"VTV nên tổ chức để NB Thu Uyên gặp LS Triển"
"Đây là chương trình của VTV và Thu Uyên là phóng viên của VTV. Theo tôi thì cơ quan nên tổ chức một cuộc trao đổi với những bên có liên quan, kể cả với những người còn chưa thông suốt, có những cái đang phân vân hay có các ý kiến góp ý, phê phán", ông Đỗ Quý Doãn khẳng định.
Ngày 4/12, nhân chuyến công tác tại Đà Nẵng, ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT, hiện là Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng báo chí đã đồng ý trả lời phỏng vấn báo điện tử Infonet giữa lúc cuộc tranh luận trên báo chí, website, mạng xã hội giữa luật sư Trần Đình Triển và nhà báo Thu Uyên liên quan đến chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV đang được đẩy lên cao trào.
"Cuộc tranh luận" giữa Luật sư Triển và nhà báo Thu Uyên đã kéo dài trong nhiều ngày gây sự chú ý của dư luận...
Thưa ông, được biết ông đã xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” (NCHCCCL) từ những ngày đầu được VTV phát sóng cho đến nay. Ông có cảm nhận như thế nào về chương trình này?
Ông Đỗ Quý Doãn: Tôi rất quan tâm khi chương trình NCHCCCL ra đời, ở hai khía cạnh. Ở góc độ là người quản lý thông tin báo chí, khi kênh truyền hình thêm được một chuyên đề, chuyên mục nào thì cũng đều là rất bổ ích, nhất là những chương trình mang tính xã hội, tính nhân văn cao như chương trình NCHCCCL.
Thứ hai là với tư cách một người lính tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trực tiếp tham gia chiến dịch 81 ngày đêm Quảng Trị, phải hiểu thế này, đất nước mình trải qua nhiều cuộc chiến tranh, mà chiến tranh thì bao giờ cũng gắn với sự đau thương, tang tóc, ly tán… Tất cả các nước trên thế giới nếu phải trải qua chiến tranh đều như thế cả.
Đất nước mình trải qua nhiều năm chiến tranh thì rõ ràng những vấn đề hậu chiến là những vấn đề rất lớn; những vấn đề xã hội cần phải giải quyết nhiều lắm. Trong đó có vấn đề những người thân lạc nhau, có thể do chiến tranh hoặc do vấn đề này, vấn đề khác, rồi là người mất tích… rất cần có những thông tin.
NCHCCCL tất nhiên không phải làm tất cả nhưng ít nhất đây là một chương trình để tìm và kết nối các trường hợp bị ly tán, bị mất tích, bị thất lạc gia đình do những hoàn cảnh khác nhau. Tôi nghĩ mục tiêu, mục đích của chương trình này rất đáng trân trọng. Nhất là với một đất nước có rất nhiều đau thương bởi chiến tranh như đất nước ta thì một việc làm dẫu nhỏ thôi cũng rất là có ý nghĩa.
Cho nên tôi rất chú ý và rất quan tâm khi NCHCCCL phát sóng. Trong đó có những chương trình khiến tôi hết sức xúc động. Tôi không có thời gian để xem hết, nhưng khi có điều kiện, nhất là các tối thứ Bảy đầu tháng, nếu rảnh không đi công tác hay đi đâu thì tôi đều xem một cách rất chăm chú. Và không chỉ tôi đâu mà rất nhiều người xem NCHCCCL.
Có những chương trình không cầm được nước mắt đâu. Rất là cảm động. Những cuộc đoàn tụ bao giờ cũng làm cho người ta xúc động lắm, bởi vì đặt mình vào hoàn cảnh như thế, có người thân như thế mà khi được kết nối thông tin, khi được sum họp thì sẽ thấy giá trị của nó như thế nào. Cho nên đặt trong tổng thể mà nói, tôi đánh giá đây là một chương trình rất tốt, nhất là với ý tưởng và công việc của những người làm chương trình!
Nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn trả lời phỏng vấn báo điện tử Infonet sáng 4/12.
Tuy nhiên gần đây đã có một số thông tin về các sai sót của NCHCCCL, cụ thể là ở các chương trình số 3 và số 11. Những sai sót đó liệu có ảnh hưởng gì đến tình cảm của ông dành cho chương trình này?
Ông Đỗ Quý Doãn: Tôi nghĩ mình phải rất là rành mạch trong vấn đề này. Không phải tôi nói như vậy để bào chữa cho những sai sót, vì làm việc gì cũng thế thôi, nhất là việc tìm kiếm, kết nối những trường hợp thất lạc, có những trường hợp đã 10 năm, 20 năm, 30 năm, 40 năm, thậm chí còn nhiều hơn nữa, rồi nằm ở chân trời góc biển đủ thứ cả. Và với một đội quân, anh em bằng tâm huyết và tình cảm là chính, phương tiện thì phải nhờ chỗ này, chỗ khác, ví dụ như xác định AND… thì tôi nghĩ sẽ khó tránh được những sai sót.
Các sai sót trong một, hai chương trình vừa qua rất đáng tiếc nhưng là điều khó tránh khỏi. Bởi vì như tôi nói, có rất nhiều lĩnh vực qua rất nhiều khâu, thậm chí phải huy động rất nhiều phương tiện… Vấn đề ở đây là chúng ta biết nhìn nhận những sai sót đó thế nào để khắc phục nó, để làm cho tốt hơn, để nâng cao tính hoàn thiện, để không có sai sót thì rất tốt, còn nếu có sai sót thì ở mức thấp nhất là cũng đã quý rồi.
Tôi cho rằng không nên vì những sai sót như vậy để chúng ta phủ nhận sạch trơn động cơ, thái độ, tình cảm của những người làm chương trình NCHCCCL. Như vậy là không đúng và không công bằng với anh em, vì cái xuất phát điểm ban đầu, cái tâm huyết của anh em là điều mà mình cần phải ghi nhận. Tôi nghĩ có thể bất cứ chương trình nào, nhất là trên truyền hình, cũng cần phải có những tài trợ, những quảng cáo, giới thiệu để có nguồn thu hỗ trợ thêm cho việc thực hiện. Nhưng đó không phải là tất cả.
Có vô vàn những việc không tên mà anh em phải vượt qua, phải chịu đựng. Đâu phải các gia đình đều ở ngay trên đường, trên lộ hay trung tâm mà họ ở tất cả mọi ngóc ngách, thậm chí ở cả nước ngoài, nước trong có hết. Anh em phải bỏ công bỏ sức, lúc trời mưa tầm tã, rét buốt, lúc nắng như đổ lửa cũng phải đi hết xó xỉnh này đến xó xỉnh khác để nghe ngóng, tìm kiếm thông tin. Tôi thấy những việc làm như vậy chắc anh em chả bao giờ tính tới, vì cái điều nhân nghĩa, vì cái điều nhân đạo. Điều đó quý lắm, còn đừng vì một vài sai sót mà phủ nhận toàn bộ. Tôi nghĩ như thế là không thỏa đáng, không công bằng với anh em.
Theo quy định của Luật Báo chí, khi cơ quan báo chí đăng, phát thông tin sai thì phải cải chính, xin lỗi công khai. Nhưng về mặt tình cảm và bí mật đời tư thì việc công khai xin lỗi như vậy, đối với NCHCCCL, có thể không có lợi cho những người trong cuộc. Theo ông, khi đối mặt với mâu thuẫn này thì cách giải quyết như vừa qua của VTV và nhà báo Thu Uyên có hợp lý?
