Vụ 9 HS chết đuối: Cha mẹ trở về ôm con trong nước mắt

Bên ánh đèn hiu hắt của đám tang, tiếng khóc của người mẹ mất con, người bà mất cháu như xé toạc bầu không khí tĩnh mịch của màn đêm…

Vụ 9 HS chết đuối: Cha mẹ trở về ôm con trong nước mắt - 1

Vị trí xảy ra vụ đuối nước khiến 9 học sinh tử vong.

Đến sáng 16-4, câu chuyện về 9 học sinh lớp 6B, Trường THCS xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi chết đuối thương tâm đã làm rúng động khắp làng quê nghèo Quảng Ngãi. Cả 9 học sinh đều có gia cảnh nghèo khó, là con em của bà con nông dân. Phần lớn cha mẹ của 9 em đều đi làm rẫy, bán hàng rong, làm phụ hồ… ở các tỉnh bạn. Khi nhận được hung tin, họ trở về ôm xác con trong nước mắt.

​“Đến lúc chết không biết mặt mẹ, cha”

Trong số 9 học sinh tử vong, có lẽ trường hợp thương tâm nhất là em Phạm Su Sum, ngụ thôn Kim Thạch, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi. Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Kim Thạch, từ khi nhận hung tin đứa cháu ngoại chết đuối, bà Nguyễn Thị Dung (bà ngoại cháu Sum) khóc hết nước mắt. Bà nằm bệt dưới đất, khóc lóc thảm thiết đòi chết thay cho đứa cháu xấu số. “Mới hôm qua con đi học về còn tung tăng với ngoại, sao giờ con bỏ ngoại mà đi. Trời ơi, ai cứu giùm cháu tôi” - bà Dung nói trong nước mắt giàn dụa.

Vụ 9 HS chết đuối: Cha mẹ trở về ôm con trong nước mắt - 2

Đám tang không cờ hoa của em Phạm Su Sum.

Anh Phạm Hiếu, cậu ruột cháu Sum, cho biết từ lúc được lọt lòng mẹ 1 tháng tuổi, Sum sống với bà ngoại và cậu cho đến giờ. Mẹ bỏ đi biền biệt từ đó, đến giờ không biết ở đâu, cha cũng chưa gặp một lần. “Tội nghiệp nó, khi còn sống, mỗi lần thấy bạn bè khác có cha mẹ đưa đi chơi, nó về hỏi cậu và bà ngoại cha mẹ con đâu, sao không thấy về... Đến giờ nó chết rồi, cũng chưa biết mặt cha, mẹ ra sao” -anh Hiếu khóc.

Nằm cách nhà em Phạm Su Sum không xa, gia cảnh em Lê Văn Đô (ngụ thôn Kim Thạch, xã Nghĩa Hà) cũng nghèo khó đến xót lòng. Đô vốn là anh cả trong nhà có 3 anh em. Từ nhỏ, vì cha mẹ nghèo khó, Đô phải phụ cha, mẹ lo cơm nước cho 2 đứa em còn nhỏ.

Ông Thành, hàng xóm nhà cháu Đô, cho biết vì hoàn cảnh khó khăn nên khi ăn Tết xong, chị Nguyễn Thị Kim Hồng (mẹ cháu Đô) phải vào TP HCM để bán chè, kiếm tiền gửi về nuôi con ăn học. Khi biết sự việc, chị Hồng bỏ lại tất cả, chạy đi mua một vé máy bay cấp tốc về với con. Lúc 3 giờ sáng nay, chị Hồng về tới nhà.

Vụ 9 HS chết đuối: Cha mẹ trở về ôm con trong nước mắt - 3

Bà ngoại Phạm Su Sum khóc ngất bên bàn thờ cháu.

Vừa đặt chân lên bậc tam cấp nhà, chị Hồng chết lặng, đôi chân nặng trĩu khụy xuống khi nhìn thấy đứa con trai nằm bất động bên trong quan tài. Bên ánh đèn hiu hắt của đám tang, tiếng khóc của người mẹ mất con, người bà mất cháu như xé toạc bầu không khí tĩnh mịch của màn đêm.

Hố sâu do đơn vị múc cát tạo ra

Ông Trần Thanh Trạng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà, cho biết gia cảnh 9 học sinh đuối nước tử vong không thuộc hộ nghèo nhưng đều thuộc diện khó khăn, là con em của bà con nông dân. Trong số 9 em, phần lớn có cha mẹ đều đi làm ăn xa, chỉ một vài em có cha mẹ ở nhà.

Vụ 9 HS chết đuối: Cha mẹ trở về ôm con trong nước mắt - 4

Người dân đến thắp hương, thăm hỏi gia đình em Phạm Su Sum. Ảnh: T.Trực

Trong sáng 16-4, một ngày sau sự việc xảy ra, chúng tôi đến khu vực xảy ra vụ đuối nước thương tâm tại thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà. Tại đây, người dân đã lập vội một bàn thờ ngay trên sát mép nước, những nén nhang bốc khói nghi ngút cũng được người đi đường thắp để xót thương trước cái chết của các em.

Khu vực nơi các em chết đuối là một vũng nước sâu hoắm do đơn vị thi công tuyến đường bên trên múc cát tạo ra. Chính giữa có một con đường được xe múc đắp vội tạo thành bờ vực sâu hoắm, xung quanh không có bất kỳ một biển báo.

Ông Nguyễn Thanh, người dân xã Nghĩa Hà, bức xúc vì sao lại để tình trạng múc cát bừa bãi xảy ra, trong khi chung quanh đây không có rào chắn, không có biển báo nguy hiểm cảnh báo trẻ em. “Chẳng may người lớn nếu bị trượt chân cũng chết, đừng nói các em học sinh hiếu kỳ thấy nước muốn nghịch ngợm chẳng may trượt chân” - ông Thanh nói.

Vụ 9 HS chết đuối: Cha mẹ trở về ôm con trong nước mắt - 5

Chị Nguyễn Thị Kim Hồng, mẹ em Lê Văn Đô, khóc ngất bên quan tài con.

Ông Trần Thanh Trạng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà, cho biết khu vực trên sở dĩ có hố sâu vì do đơn vị múc cát, đắp đường gây ra. “Sự việc xảy ra ngoài ý muốn nhưng trách nhiệm vẫn thuộc về chính quyền khi không có biển báo cho các em” - ông Trạng nói.

Đến trưa 16-4, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao, đã về thăm hỏi, động viên gia đình 9 học sinh chết đuối thương tâm. Ngoài ra, đại diện chính quyền địa phương, Ủy ban MTTQ, Sở GD-ĐT Quảng Ngãi… cũng đã đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình các học sinh trong vụ đuối nước nói trên.

Vụ 9 HS chết đuối: Cha mẹ trở về ôm con trong nước mắt - 6

Dù đoạn sông khá sâu, nằm sát đường nhưng không có biển cảnh báo.

Như Báo Người Lao Động thông tin, khoảng đầu giờ chiều 15-4, 9 học sinh lớp 6B, Trường THCS xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi đến trường tham gia buổi sinh hoạt đội nhưng vì chưa tới giờ nên cùng nhau đi chơi. Khi đến đoạn sông Trà Khúc, thuộc thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, 9 học sinh nam rủ nhau xuống tắm. Do đoạn sông nước sâu, cả 9 em đều chết đuối. Phát hiện vụ việc, 2 học sinh nữ trên bờ chạy báo người dân xung quanh nhưng khi có người đến ứng cứu, cả 9 em đều đã tử vong.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tử Trực (Người lao động)
9 học sinh chết đuối ở Quảng Ngãi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN