Vụ án ông Tất Thành Cang và đồng phạm: Những ai trong "tầm ngắm" của cơ quan điều tra?
Trong vụ án liên quan tới ông Tất Thành Cang, hàng loạt cá nhân, đơn vị tiếp tục trong ‘tầm ngắm’ của Cơ quan điều tra, trong đó có hành vi dấu hiệu “Tham ô tài sản” – tội danh duy nhất về án kinh tế có khung phạt đến tử hình.
Ông Tất Thành Cang hiện đang bị tạm giam tại Chí Hòa vối đề nghị truy tố tội danh có khung phạt 10=20 năm tù.
Theo Cơ quan điều tra, ngoài ông Tất Thanh Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM) và 19 bị can bị đề nghị truy tố, vụ án Tề Trí Dũng và đồng phạm sai phạm xảy ra tại Cty IPC và Cty SADECO còn có 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đến nay chưa có kết luận giám định, định giá tài sản và kết quả cung cấp tài liệu của các cơ quan, cá nhân liên quan, nên Cơ quan điều tra đã quyết định tách ra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Loạt cá nhân, công ty trong ‘tầm ngắm’
Các công ty bị cơ quan điều tra ‘xướng tên’ là Cty XD GT Hồng Lĩnh và IPC. Hai công ty này có dấu hiệu sai phạm trong việc thực hiện Dự án Khu dân cư Long Hậu – Long An.
Cty CP Khu Công nghiệp Hiệp Phước được Cty IPC chuyển nhượng Dự án Khu Công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, cũng có dấu hiệu sai phạm “Vi phạm quy định về quản lý , sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục điều tra việc thực hiện Dự án Khu dân cư Long Thới, huyện Nhà Bè, chuyển nhượng đất nền không đúng quy định, không phù hợp với giá thị trường dẫn đến khả năng gây thiệt hại cho Cty IPC và vốn Nhà nước của Cty IPC.
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cũng sẽ tiến hành điều tra dấu hiệu sai phạm trong việc thực hiện cổ phần hóa Cty IPC thành Cty Tiếp vận Đông Sài Gòn không tuân thủ quy định và các sai phạm sau cổ phần hóa.
Bên cạnh, 3 công ty cũng vào ‘tầm ngắm’ của Cơ quan điều tra là Cty CP ĐT XD Tuấn Lộc, Cty CP Khu Công nghiệp Hiệp Phước, Cty TNHH Thẩm định giá MHD. Bước đầu xác định có dấu hiệu sai phạm trong việc phát hành 40 triệu cổ phần cho Cty Tuấn Lộc để tăng vốn tại Cty Khu Công nghiệp Hiệp Phước, còn Cty MHD sẽ bị điều tra dấu hiệu sai phạm xác định giá trị cổ phần.
Dấu hiệu “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” của ông Tề Trí Dũng và các cá nhân liên quan tại Cty IPC trong việc chuyển nhượng nền đát tại Dự án Khu định cư An Phú Tây, huyện Bình Chánh cũng sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ.
Đáng lưu ý là ông Tề Trí Dũng cùng các cá nhân sẽ đối diện với điều tra dấu hiệu “Tham ô tài sản” trong việc chiếm đoạt tiền thù lao và tiền thưởng người đại diện vốn không chuyên trách do Cty TNHH Sepzone Linh Trung chi trả cho Thành viên HĐTV.
Cũng dấu hiệu “Tham ô tài sản”, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra các các cá nhân là Phạm Xuân Trung, Trần Đăng Linh, Trần Công Thiện, Huỳnh Phước Long (nguyên Trưởng Ban kiểm soát Cty SADECO), trong việc nhận tiền thù lao khen thưởng HĐQT và Ban kiểm soát Cty SADECO.
Bị can đầu vụ án khai báo quanh co
Trong vụ án Tề Trí Dũng và đồng phạm can tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Cty IPC, Cty SADECO và các đơn vị liên quan. Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã đề nghị xem xét giảm nhẹ trong quá trình truy tố, xét xử cho 10 bị can là Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng giám đốc SADECO); Phùng Đức Trí (cựu Phó Tổng giám đốc IPC); Lê Hoàng Minh (cựu Chủ tịch IPC); Vũ Xuân Đức (cựu chuyên viên IPC); Nguyễn Trường Bảo Khánh (cựu thành viên Cty IPC); Trần Mạnh Khôi (cựu Trưởng Ban kiểm soát SADECO); Lâm Văn Tuấn (cựu Thành viên Ban kiểm soát SADECO); Trần Đăng Linh (cựu cựu Phó Tổng giám đốc IPC); Nguyễn Hữu Thành (cựu Thành viên SADECO) và Nguyễn Văn Thông (cựu Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM).
Theo Cơ quan điều tra, 10 bị can trên trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, đã nhận thức được thiếu xót của bản thân, ăn năn hối cãi...
Cựu Chủ tịch SADECO - bị can Tề Trí Dũng theo Cơ quan điều tra là khai báo quanh co.
Trong vụ án này, bị can Tề Trí Dũng (cựu Chủ tịch, Tổng giám đốc SADECO) được xác định có vai trò chính đối với các sai phạm. Tuy nhiên ông Dũng, theo Cơ quan điều tra là không hợp tác làm việc, khai báo không thành khẩn, quanh co, đối phó, né tránh trách nhiệm.
Các bị can Đỗ Công Hiệp, Trần Công Thiện, Huỳnh Phước Long, Đoàn Minh Lý chưa thành khẩn khi làm việc với Cơ quan điều tra.
Cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang và các bị can còn lại, Cơ quan điều tra không đề nghị xem xét giảm nhẹ hay tăng nặng troong quá trình truy tố, xét xử.
Theo kết luận điều tra số 481-25/KLĐT-P03 của Cơ quan CSĐT Công an TPHCM, ngoài bị can Phạm Nhật Vinh (Tổng giám đốc Cty Nguyễn Kim, Thành viên HĐQT Cty SADECO) đang bị truy nã, 19 bị can còn lại là Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch SADECO); Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng giám đốc SADECO); Đỗ Công Hiệp (cựu Kế toán trưởng SADECO); Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Cty TNHH MTV ĐT XD Tân Thuận); Huỳnh Phước Long (cựu Thành viên HĐQT SADECO); Lương Trí Cường (cựu nhân viên IPC); Đoàn Thị Minh Trang (cựu chuyên viên IPC); Phùng Đức Trí (cựu Phó Tổng giám đốc IPC); Lê Hoàng Minh (cựu Chủ tịch IPC); Phạm Xuân Trung (cựu chuyên viên IPC); Vũ Xuân Đức (cựu chuyên viên IPC); Nguyễn Trường Bảo Khanh (cựu thành viên Cty IPC); Trần Mạnh Khôi (cựu Trưởng Ban kiểm soát SADECO); Đoàn Minh Lý (cựu Thành viên Ban kiểm soát SADECO); Lâm Văn Tuấn (cựu Thành viên Ban kiểm soát SADECO); Trần Đăng Linh (cựu cựu Phó Tổng giám đốc IPC); Nguyễn Hữu Thành (cựu Thành viên SADECO); Nguyễn Văn Thông (cựu Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM) và Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM) – 19 bị can cùng tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Tất cả các bị can đều bị đề nghị truy tố do có hành vi phát hành 9.000.000 cổ phần cho cổ đông chiến lược là Cty Nguyễn Kim, dẫn đến thiệt hại 940 tỷ đồng. |
Ông Tất Thành Cang và các đồng phạm bị đề nghị truy tố, trong đó bản thân ông Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm...
Nguồn: [Link nguồn]