Ông Đỗ Quý Doãn: Tôi thấy cũng có một số ý kiến nói về việc này. Đúng là khi báo chí thông tin sai sự thật hoặc có những vấn đề không chính xác thì phải cải chính, xin lỗi. Đó là quy định của luật và cũng nên tuân thủ. Còn nếu điều đó làm ảnh hưởng, hay nói cách khác là nó đụng đến sự thiêng liêng trong tình cảm của những người trong cuộc thì tôi nghĩ vẫn có cách để mà xin lỗi. Vì xin lỗi ở đây không chỉ với những người trong cuộc mà còn là xin lỗi với khán giả, với thính giả, với công chúng. Tôi nghĩ đó cũng là điều rất nên làm. Chính làm điều đó có khi lại nâng uy tín của chương trình, thể hiện sự cầu thị của tất cả những người làm chương trình.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn cho rằng: VTV nên chủ động đứng ra tổ chức cuộc gặp với các bên liên quan trong "cuộc chiến" giữa nhà báo Thu Uyên và luật sư Trần Đình Triển về một vài sai sót đáng tiếc của chương trình NCHCCCL thời gian qua (Ảnh: HC)
Có thể đôi khi anh em chỉ lấn cấn vào điều như anh vừa nói mà không tìm ra một phương thức để xử lý tốt vấn đề khiến người ta có những băn khoăn. Cái này cũng nên hết sức rút kinh nghiệm. Tôi nghĩ về vấn đề này, nếu anh em hỏi, tôi có thể có những tư vấn cho anh em. Ví dụ như trong chương trình A, B, C có một số chi tiết thiếu chính xác, lý do là như thế này, thế này. Thành thật xin lỗi bạn đọc, bạn xem truyền hình, những người tham gia trong chương trình và những người có liên quan. Tôi nghĩ chắc là công chúng sẽ hiểu là có vấn đề như thế và chắc là người ta hoàn toàn rộng lượng để cùng hỗ trợ chương trình làm cho tốt hơn.
Thưa ông, thời gian gần đây nảy ra cuộc tranh luận giữa luật sư Trần Đình Triển và nhà báo Thu Uyên phụ trách ê kíp thực hiện NCHCCCL liên quan đến một số sai sót trong chương trình số 3 và số 11. Mới đây nhất đã xảy ra tình huống bất ngờ là người được LS Trần Đình Triển cho là nhân chứng cung cấp bằng chứng về sai sót của các chương trình trên lại quay sang bảo vệ Thu Uyên. Ông có đánh giá như thế nào về tình tiết này?
Ông Đỗ Quý Doãn: Tôi không phải là người trong cuộc của việc tranh luận, chỉ trích này khác liên quan đến vụ việc này nên tôi không nắm một cách đầy đủ. Nhưng tôi nghĩ tình huống mà anh nêu cũng có thể xảy ra. Bởi vì trong các cuộc tranh luận này khác thì vẫn có việc người ủng hộ quan điểm này, người ủng hộ quan điểm khác. Điều đó cũng dễ hiểu thôi.
Trong quá trình diễn biến của cuộc tranh luận liên quan đến NCHCCCL, tôi không đi vào cụ thể nhưng có thể có những người nhận thức lại hoặc có những thông tin, cơ sở hoặc do mục đích, động cơ của việc họ làm chẳng hạn, người ta thấy việc đó không nên, thì có thể người ta rút lại ý kiến hoặc thể hiện lại quan điểm của mình. Tôi nghĩ điều đó vẫn thường xảy ra trong cuộc sống và trong các vụ việc. Còn đi vào cụ thể thì khi người ta tranh luận, thậm chí khiếu kiện nhau thì sẽ được xử lý theo quy định.
“Cuộc chiến” giữa LS Trần Đình Triển và nhà báo Thu Uyên được thực hiện trên cả báo chí chính thống, website và mạng xã hội. Là người công tác lâu năm ở vị trí quản lý báo chí, ông đánh giá như thế nào về việc các bên lựa chọn các kênh thông tin như vậy để tiến hành cuộc tranh luận của mình?
Ông Đỗ Quý Doãn: Tôi nghĩ trong việc tranh luận thì người ta luôn tìm cho mình những phương thức để tiến hành. Nhưng trong trường hợp này, đây là chương trình của VTV và Thu Uyên là phóng viên của VTV. Theo tôi thì cơ quan nên tổ chức một cuộc trao đổi với những bên có liên quan, kể cả với những người còn chưa thông suốt, có những cái đang phân vân hay có các ý kiến góp ý, phê phán. Nên có một cuộc trao đổi rất thẳng thắn, cái gì ưu điểm, cái gì khuyết điểm. Những người làm chương trình cần nói rõ từ động cơ đến cách thức của mình, còn những sai sót cần cải chính, xin lỗi thì tôi nghĩ cũng nên thực hiện một cách rành mạch thì chắc chắn sẽ giải quyết được chứ không có vấn đề gì cả.
Luật sư là người mong muốn đạt đến những điều đúng đắn, cơ quan truyền thông cũng vậy, nên không lý gì không gặp nhau, bởi vì tất cả đều với mục đích vì một xã hội tốt đẹp hơn. Do đó, theo tôi nên có cuộc gặp thẳng thắn, cởi mở, trao đổi chân tình cái gì đúng cái gì sai, chứ không nên “đấu khẩu” với nhau, làm cho dư luận xã hội hiểu sai đi về một việc đáng ra là rất thiêng liêng, rất cao quý; hay hiểu sai đi về cách góp ý này khác; ở khía cạnh nào thì cũng đều không tốt cả.
Nếu gặp nhau rồi mà vẫn không giải quyết được thì vẫn còn có các cơ quan chức năng khác để giải quyết vấn đề này. Tôi nghĩ không phải không có phương pháp, chứ không nên lời qua tiếng lại, cuối cùng có những cái quá lời có thể dẫn đến xúc phạm lẫn nhau thì không hay.
Như vậy, theo ông thì VTV nên chủ động đứng ra tổ chức một cuộc gặp như ông đề cập, chứ không nên chỉ để ê kíp của Thu Uyên tiến hành việc tranh luận bằng cách thông qua các cơ quan báo chí khác, hay qua website, Facebook như hiện nay?
Ông Đỗ Quý Doãn: Đúng rồi, VTV nên đứng ra, bởi vì đây là chương trình của VTV, và là một chương trình có uy tín của VTV, nên VTV cần phải bảo vệ cái đó.
Xin được hỏi ông một câu cuối cùng: Trên phương diện cá nhân, ông muốn sự việc này sẽ kết thúc theo hướng nào?
Ông Đỗ Quý Doãn: Như tôi đã nói, chương trình NCHCCCL dẫu có tốt đến mấy, anh em nhiệt tình đến mấy chăng nữa thì cũng rất khó tránh khỏi những sai sót. Theo tôi, nếu cuộc này mình nhận thức được động cơ, mục đích của mình đã tốt rồi, nếu có sơ suất thì mình cứ nói thẳng thắn là trong thời gian thực hiện có những việc sơ suất như thế nhưng động cơ, ý nghĩa của chương trình vẫn là những động cơ, ý nghĩa hết sức tốt đẹp và rất mong muốn nhận được sự góp ý của mọi người dân, mọi tổ chức, cá nhân để cho chương trình ngày càng hoàn thiện là tốt hơn.
Còn nếu ai ý thức để đóng góp với tinh thần xây dựng, với tình thần cho NCHCCCL tốt hơn thì tôi nghĩ chương trình này sẵn sàng để tiếp nhận. Và như vậy sẽ nhận được sự ủng hộ. Tôi nghĩ trong xã hội đã rất ủng hộ chương trình này rồi, chỉ cần những động tác, những việc làm như vậy thì sẽ kết thúc vụ việc một cách tốt đẹp để cho chương trình phát triển tốt hơn.
Xin cám ơn ông đã dành cho báo điện tử Infonet cuộc trả lời phỏng vấn này!