Vụ án Công ty Nhật Cường: Xét xử thế nào khi "kẻ chủ mưu" vẫn đang bỏ trốn?
Ngày 5/5, TAND TP Hà Nội sẽ đưa vụ án Công ty Nhật Cường buôn lậu ra xét xử trong khi Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty này vẫn đang bỏ trốn.
Bị cáo Bùi Quang Huy (bên phải) cùng một số bị cáo khác trong vụ án
"Kẻ chủ mưu" Bùi Quang Huy đã làm những gì?
Từ ngày 5/5, TAND TP Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm vụ án "Buôn lậu", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 1 tuần, xét xử vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật.
Trong số 15 bị cáo phải ra hầu tòa tại vụ án này, có 13 bị cáo còn lại bị truy tố về tội "Buôn lậu". Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường) bị truy tố về 2 tội: "Buôn lậu" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng". Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng) bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cáo trạng, từ tháng 1/2014 đến tháng 5/2019, Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) đã trực tiếp và chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên công ty thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép tổng số 2.502 đơn hàng với 255.311 sản phẩm (điện thoại di động các loại) có tổng giá trị thanh toán hơn 2.927 tỷ đồng của 16 nhà cung cấp tại Hong Kong, Trung Quốc.
Sau đó, Huy đã trực tiếp liên hệ, thỏa thuận thuê các đường dây vận chuyển hàng hóa trái phép từ Hong Kong về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường tiêu thụ.
Thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy đã tiêu thụ được 254.364 sản phẩm, thu lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng.
Theo Viện Kiểm sát, đây là vụ đồng phạm có tổ chức, có sự câu kết giữa các bị cáo trong việc thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, Bùi Quang Huy là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động buôn lậu tại Công ty Nhật Cường. Các bị cáo là nhân viên Công ty Nhật Cường được xác định là người thực hành, người giúp sức thực hiện tội phạm.
Ngoài ra, năm 2014, Bùi Quang Huy chỉ đạo thành lập 2 hệ thống sổ sách kế toán để theo dõi hoạt động kinh doanh của công ty; chỉ đạo Nguyễn Bảo Ngọc và Nguyễn Thị Bích Hằng sử dụng, ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động của Công ty Nhật Cường trên 2 hệ thống sổ sách kế toán tại phần mềm ERP và phần mềm MISA.
Trong đó, có nhiều số liệu về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư vào các công ty con do Bùi Quang Huy thành lập chỉ được ghi chép trên phầm mềm ERP để theo dõi nội bộ, không ghi chép trên phần mềm MISA để đưa vào các báo cáo thuế, báo cáo tài chính, kê khai với cơ quan quản lý Nhà nước.
Với những hành vi vi phạm trên, chỉ tính phần nghĩa vụ nộp thuế trong các hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi này còn nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, trong vụ án này, Bùi Quang Huy là người trực tiếp chỉ đạo, có vai trò chủ mưu, chỉ huy, cầm đầu; Nguyễn Bảo Ngọc và Nguyễn Thị Bích Hằng là người thực hành trong vụ án.
Bùi Quang Huy bỏ trốn không ảnh hưởng gì đến việc xét xử vụ án
Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc "kẻ chủ mưu" Bùi Quang Huy hiện vẫn bỏ trốn không ảnh hưởng gì đến việc xét xử vụ án.
"Trong trường hợp này, cơ quan tố tụng sẽ tiến hành tách vụ án ra để xét xử sau", luật sư Cường nói và phân tích: Thông thường, những vụ án có tổ chức thì không thể chờ bắt đủ các đối tượng về xét xử. Vì theo quy định của pháp luật, nếu hành vi của các bị can đã rõ, đánh giá được mức độ tính chất vi phạm vẫn xử lý hình sự bình thường. Còn đối với các bị can bỏ trốn, cơ quan công an sẽ tiến hành truy nã, khi nào bắt được sẽ xét xử tiếp.
Theo luật sư Cường, về cơ bản trong vụ án có đồng phạm, bắt được đối tượng chủ mưu thì có thể thuận lợi cho các đồng phạm khác, khi mà chủ mưu bị áp dụng hình phạt cao nhất. Từ hình phạt cao đó, sẽ áp dụng lần lượt cho các bị cáo, từ bị cáo có vai trò cao đến bị cáo có vai trò thấp.
Hơn nữa, khi bắt được đối tượng chủ mưu sẽ dần dần làm sáng tỏ vụ án. Tuy nhiên, không phải đối với vụ án nào cũng có thể bắt được hết đồng phạm. Vì vậy, trong vụ án khi bắt được một số đối tượng vẫn tiến hành xét xử bình thường.
"Pháp luật cũng không quy định phải chờ đợi đủ đối tượng mới xử lý, mà chỉ cần bắt được 1 đối tượng, có căn cứ đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự thì toà vẫn xét xử bình thương. Quá trình này được tiến hành đồng thời với việc truy xét, bắt đối tượng khác theo quy định của pháp luật", luật sư Cường nói.
Thành ủy Hà Nội đã khai trừ Đảng ông Nguyễn Văn Tứ, nguyên chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội, và 3 cán bộ từng công tác...
Nguồn: [Link nguồn]