Vụ 214 giáo viên mất việc ở Hà Tĩnh: "Đúng luật"

Sự kiện: Hà Tĩnh

Tại buổi làm việc với với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và 214 giáo viên bị cắt hợp đồng lao động, đại diện Bộ Nội vụ khẳng định, "việc tuyển dụng ở huyện như vậy là thực hiện đúng pháp luật".

Ngày 26.10, đoàn công tác của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn dẫn đầu đã vào Hà Tĩnh trực tiếp làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh cùng với 214 giáo viên bị cắt hợp đồng lao động.

Vụ 214 giáo viên mất việc ở Hà Tĩnh: "Đúng luật" - 1

Buổi làm việc của lãnh đạo Bộ Nội vụ với lãnh đạo tỉnh và các ban ngành tỉnh Hà Tĩnh

Theo trình bày của lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh: Từ 2010 đến 2014, UBND huyện Kỳ Anh (cũ) đã ban hành quyết định cho các trường học trên địa bàn ký hợp đồng đối với 214 lao động làm nhiệm vụ giảng dạy trên địa bàn. Huyện Kỳ Anh có 142 người, thị xã Kỳ Anh có 72 người theo diện hợp đồng trên. Sau khi chia tách huyện Kỳ Anh cũ thành thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh mới, căn cứ vào chỉ đạo của tỉnh về việc yêu cầu xử lý số giáo viên dôi dư, hợp đồng, đầu năm học 2015-2016, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đã tổ chức nhiều cuộc họp thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với 214 giáo viên (đa số là Tiểu học và Trung học cơ sở), giải quyết đầy đủ các chế độ cho người lao động.

Ông Bùi Quang Hoàn- Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: Trước đây huyện Kỳ Anh (khi chưa chia tách) địa bàn rộng, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ một phần do nhu cầu việc làm của con em địa phương lớn một số bộ môn ở các trường THCS thiếu giáo viên nên UBND huyện Kỳ Anh đã tự ý ký hợp đồng không thông qua tỉnh. Điều này thực hiện chưa đúng các quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng việc chức. Tuy nhiên, các trường hợp này hợp đồng có thời hạn, vì vậy căn cứ vào luật lao động thì hết hạn chấm dứt là đương nhiên.

Phát biểu tại buổi làm việc, các ý kiến đại diện cho 214 giáo viên đều mong muốn được tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục. Đặc biệt, nhiều trường hợp có thời gian công tác dài trên 10 năm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nay đột ngột bị cắt hợp đồng lao động sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh- Nguyễn Thiện chỉ rõ: Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do bộ máy lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh (cũ) không tuân thủ các quy định về quản lý viên chức, sử dụng hợp đồng lao động không đúng, có trường đang dôi dư mà vẫn ký hợp đồng. Sở Nội vụ còn buông lỏng trong quản lý, thiếu sự kiểm tra, giám sát ngành giáo dục, mặc dù đã có sự phân cấp.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ- Trần Anh Tuấn, việc chấm dứt hợp đồng với 214 giáo viên, có nguyên nhân khách quan là tách huyện nên chưa giải quyết được tồn đọng của tổ chức trước để lại. Tuy nhiên, ông khẳng định, việc tuyển dụng ở huyện như vậy là thực hiện đúng pháp luật.

Vụ 214 giáo viên mất việc ở Hà Tĩnh: "Đúng luật" - 2

Thứ trưởng Bộ Nội vụ- Trần Anh Tuấn gặp gỡ các giao viên bị cắt hợp đồng lao động

“Việc ký hợp đồng và chấm dứt là thỏa thuận của người lao động và chủ sử dụng lao động. Khi có nhu cầu thì cần, khi không có nhu cầu nữa thì chấm dứt, về mặt pháp luật là đúng.  Tuy nhiên cần phải tuân thủ nội dung ký kết, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho tất cả”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Nội vụ đề nghị Hà Tĩnh rút kinh nghiệm trong việc tổ chức tuyển dụng giáo viên, tăng cường thanh tra kiểm tra trên cơ sở phân cấp, ủy quyền, nên xác định việc làm và nhu cầu của từng trường học, cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng. Đồng thời đề nghị tỉnh Hà Tĩnh có định hướng, đánh giá rà soát những trường hợp giáo viên khó khăn, ai đặc biệt quá thì phải có phương án đảm bảo quyền lợi cho họ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Anh ([Tên nguồn])
Hà Tĩnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN