Vớt được gỗ lạ: Hành xử sao cho đúng luật?
Ngay sau khi tiến hành xẻ cây gỗ dài 12 m nằm sâu dưới lòng đất được trục vớt trước đó, ông Lê Quang Nam bị công an lập biên bản, tạm giữ tang vật để điều tra.
Ngày 25-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Quang Nam (44 tuổi, ngụ tại thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, Kon Tum) cho biết vào ngày 31-3, ông phát hiện cây gỗ trong lòng đất nên làm đơn trình UBND xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy để được phép trục vớt cây gỗ lên và mọi chuyện rắc rối bắt đầu từ đây.
Mệt mỏi vì đào được cây gỗ lạ
Ông Nam cho hay công việc thường ngày của ông là lái máy múc, khi phát hiện cây gỗ chìm dưới lòng đất của nhà ông A Khái (ở thôn Sơn An, xã Sa Sơn) thì ông Nam thỏa thuận với chủ đất và được họ cho trục vớt.
Ông Lê Quang Nam mong muốn sớm nhận số gỗ bị tạm giữ hoặc chi trả số tiền đã bỏ ra. Ảnh: LÊ KIẾN
Do cây gỗ còn nằm dưới lòng đất, chưa biết cây gì, dài rộng bao nhiêu nên ông Nam đề nghị UBND xã cho phép trục vớt cây gỗ.
Ngay lập tức, UBND xã Sa Sơn đã kiểm tra và lập biên bản hiện trường xác minh sự việc. Qua đó, xác định vị trí phát hiện cây gỗ nằm ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp. Nguồn gốc cây gỗ bị vùi lấp không xác định được thời gian, chủng loại gỗ và khối lượng do nằm sâu trong lòng đất.
Đồng thời, UBND xã Sa Sơn đề nghị ông Nam sau khi trục vớt xong báo cáo UBND xã biết để cử lực lượng xuống kiểm tra và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật. Nghiêm cấm sau khi trục vớt không được buôn bán, trao đổi thương mại.
Để đào cây gỗ lên, ông Nam thuê hai máy múc, 3-5 lao động làm liên tục trong 10 ngày hết tổng chi phí hơn 90 triệu đồng.
“Sau khi đào cây gỗ lên, tôi chờ một tháng 10 ngày mà không thấy ai nói gì hay hướng dẫn phải làm sao nên tôi đưa gỗ về xưởng xẻ ra làm đồ gia dụng. Ngay lập tức, vào ngày 20-5, công an huyện đến lập biên bản, tạm giữ vì cho rằng gỗ không rõ nguồn gốc. Ban đầu yêu cầu tôi ký nhận hành vi “cất giấu, tàng trữ lâm sản trái pháp luật”, tôi nhất quyết không ký vì tôi đâu có vi phạm gì” - ông Nam nói.
Sau khi công an lập biên bản, ông Nam cho biết sinh hoạt của gia đình ông trở nên đảo lộn, mệt mỏi. Công việc nhiều lần bỏ dở, người dân có nhu cầu thuê ông đi làm cũng không đi được vì cơ quan chức năng hay liên hệ, mời lên làm việc. Vợ con ông thì lo sợ, không yên tâm tập trung làm việc, học hành.
Nên giữ nguyên hiện trạng Trên thực tế, nhiều trường hợp do chưa hiểu được hết quy định của pháp luật nên người dân sau khi phát hiện tài sản bị vùi lấp đã tự ý thay đổi hiện trạng, sử dụng tài sản trong khi chờ quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền. Vì vậy, để tránh những trường hợp người dân có hành vi vi phạm do không biết luật, cơ quan có thẩm quyền sau khi tiếp nhận thông tin cần phải kịp thời thông báo cho người dân hiểu về quy trình xử lý đối với tài sản được phát hiện, cũng như các quyền lợi và nghĩa vụ của người phát hiện theo quy định của pháp luật. ThS LIÊN ĐĂNG PHƯỚC HẢI, giảng viên Khoa luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM |
Không được tự ý thay đổi hiện trạng tài sản
Liên quan đến việc trục vớt tài sản bị chôn vùi, ThS Liên Đăng Phước Hải, giảng viên Khoa luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho biết: Trong thực tế, nhiều trường hợp người dân phát hiện tài sản bị chôn, giấu, vùi lấp, chìm đắm trong lòng đất, lòng nước.
Khi phát hiện tài sản bị vùi lấp, chìm đắm, người dân phải trả lại cho chủ sở hữu hoặc thông báo cho cơ quan chức năng và không được thay đổi hiện trạng của tài sản khi chưa được phép.
Đối với trường hợp này, người phát hiện tài sản không đương nhiên trở thành chủ sở hữu mà việc xác lập quyền sở hữu sẽ tuân theo quy định tại Điều 229 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Người phát hiện tài sản phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu. Nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, trong thời gian chờ xử lý theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền, người phát hiện không được tự ý thay đổi hiện trạng của tài sản.
Trường hợp xác định được chủ sở hữu hợp pháp sẽ trả lại cho chủ sở hữu. Nếu không tìm thấy hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì việc xác lập quyền sở hữu sẽ căn cứ vào giá trị và loại tài sản.
Nếu tài sản tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa thì thuộc về Nhà nước. Ngược lại, nếu không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu có giá trị lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.
Về nguyên tắc, tài sản sẽ được xác lập quyền sở hữu là tài sản sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản. Như vậy, người bỏ ra chi phí tìm kiếm, bảo quản sẽ được hưởng số tiền này nếu đây là chi phí thực tế, phù hợp với điều kiện tìm kiếm…
Đồng tình, ThS-luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết thêm: Theo Điều 30 Nghị định 29/2018, sau khi xác định nguồn gốc, tính chất và giá trị của tài sản, người phát hiện, giao nộp tài sản sẽ được nhận một phần hoặc toàn bộ giá trị tài sản.
Cũng theo ThS-luật sư Tuấn, tùy vào từng trường hợp, nếu phát hiện hoặc tìm thấy tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm mà không thông báo, không giao nộp cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định thì không được thưởng theo giá trị tài sản tìm thấy và có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong vụ việc trên, ông Nam đã thông báo cho chính quyền xã, đề nghị được trục vớt cây gỗ và UBND yêu cầu ông Nam sau khi trục vớt xong thì báo cáo lại cho xã nên việc ông Nam trục vớt gỗ là đúng quy định, không bị xử phạt. Còn việc ông Nam tự ý xẻ gỗ, làm thay đổi hiện trạng ban đầu thì việc ông có bị xử phạt hay không còn phụ thuộc vào sự đánh giá của cơ quan chức năng về giá trị của cây gỗ sau khi bị xẻ.
Cơ quan chức năng chưa thể trả lời Ngày 20-5, Công an huyện Sa Thầy đã ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với ông Lê Quang Nam. Lý do tạm giữ là để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. “Hiện tại vẫn chưa có ai thông báo cho tôi giải quyết vụ việc như thế nào, tôi đang rất mong chờ. Còn việc cơ quan công an tạm giữ gỗ, đúng hay sai thì tôi không rõ. Tôi chỉ mong cơ quan chức năng trả lại số gỗ đã tạm giữ cho tôi để làm đồ gia dụng hoặc hỗ trợ đúng chi phí tôi bỏ ra” - ông Nam nói. Liên quan vấn đề này, ông Vũ Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã Sa Sơn, cho biết theo quy định của pháp luật, mọi tài sản bị chôn vùi dưới đất đều thuộc tài sản nhà nước. Nếu muốn khai thác thì chính quyền địa phương phải lập phương án khai thác, trình cấp thẩm quyền và sau khai thác là bán đấu giá. “Do vụ việc được công an huyện lập biên bản, tạm giữ tang vật để điều tra nên tôi không thể nói gì hơn” - ông Dũng nói. Tương tự, khi liên hệ làm việc với Công an huyện Sa Thầy, một lãnh đạo cũng từ chối cung cấp thông tin vì vụ việc đang còn điều tra. Đồng thời khẳng định cơ quan công an đang làm đúng quy định, nếu làm sai thì sẽ chịu trách nhiệm. Ngoài ra, một cán bộ kiểm lâm cho rằng cơ quan công an lập biên bản và tạm giữ tang vật là đúng quy định. Việc này để điều tra, xác định nguồn gốc gỗ. Đối với việc ông Nam vận chuyển gỗ trên đường và đưa vào xưởng xẻ gỗ là vi phạm các quy định về vận chuyển, tàng trữ và chế biến lâm sản trái phép. |
Nguồn: [Link nguồn]
Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc người dân cải tạo ruộng phát hiện khúc gỗ lớn, sau khi báo chính quyền địa phương và tiến hành vận chuyển đi cưa thì bị công an...