Vòng tay 5000 năm làm từ thiên thạch
Các nhà khoa học Anh vừa phát hiện ra rằng chiếc vòng tay bằng sắt có niên đại 5000 năm tuổi ở Ai Cập được chế tác từ sắt lấy trong thiên thạch.
Các nhà khoa học vừa phát hiện ra rằng đồ tạo tác bằng sắt cổ xưa nhất trên thế giới – những chuỗi hạt cườm tùy táng quanh những thi thể trong một ngôi mộ 5000 năm tuổi ở Ai Cập – đều được chế tạo từ thiên thạch.
Kết quả chụp quét công nghệ cao cho thấy những hạt cườm bằng sắt được các nhà khảo cổ Anh phát hiện ở ngôi làng el-Gerzeh vùng Hạ Ai Cập vào năm 1911 cho thấy kim loại này được lấy từ một khối đá từ bên ngoài vũ trụ.
Những chiếc vòng tay có niên đại 5000 năm tuổi
Chín hạt cườm trên những vòng tay được phát hiện trong 2 ngôi mộ có niên đại từ khoảng năm 3200 trước Công nguyên bên cạnh những khoáng vật đẹp đẽ khác trên trái đất như vàng, đá mã não và ngọc bích.
Hiện những chiếc vòng này đang được bảo quản tại Bảo tàng Petrie thuộc Đại học London.
Sắt thiên thạch là một hợp kim có thành phần cấu tạo khác với sắt trên trái đất. Các nhà khoa học đã phân tích dấu vết đặc trưng của các nguyên tố trong hạt cườm này thông qua một thí nghiệm không phá hủy có tên gọi là phân tích kích hoạt gamma tức thời (PGAA).
Theo đó, các nhà khoa học đưa mẫu vật vào một chùm neutron năng lượng thấp. Các nguyên tố trong mẫu vật này sẽ hấp thụ một số neutron và phát ra tia gamma, mức độ tia gamma phát ra sẽ cung cấp bằng chứng về nguyên tố đó.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện các nguyên tố nickel, phốt-pho, cô-ban và gecmani, điều này có nghĩa là mẫu vật chỉ có thể đến từ bên ngoài trái đất.
Hình ảnh phân tích các nguyên tố trong hạt cườm bằng sắt thiên thạch
Trong khi đó, máy quét X quang cho thấy khối sắt thiên thạch này đã được nung nóng và đập mỏng nhiều lần để tạo thành đồ trang sức cho người chết. Sắt thiên thạch cứng và giòn hơn rất nhiều so với đồng, thứ kim loại được sử dụng phổ biến trong thời kỳ đó.
Điều này cho thấy từ thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên, người Ai Cập đã biết đến kỹ thuật rèn kim loại. Giáo sư Thilo Rehren cho hay: “Những mẩu sắt này được đập mỏng và cuộn lại thành hình hạt cườm. Đay là công nghệ rất khác biệt so với việc khoan các hạt cườm bằng đá, thể hiện hiểu biết vượt trội về hiệu quả của kỹ thuật rèn đối với loại vật liệu khó chế tác này.”
Kết quả nghiên cứu này của các nhà khoa học Đại học London, Anh đã được công bố trên Tạp chí Khoa học Khảo cổ.