Vụ án Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan cho người hiền lành, không quậy phá làm chủ tịch SCB

Theo kết luận điều tra, nữ Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan khai cho Bùi Anh Dũng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB vì hiền lành, “không quậy phá”, được lòng người.

Cho làm chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB vì… hiền lành

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng SCB và một số đơn vị. Trong số các bị can, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị đề nghị truy tố ba tội danh, gồm: Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.

Bà Trương Mỹ Lan.

Bà Trương Mỹ Lan.

Theo kết luận điều tra, Trương Mỹ Lan là chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết. Với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh của tập đoàn và các công ty, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, hợp nhất 3 ngân hàng tư nhân (Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn – SCB vào năm 2012) bằng việc mua, sở hữu phần lớn số lượng cổ phần của các ngân hàng này để thao túng hoạt động của các ngân hàng này phục vụ cho mục đích cá nhân.

Tính đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối hơn 1,3 tỷ cổ phần Ngân hàng SCB, chiếm hơn 91,5% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên giúp. Trong đó, Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu hơn 75 triệu cổ phần, chiếm hơn 4,9% vốn điều lệ.

Tài liệu điều tra xác định, các cá nhân và đại diện các tổ chức này (trừ các pháp nhân nuớc ngoài đã liên hệ nhưng không đến làm việc) đều khai đứng tên cổ phần cho Trương Mỹ Lan.

Với việc sở hữu, nắm quyền chi phối số cổ phần Ngân hàng SCB nêu trên, Trương Mỹ Lan đã đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân đều là những người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng Lan tin tưởng, thân tín, nghe theo chỉ đạo của Lan vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB như: Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc các Chi nhánh lớn, Trưởng Ban kiểm soát để sử dụng những người này điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB. Những lãnh đạo chủ chốt, thân tín này được Lan trả mức lương rất cao từ 200-500 triệu/tháng.

Theo kết luận điều tra, Trương Mỹ Lan khai là người đồng ý để Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành và Bùi Anh Dũng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB qua các thời kỳ. Trong đó, Trương Mỹ Lan cho Bùi Anh Dũng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB vì hiền lành, “không quậy phá”, được lòng người.

Lan cho Trầm Thích Tồn làm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Trường Sơn, đến năm 2010 thì cho Trầm Thích Tồn làm Thành viên Hội đồng quản trị SCB. Sau khi hợp nhất tiếp tục cho Trầm Thích Tồn làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB.

Đối với Ban điều hành Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan cho Võ Tấn Hoàng Văn làm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, sau khi Lê Khánh Hiền, Tổng Giám đốc nghỉ việc.

Trương Mỹ Lan cho Võ Tấn Hoàng Văn lên làm Tổng Giám đốc SCB, theo đề nghị của Đinh Văn Thành. Sau khi Võ Tấn Hoàng Văn nghỉ, Trương Mỹ Lan cho Hoàng Minh Hoàn làm Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, làm được 1 tháng thì Hoàng Minh Hoàn xin Trương Mỹ Lan cho nghỉ vì áp lực công việc. Đinh Văn Thành đề cử với Trương Mỹ Lan cho Trương Khánh Hoàng lên làm Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB.

Ngoài ra, Đinh Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị đề cử với Trương Mỹ Lan cho Nguyễn Phương Hồng lên làm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB. Trần Thị Mỹ Dung lên làm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB.

Thuê thẩm định giá nâng giá trị tài sản đảm bảo

Trương Mỹ Lan khai nhận, liên quan đến việc SCB cấp tín dụng cho các khách hàng, qua các thời kỳ Trương Mỹ Lan trao đổi, chỉ đạo Nguyễn Thị Thu Sương; Võ Tấn Hoàng Văn hoặc Nguyễn Phương Hồng; Trương Khánh Hoàng hoặc Trần Thị Mỹ Dung triển khai thực hiện. Đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng thì Trương Mỹ Lan trao đổi, chỉ đạo công việc liên quan đến nhân sự, tổ chức của SCB.

Trương Mỹ Lan cũng khai nhận, khi gặp khó khăn về tiền để trả cho các khoản vay trước tại SCB, tùy theo từng thời kỳ mà lãnh đạo thân tín ở SCB sẽ thông báo cho Trương Mỹ Lan biết để tìm phương án xử lý.

Để xử lý các khoản vay này, Trương Mỹ Lan đi gặp bạn bè để mượn tài sản (hoặc dự án) hoặc tài sản của mình sử dụng làm tài sản đảm bảo để đưa vào SCB vay tiền nhằm xử lý các khoản vay trước. Các tài sản sử dụng như vậy thường sẽ không đủ giá trị để đảm bảo cho số tiền vay. Để giải quyết việc này, nhóm bị can đã thuê thẩm định giá nâng giá trị tài sản đảm bảo. Những việc này sau khi báo cáo với Trương Mỹ Lan, lãnh đạo SCB qua các thời kỳ sẽ phân công nhân viên SCB và những người liên quan thực hiện.

Bên cạnh đó, Trương Mỹ Lan cũng khai, tiền giải ngân các khoản vay trên được sử dụng vào việc trả nợ gốc, lãi các khoản vay trước; trả nợ vay cho bạn bè người thân mà Lan vay của họ; trả chi phí cho các hoạt động của SCB (các khoản chi mà không thể hạch toán chi phí được). Tiền còn được dùng để trả tiền mua lại các dự án (thường là các dự án đã mượn để thế chấp ngân hàng, sau đó Trương Mỹ Lan mua lại). Trả tiền gốc lãi trái phiếu, chi phí tiền định giá tài sản, công chứng tài sản. Chi trả tiền công cho những người đứng tên hộ các công ty, những người đứng tên hộ các khoản vay, những người đứng tên tài sản và chi vào nhiều các mục đích khác.

Theo kết luận điều tra, từ khi Ngân hàng SCB sáp nhập ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn sử dụng vào các mục đích của Lan. Trong đó, kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ ngày 1/1/2018 đến ngày 7/10/2022, bị can Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, đến nay các khoản vay này còn nợ hơn 545.039 tỷ đồng (bao gồm hơn dư nợ gốc là 415.666 tỷ đồng + dư nợ lãi hơn 129.372 tỷ đồng). Toàn bộ số tiền chiếm đoạt này đều phục vụ cho mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan.

Về tội Tham ô tài sản đối với bị can Trương Mỹ Lan, Cơ quan điều tra cáo buộc, về bản chất việc đưa tài sản bảo đảm vào SCB chỉ là phương thức, thủ đoạn phạm tội, có nhiều tài sản bảo đảm không có giá trị pháp lý, không đủ điều kiện để làm tài sản thế chấp nhưng vẫn được định giá, nâng khống giá trị, đưa vào thế chấp tại Ngân hàng SCB làm phương án vay. Trong đó, 684/1.284 khoản vay chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân; nhiều khoản vay được giải ngân trước rồi mới hợp thức hồ sơ vay và tài sản đảm bảo; 201/1.284 khoản chưa có phê duyệt cho vay của cấp có thẩm quyền; Các bị can tại Ngân hàng SCB đều đã khai nhận chỉ ký thủ tục hợp thức, không thực hiện thẩm định, đánh giá khoản vay theo quy định pháp luật và quy trình của Ngân hàng SCB về việc cho vay.

Do vậy, có đủ căn cứ xác định toàn bộ số tiền gốc hơn 415.666 tỷ đồng mà Trương Mỹ Lan và đồng phạm lập hồ sơ vay vốn hợp thức để rút ra khỏi Ngân hàng SCB đến nay còn dư nợ không trả được là số tiền mà cựu chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã chiếm đoạt của Ngân hàng SCB.  Do có khoản vay được đảm bảo hơn 111.570 tỷ đồng nên Cơ quan điều tra xác định trách nhiệm của Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt của SCB số tiền hơn 304.096 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi Tham ô tài sản của Lan còn gây thiệt hại số tiền hơn 129.372 tỷ đồng là số tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt nêu trên.

Phút 'sa ngã' của phó chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước vụ Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát

Phát hiện nhiều sai phạm tại Ngân hàng SCB, phó chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước đã hai lần kiến nghị chuyển CQĐT nhưng sau đó không kiên quyết bảo lưu ý kiến này…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh An ([Tên nguồn])
Vụ án Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN