Vụ 6 người chết ngạt: Hỗ trợ 600 triệu đồng
Ngày 5/9, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đa quốc gia I.D.I đã tổ chức đưa thi thể 2 nạn nhân Thanh Hóa về quê an táng, đồng thời chi 600 triệu đồng hỗ trợ gia đình các trường hợp bị tử vong.
Giám đốc và phó giám đốc cùng 4 nhân viên Nhà máy tinh luyện dầu cá của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đa quốc gia I.D.I, tọa lạc ở xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, chết ngạt tức tưởi trong vụ tai nạn lao động kinh hoàng xảy ngày 4/9. Vụ việc gây chấn động dư luận tại địa phương.
Các nạn nhân xấu số có tuổi đời rất trẻ, được đồng nghiệp, lãnh đạo đánh giá có trình độ chuyên môn cao. Đó là Giám đốc nhà máy Mai Hữu Tôn (SN 1982, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) và phó giám đốc Triệu Bá Trà (SN 1974, xã Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) cùng 4 nhân viên Lâm Thanh Phong (SN 1978, phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh), Trần Tấn Lợi (1986, xã Hòa Long, huyện Lai Vung), Lê Đình Thái (SN 1986, xã Xuân Bình, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), Lê Xuân Thuận (1993, xã Xuân Thịnh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Anh Đặng Văn An đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lấp Vò
Chúng tôi có mặt tại hiện trường ghi nhận cảnh tang thương bao trùm. Các nạn nhân chết đi để lại cho người thân một sự mất mát, bàng hoàng, nỗi đau quá lớn.
Nạn nhân Mai Hữu Tôn, Kỹ sư điện, tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM, vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà máy tinh luyện dầu mới vài tháng. Cái chết thương tâm của anh Tôn để lại vợ và con nhỏ. Ông Mai Văn Trường (cha ruột anh Tôn) ngồi trên xe đưa xác con về nhà an táng, khóc nức nở trước cái chết quá bất ngờ của người con trai duy nhất trong gia đình.
Ông Trường nghẹn ngào trong nước mắt: “Đời tôi nghèo, hàng ngày phải chạy xe ba gác kiếm sống nuôi được thằng con trai duy nhất ăn học thành tài. Mới mấy hôm trước nó về nhà bảo con đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà máy. Nó kêu tôi tôi nghỉ nghơi để nó chăm sóc. Nào ngờ... hôm nay xảy ra cái chết đau lòng như vậy”.
Ông Hồ Mạnh Dũng, Giám đốc Ban điều hành dự án Nhà máy tinh luyện dầu cho biết: “Dự kiến tháng 12/2013 nhà máy này sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động chính thức. Hiện tại, nhà máy đang trong quá trình chạy thử nghiệm việc tinh luyện mỡ cá. Theo thông lệ, hàng tuần công nhân của nhà máy phải lấy mẫu mỡ cá chứa trong bồn để phân tích. Thời điểm xảy ra tai nạn, anh Lâm Thanh Phong là người được phân công lấy mẫu đã chủ quan, nên xảy ra tai nạn kinh hoàng này”.
Theo ông Dũng, thông thường chỉ cần đứng trên bồn là có thể lấy được mẫu mỡ cá. Nhưng ngày 4/9, mực mỡ cá dưới bồn xuống thấp, nên anh Phong đã leo xuống cầu thang. Khi tới gần nửa bồn (bồn cao khoảng 9m), thì bị ngộp và ngất xỉu. Nghe tiếng kêu cứu, Ban giám đốc Nhà máy và một số nhân viên đã cùng nhau xuống cứu và xảy ra tai nạn đáng tiếc. Ông Dũng cũng khẳng định: “Không có chuyện ngạt khí độc, vì mỡ cá không thể chứa khí độc. Nguyên nhân có thể là do mực mỡ cá xuống thấp, nên thiếu oxy dẫn đến ngạt thở”.
Mẫu mỡ cá
Trong vụ tai nạn kinh hoàng này còn có anh Đặng Văn An (SN 1985, xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) thoát chết, đang được cấp cứu tại Bệnh viên Đa khoa Lấp Vò. Anh An là người cuối cùng đi xuống cứu anh em, nhưng chỉ đi được vài nấc thang thì thấy khó thở, nên trèo ngược trở lên thành bồn và ngất xỉu.
Chiều tối 4/9, sau khi ngành chức năng khám nghiệm tử thi, đã cho gia đình nhận xác nạn nhân về án táng. Chính quyền địa phương hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 3 triệu đồng. Phía Công ty IDI hỗ trợ cho gia đình nạn nhân 100 triệu đồng/người.
Các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.