Vụ án mua đất đấu giá rẻ hơn 135 tỷ đồng: Phó tổng giám đốc nhận tội, “sếp” lại kêu oan
Tại tòa, bị cáo Loan khai nhận, bản thân không có mâu thuẫn gì với các bị cáo khác trong vụ án. Song khi nghe các bị cáo khai nhận bà thấy không đúng và gian dối.
Các bị cáo tại phiên tòa
Ngày 17/4, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Thị Loan - cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex và 10 bị cáo khác ra xét xử về các tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bà Loan và các bị cáo bị cáo buộc có nhiều sai phạm, dìm giá, dùng "quân xanh" thâu tóm đất đấu giá ở huyện Đông Anh (Hà Nội) gây thiệt hại 135 tỷ đồng.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Nguyễn Quang Hưng (Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vimedimex) thừa nhận cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội.
Theo lời khai của bị cáo Hưng, bị cáo Nguyễn Thị Loan có chỉ đạo về việc được ủy quyền để tham gia đấu giá.
Thông qua hồ sơ, bị cáo có báo cáo lại về giá sàn, phương thức làm sao phù hợp với quy định. Sau đó bị cáo Loan chỉ đạo cách thức bỏ giá và 3 công ty cùng bỏ một mức giá.
Bị cáo không đủ thẩm quyền bàn bạc mà chỉ nhận thông tin về các bước bỏ giá rồi truyền đạt lại cho những người được ủy quyền.
“Tôi không được hưởng bất cứ khoản lợi nào từ việc này, không bàn bạc với bất kì ai”, bị cáo Hưng khẳng định.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Loan lại cho rằng mình bị oan, cáo trạng truy tố chưa đúng.
“Trong quá trình điều tra bị cáo có bị dùng nhục hình, ép cung không?” Hội đồng xét xử (HĐXX) đặt câu hỏi. Bị cáo Loan đáp lại “không bị ép cung”.
Tại tòa, bị cáo Loan khai nhận, bản thân không có mâu thuẫn gì với các bị cáo khác trong vụ án. Song khi nghe các bị cáo khai nhận bà thấy không đúng và gian dối.
Theo lời khai của bị cáo Loan, cuộc họp giao ban, Nguyễn Quang Hưng có trình bày dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá ở thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội), có thể đấu giá được. Lúc này, bị cáo Loan nói “nếu được các em cứ xem xét”.
Bị cáo Loan cho rằng, cáo trạng cáo buộc bà chỉ đạo nộp tiền đặt cọc là không đúng. Trong cuộc họp, bị cáo chỉ đồng ý chủ trương về việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá. Bị cáo không chỉ đạo 3 công ty thực hiện quá trình tham gia đấu giá.
Cáo trạng xác định, năm 2020, UBND huyện Đông Anh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá ở thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội). Ban quản lý dự án và đầu tư xây dựng huyện Đông Anh được giao tổ chức đấu giá. Lúc này, Trần Công Tuyên (Trưởng phòng thuộc Ban quản lý dự án huyện Đông Anh) liên hệ với Công ty VVAI để thẩm định giá khu đất. Công ty VVAI khảo sát thực địa, tiếp cận hồ sơ và xác định giá trị khu đất khoảng 504 tỷ đồng (tương đương 30 - 31 triệu/m2). Tuy nhiên, Tuyên yêu cầu doanh nghiệp này làm lại theo hướng hạ giá trị khu đất xuống còn khoảng 300 tỷ. Nhân viên của VVAI do vậy đã chỉnh sửa, định giá khu đất còn khoảng 334 tỷ đồng. Khi định giá đất, các bị can là thẩm định viên đã không làm việc khách quan, mà theo đề nghị của Trần Công Tuyên và Vương Thị Thu Thủy (chuyên viên Ban quản lý dự án huyện Đông Anh) cố ý hạ giá trị khu đất để ban hành chứng thư định giá trái với giá trị thực tế. VVAI sau đó đã phát hành chứng thư xác định giá trị khu đất là hơn 284 tỷ, tương đương 17,6 triệu/m2. Do không phát hiện sai phạm, Sở Tài nguyên và Môi trường chấp thuận chứng thư, trình Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể TP.Hà Nội. Hội đồng họp, sau đó chốt đơn giá là 18,2 triệu đồng/m2. Bà Loan đã chỉ đạo Nguyễn Quang Hưng chuẩn bị hồ sơ để tham gia đấu giá. Khoảng 90 tỷ đồng cũng được bà Loan đưa ra để những pháp nhân này đặt cọc. Với mục đích trúng đấu giá thấp nhất, ông Hưng báo cáo bà Loan rồi cùng thống nhất cả 3 doanh nghiệp sẽ để cùng mức giá trong 3 vòng đấu đầu tiên. Như vậy đến vòng thứ 4 họ sẽ được bốc thăm và dù doanh nghiệp nào trúng, khu đất cũng về tay bà Loan. Kết quả, Công ty Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm trúng đấu giá khu đất ở mức 326 tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, khu đất nói trên tại thời điểm tháng 10/2020 có giá thực tế hơn 462 tỷ đồng nên hành vi định giá thấp và dùng mánh khóe đã giúp doanh nghiệp của bà Loan hưởng lợi bất chính hơn 135 tỷ đồng. |
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử xét thấy việc vắng mặt nhiều luật sư và cần có thời gian để cho các luật sư và bị cáo cung cấp thêm một số tài liệu, chứng cứ mới nên đã quyết định hoãn phiên tòa.