Với một 'rừng' quy định như ở ta thì xây dựng Dubai phải mất… 1.500 năm
Với một “rừng” quy định, thủ tục như ở Việt Nam thì không thể có một Dubai thành nơi cả thế giới đến chiêm ngưỡng, học tập như ngày nay.
Sáng 30-10, sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự luật này.
Cứ thế mà làm vì quy định đã rõ
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng sau khi lắng nghe tám ý kiến phát biểu tại tổ đã thông tin và giải trình một số vấn đề, trong đó, ông kể câu chuyện về thủ tục, quy định xây dựng TP Dubai như một minh chứng cho việc đơn giản hóa thủ tục hành chính.
“Người ta chỉ mất năm năm để xây dựng được TP Dubai với 500 tòa nhà, trị giá 20 tỉ USD” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và đặt vấn đề vì sao người ta làm được như vậy.
Đơn cử như nhiệm vụ thiết kế, theo lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chỉ cần tuân thủ hai quy định là không tòa nhà nào giống tòa nhà nào và khoảng cách từ tòa nhà này đến tòa nhà kia không phải là một đường thẳng. Ngoài ra, các quy định về kết cấu, phòng cháy chữa cháy… đều có quy định rõ, minh bạch và “cứ thế mà làm”.
Sau khi thiết kế được mô hình TP, Quốc vương đến duyệt toàn bộ thiết kế cho TP Dubai chỉ mất… 2 tiếng đồng hồ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kể nhiều câu chuyện hay về thủ tục đầu tư ở các nước. Ảnh: HTQ
“Trong khi đó, mỗi khách sạn 5 sao ở Việt Nam phải mất ba năm thủ tục. Nếu Dubai được xây dựng với một “rừng” quy định ở ta thì phải mất… 1.500 năm” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho hay Dubai giờ đã trở thành nơi để cả thế giới đến học tập, chiêm ngưỡng
Bộ trưởng cũng nhắc lại câu chuyện ở Trung Quốc, thủ tục cho xây dựng một nhà máy ô tô trị giá hơn 1 tỉ USD từ lúc cấp phép đến khi hoàn thành chỉ mất 11 tháng; xây dựng một trung tâm thương mại cả thủ tục lẫn triển khai chỉ mất 68 ngày.
Phải hài hòa quản lý nhà nước và khuyến khích nhà đầu tư
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến định hướng sửa một số điều của Luật Đầu tư và thông tin rằng dự luật này sẽ thiết kế trường hợp được hưởng “thủ tục đầu tư đặc”. Lý do, theo ông là các nước hiện nay không ngừng đổi mới, cải cách. Nếu Việt Nam không đổi mới, cải cách thì chắc chắn các nhà đầu tư sẽ không đến hoặc đến rồi lại đi…
“Nhà nước hiện có rất nhiều quyền. Quyền cho làm gì, cho ai làm, làm ở đâu, làm như thế nào… Còn nhà đầu tư thì chỉ có một quyền thôi, đó là “không làm”. Vì vậy, thiết kế luật phải hài hòa giữa quản lý nhà nước, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn kinh doanh, đầu tư” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bởi theo ông, nếu các quy định của luật, pháp luật không làm được điều này thì đất nước sẽ mất cơ hội. Mất cơ hội là mất hết, mất công ăn việc làm cho người dân, mất thu ngân sách nhà nước, mất cơ hội phát triển.
Quốc hội thảo luận tại tổ về dự luật sửa đổi một số luật trong lĩnh vực đầu tư. Ảnh: QH
Đề cập đến thông báo của Chủ tịch Quốc hội sáng 30-10 về xây dựng pháp luật, ông Dũng nhận định thông báo này chứa đựng tư tưởng mới, có nhiều đột phá và cần được tuân thủ để phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Thông báo này cũng là theo tinh thần của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ. Trước đây chúng ta xây dựng pháp luật chủ yếu là để quản lý nhưng bây giờ không chỉ quản lý mà còn phải thúc đẩy phát triển.
"Phải bỏ “không quản được thì cấm” và “xin-cho”. Rồi quyền anh quyền tôi. Các bộ ngành cũng hay níu kéo quyền anh - quyền tôi từ luật chung đến luật chuyên ngành, mà chủ yếu là tạo ra thủ tục, tạo ra quyền lực. Khi có quyền lực thì sẽ có quyền lợi, lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân lồng vào. Điều đó làm cản trở phát triển đất nước. Lần này phải khắc phục” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Ông cũng nhấn mạnh định hướng chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; phân cấp phân quyền triệt để hơn, cắt giảm thủ tục hành chính thực chất hơn
“Các thủ tục phải ngắn gọn để tiết giảm thời gian, chi phí, cho nhà đầu tư, không đánh mất cơ hội của các nhà đầu tư” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Không xiết cũng không “thả gà ra đuổi” Định hướng xây dựng luật thành luật khung, quy định nguyên tắc, còn các thay đổi từ thực tiễn sinh động trong cuộc sống thì giao cho Chính phủ quy định để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Nhưng thế nào là quy định khung? Thế nào là quy định chi tiết? Nếu chỉ quy định khung, chung chung quá thì cũng khó, mà nếu quy định chi tiết quá thì luật lại thành nghị định. Cũng vậy, ranh giới giữa quản lý nhà nước và kiến tạo phát triển cũng rất mong manh. Quản lý chặt chẽ quá thì nhà đầu tư không làm được nhưng nếu không có quản lý thì lại “thả gà ra đuổi” và sau này phải xử lý. Vì vậy, xây dựng luật phải đảm bảo vừa quản lý được, vừa kiến tạo tốt. Bộ trưởng KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG |
Thời gian qua, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp, nổi lên là vi phạm về quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu.
Nguồn: [Link nguồn]