Vụ án oan 10 năm sẽ làm “nóng” nghị trường
Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Hiến - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (QH) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH.
* Phóng viên: Theo ông, trong phiên chất vấn kỳ họp này, vụ “ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang ngồi tù oan 10 năm” có làm nóng nghị trường?
Ông Nguyễn Văn Hiến - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội |
- Ông Nguyễn Văn Hiến: Tôi nghĩ sẽ nóng. Tôi cho rằng người dân không có tội thì phải minh oan sớm cho họ. Nói thật, nguồn gốc vụ án oan này là vấn đề đạo đức của cán bộ cơ quan tố tụng và tòa án. Rõ ràng ở đây là ai cũng có thể nhìn thấy không có một chứng cứ trực tiếp nào đủ để kết tội ông Chấn. Trong khi đối với những vụ án hệ trọng như thế này thì chứng cứ trực tiếp là rất quan trọng.
* Như ông nói, không có chứng cứ trực tiếp nhưng ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn bị tuyên mức án chung thân, rõ ràng có khe hở để lọt qua nhiều cơ quan từ viện kiểm sát đến tòa án?
- Tôi không hiểu tại sao viện kiểm sát, thẩm phán có thể chấp nhận được chứng cứ chỉ có như vậy. Phía tòa án rõ ràng là nghiệp vụ chuyên môn “yếu quá”.
Tôi muốn nhấn mạnh lại nguồn gốc của sai sót này là đạo đức mà trước hết là của điều tra viên. Đến giờ thì cơ quan, cán bộ điều tra “cứ trơn tuột như con chạch” rằng không có chuyện ép cung là câu hỏi lớn mà người dân đang muốn được trả lời trung thực.
Người ta cứ nói bệnh thành tích, vậy bệnh thành tích đã đến giai đoạn di căn là ở vụ án này. Họ sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng, nhân phẩm của một con người, thậm chí cả gia đình và công lý để có được thành tích phá án sớm.
* Nhiều ý kiến lo ngại trước thực trạng có nơi cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án là một “kíp” và vì thế, không cùng lợi ích thì cũng không “động chạm” hoặc “né” nhau?
- Cũng không hoàn toàn như vậy nhưng rõ ràng nếu tòa án có trình độ, có kinh nghiệm sẽ không dễ dàng chấp nhận những chứng cứ như vậy để đi đến kết án ông Chấn. Theo tôi, tòa án ở Bắc Giang quá “liều”. Từng tham gia xét xử nhiều vụ, tôi thấy vụ án này chẳng có một chứng cứ trực tiếp nào và như thế thì không thể xử được. Những vụ phức tạp như vậy đáng ra tòa án phải cùng họp liên ngành, phải đấu tranh, phải thảo luận để trả hồ sơ.
Ông Nguyễn Thanh Chấn trở về nhà sau 10 năm ở tù oan. Ảnh: Nguyễn Quyết
* Ông và nhiều đại biểu QH sẽ chất vấn Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình về cái “yếu” của TAND tỉnh Bắc Giang?
- Tôi nghĩ các đại biểu sẽ chất vấn vụ này vì đang quá “nóng” bởi vai trò của tòa án là rất quan trọng đối với các vụ án.
* Theo ông, có nên trở lại những vụ án gây nhiều bức xúc trong dư luận?
- Điều này là rất nên vì sẽ có lợi chung. Như án treo đối với tham nhũng nhiều quá, sau khi có ý kiến, bên tòa án đã có chuyển biến. Chỉ đạo của TAND Tối cao về án tham nhũng cũng quyết liệt hơn.
Còn về việc oan sai nhiều hay không, chúng ta chỉ nắm được những vụ người dân, báo chí nói đến, những vụ án lớn, chứ thực tế có thể nhiều hơn nữa. Nhất là các vụ nhỏ xử vài ba năm hoặc người dân không theo đuổi đến cùng. Mới đây nhất là vụ chị Trần Thị Hải Yến (xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) chết trong trại tạm giam thì mới vỡ ra là cả cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án đều bị nghi có vấn đề.
Tôi là thành viên Ủy ban Tư pháp của QH và tham gia góp ý bàn dự thảo nghị quyết của kỳ họp thứ 6 này về việc Ủy ban Tư pháp sẽ đi giám sát một số vụ án cụ thể tới đây. Tôi mong muốn giám sát phải cho ra giám sát, phải dành nhiều thời gian ôm hồ sơ về nghiên cứu thấu đáo, tiến hành độc lập, không phụ thuộc vào địa phương. Sau khi nghiên cứu, chất vấn để yêu cầu các cơ quan giải trình thì mới ra vấn đề được.
Còn như những lần giám sát trước đây, chủ yếu chỉ nghe báo cáo, phân trần của các cơ quan rằng “làm đúng”, rằng “án treo là phù hợp”… rồi cho qua thì khó lắm.
* Quá trình đi giám sát các vụ án, ông thấy nổi lên vấn đề gì của các cơ quan tố tụng?
- Tôi thấy điểm rõ nhất là các cơ quan tố tụng nể nang nhau, né tránh nhau và đạo đức của điều tra viên, kiểm soát viên, đặc biệt là những vụ án tham nhũng.
Tôi thắc mắc nhiều vụ cơ quan điều tra làm rõ tội cán bộ tham nhũng nhưng qua viện kiểm sát bị “bớt đầu, bớt đuôi” nhưng cơ quan điều tra cũng không có ý kiến phản đối, kiến nghị. Viện kiểm sát đề nghị xử mức án cao, qua tòa xử nhẹ đi nhưng không kháng nghị hoặc báo cáo viện kiểm sát cấp trên kháng nghị. Rồi viện kiểm sát cấp trên, tòa án cấp trên cũng không sử dụng hết quyền của mình. Sơ thẩm xử đã nhẹ, đến phúc thẩm án lại “vơi” đi nhưng tòa án cấp dưới cũng không có ý kiến.
Nực cười ở chỗ nhiều vụ quá trình điều tra phát hiện rất lùm xùm nhưng khi xét xử thì “im lặng như tờ”, thậm chí xử lúc nào không ai hay biết. Vì vậy, rất khó tìm thông tin những vụ lùm xùm bị làm dịu đi. Sau xử thì các cơ quan đến bị cáo “nằm thở” chờ cho quá 1 năm - thời hạn giám đốc thẩm theo hướng tăng án.
* Những vụ như ông Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long sẽ làm xói mòn lòng tin của nhân dân?
- Tôi cùng quan điểm với nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, bà Lê Thị Thu Ba, đã nói cách đây hơn 10 năm là “cứ cho luật sư vào thoải mái”. Luật sư lâu lâu mới bào chữa một vụ, trong khi cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án tham gia hàng ngàn vụ, sao dễ qua mặt được. Có luật sư sẽ góp phần tránh được những vụ án oan sai như vừa qua.