung xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự của cá nhân (là thân chủ của tôi) nên thân chủ của tôi phải được xác định là bị hại” - LS lập luận. |
Chủ thể bị xúc phạm trực tiếp là bị hại
Theo LS Lâm Quang Quý, tại Điều 331 BLHS, nếu đối tượng tội phạm nhắm đến là danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì có căn cứ để xác định cá nhân đó là bị hại. Trường hợp đối tượng tội phạm nhắm đến là uy tín của cơ quan, tổ chức (mà cá nhân nào đó đang là người quản lý, lãnh đạo…) thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định cơ quan, tổ chức hoặc đại diện là bị hại. Khi đó, các cá nhân liên quan (chẳng hạn người quản lý, lãnh đạo…) “bị vạ lây” có thể được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Đức Hiếu cho rằng với Điều 331, cá nhân, tổ chức trực tiếp bị thiệt hại về uy tín, tinh thần… thì đó chính là bị hại. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể hiểu là họ bị tác động hoặc có thể bị thiệt hại hoặc có phát sinh nghĩa vụ do hành vi của người phạm tội gây ra. Tuy nhiên, các đối tượng mà người phạm tội hướng tới xâm phạm không phải là trực tiếp đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
“Có thể lấy ví dụ, nếu người phạm tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của anh A thì anh A chính là bị hại; trường hợp người phạm tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để làm tổn hại đến quyền, lợi ích của Nhà nước (chẳng hạn UBND xã) thì chủ tịch, phó chủ tịch, cán bộ tư pháp… xã đó có thể được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” - ThS Hiếu nói.
Tư cách tố tụng trong một vụ án tương tự Tháng 7-2022, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm đã tuyên bác kháng nghị của VKSND tỉnh Quảng Trị, đồng thời tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Theo đó, bị cáo Lê Anh Dũng bị phạt 18 tháng cải tạo không giam giữ; Phan Bùi Bảo Thy bị phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ và Nguyễn Huy bị phạt cảnh cáo. Theo nội dung vụ án, từ tháng 4-2020 đến tháng 2-2021, các bị cáo đã có hành vi thu thập thông tin tài liệu, biên tập, đăng tải nhiều bài viết có nội dung không đúng sự thật, xuyên tạc, xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của một số lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Trong vụ án này, các cấp tòa xác định cá nhân các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tham gia tố tụng với tư cách là bị hại. |
Luật sư Nguyễn Thành Công đã kiến nghị TAND TP.HCM xác định lại tư cách tham gia tố tụng của ông Nguyễn Đức Hiển với tư cách là bị hại trong vụ án.
Nguồn: [Link nguồn]