Voi quật chết người: Chớ đùa với thú dữ!

Công tác tuyển dụng người chăm sóc, huấn luyện thú dữ ở các vườn thú đang bị xem nhẹ.

Sáng 24/12, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương kết hợp Cơ quan Cites Việt Nam đã đến khu du lịch Đại Nam (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) kiểm tra hiện trường vụ voi quật chết quản tượng Đoàn Hữu Tài (28 tuổi, quê Vĩnh Long) vào chiều 23/12.

Mùi sơn giết người quản tượng

Theo biên bản làm việc giữa khu du lịch Đại Nam với cơ quan chức năng Bình Dương, anh Tài thiệt mạng khi mang thùng sơn nước đi vào chuồng của voi (có tên là Ka, giống đực, khoảng 9 tuổi, nặng khoảng 2 tấn). 

Cụ thể, chiều 23/12, anh Tài cùng nhiều nhân viên vườn thú sơn lại hàng rào khu sân chơi của voi. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, thùng sơn vơi nên anh Tài cầm thùng đi lấy thêm. Đúng ra, để tới được chỗ lấy sơn, anh Tài phải đi vòng qua chuồng đang nhốt voi Ka. Tuy nhiên, anh lại đi tắt bằng cách xuyên qua chuồng này. 

Các nhân chứng kể khi anh Tài đi vào chuồng thì voi Ka liền dùng vòi quấn anh nhấc lên. Nghe tiếng hét, các nhân viên khác chạy tới thì thấy anh Tài bị vòi voi cuốn lại đập mạnh vào vách chuồng. Mọi người tri hô voi Ka mới chịu thả anh Tài rơi vào hồ nước gần đó. Nạn nhân bị chấn thương nặng ở đầu, vỡ não và tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện.

Đại diện khu du lịch Đại Nam cho biết cùng ngày, thi thể anh Tài đã được chuyển về quê. Trước mắt, phía công ty sẽ lo toàn bộ chi phí mai táng và đang cân nhắc hỗ trợ tiền cho người thân anh Tài.

Voi quật chết người: Chớ đùa với thú dữ! - 1

Anh Tài thiệt mạng vì bị voi Ka (ảnh) quật khi cầm thùng sơn đi xuyên qua cái chuồng này

Năm 2007, voi Ka cùng voi mẹ được đưa từ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước về khu du lịch Đại Nam để diễn xiếc phục vụ du khách. Việc voi Ka tấn công anh Tài làm mọi người ở đây bất ngờ vì từ năm 2008, anh Tài đã chăm sóc nó. Chuồng nuôi voi Ka là nơi hằng ngày anh Tài lui tới cho ăn, tắm rửa cho voi. Đặc biệt, anh còn huấn luyện và biểu diễn xiếc với Ka.

Ông Trần Văn Nguyên, Phó chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Dương, cho biết sau vụ việc, ông đã gọi điện tham khảo nhiều chuyên gia. Theo đó, hầu hết đều nghiêng về giả thuyết voi bị kích động do mùi lạ phát ra từ thùng sơn nước anh Tài mang vào chuồng voi. 

Ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã WAR, nhận định: “Khứu giác của voi cực kỳ nhạy, mùi sơn lạ làm voi cảm thấy môi trường sống của mình bị tác động khiến nó trở nên hoảng loạn, hung dữ và có thể tấn công cả người quen”.

Tay ngang “chơi” với thú dữ

Năm 2009, cũng tại khu du lịch này, một nhóm nhân viên vườn thú mang cây xanh vào sân chơi của cọp để trồng. Thấy cây cối xao động, một con cọp hoảng loạn phóng qua vách ngăn cao khoảng 3 m, tấn công nhóm nhân viên trên. Hậu quả, anh Nguyễn Công Danh (47 tuổi) thiệt mạng.

Các chuyên gia cho rằng hai vụ việc trên cho thấy có hiện tượng chủ quan, thiếu kiến thức của một số nhân viên làm việc tại vườn thú trong khu du lịch Đại Nam. 

Theo ông Nguyễn Vũ Khôi, ở Việt Nam hiện chưa có trường lớp đào tạo những người chăm sóc, thuần hóa hay huấn luyện thú dữ. Hầu hết những người đang “sống” với thú dữ ở các vườn thú hiện nay  học ngành thú y. Không ít người chăm sóc, huấn luyện thú chỉ bằng kinh nghiệm “học lõm” được.

Như trường hợp anh Tài, theo hợp đồng lao động ký với khu du lịch Đại Nam, chức danh chuyên môn của anh là “nhân viên chăm sóc và nuôi dưỡng thú” nhưng không thể hiện trình độ học vấn hay chuyên môn.

Trở chứng bất cứ lúc nào

Đắk Lắk hiện có 53 con voi nhà đang làm việc ở các khu du lịch huyện Lắk và Buôn Đôn. Hầu hết du khách tới các khu du lịch này đều cưỡi voi, đứng sát vào chúng để chụp ảnh. Không ít người bị voi tấn công, nếu nài voi không dùng các biện pháp mạnh can thiệp kịp thời thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Voi trở nên hung dữ khi đang ở thời kỳ động dục, đói khát hay ức chế kéo dài. Khi voi động dục, chủ voi phải đưa vào rừng sâu, xích voi vào gốc cây một thời gian cho qua thời kỳ đó rồi mới đưa về. Tuy nhiên, nhiều chủ voi không nhận biết việc này, vẫn cho voi tiếp xúc với du khách nên rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, theo PGS-TS Bảo Huy, Trường Đại học Tây Nguyên, voi có một số đặc tính khá giống con người như bị ức chế, thù oán, nhớ lâu… Voi tấn công người không nhất thiết vào thời điểm con người làm cho nó tức giận mà tích tụ từ trước đó. Việc các nài voi thường xuyên đánh đập voi hay môi trường sống bị giam cầm, thiếu thức ăn cũng dễ làm voi bị ức chế, đến một thời điểm nào đó thì bột phát.

C. Nguyên

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Ly (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN