Võ sư Việt: Tuyệt kỹ kim xuyên kính
Lý Bằng (tên thật là Nguyễn Công Bằng), đến với võ thuật từ năm lên 9 tuổi. Lâu nay anh vẫn được mọi người biết tới với biệt tài dùng mí mắt gánh nước, đập thép vào đầu. Thế nhưng, tại Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam tổ chức ngày 26/5/2012 tại TPHCM, anh đã khiến mọi người bất ngờ khi giới thiệu tuyệt kỹ "phóng kim may xuyên qua kính thủy tinh".
Hơn 20 năm khổ luyện
Lý Bằng sinh năm 1972 tại Mỹ Tho (Tiền Giang), ông nội gốc Quảng Châu (Trung Quốc). Từ nhỏ, anh đã được một võ sư người Hoa nhận làm đệ tử chân truyền, dạy cho các ngón tuyệt kỹ về Kungfu của Thiếu Lâm. Khoái võ, nhưng cũng rất mê xiếc, Lý Bằng luôn là một khán giả trung thành của các đoàn xiếc, kể cả các gánh "sơn đông mãi võ". Anh đã tự mày mò học lỏm các chiêu trò của họ rồi tự tập cho đến lúc thuần thục.
Do có căn bản Thiếu Lâm tự nên Lý Bằng có duyên với môn xiếc và học rất nhanh, anh tìm tòi nghĩ ra những tiết mục kết hợp giữa võ thuật và xiếc để mang đến cho người xem những tiết mục ngoạn mục. Mỗi tiết mục khi biểu diễn chỉ dài từ 5 - 7 phút nhưng để làm được điều này, Lý Bằng phải dành thời gian tập luyện từ 5 năm trở lên. Nhờ có sự khổ luyện mà Lý Bằng có thể biểu diễn hàng chục tiết mục võ thuật kết hợp xiếc.
Sau mười mấy năm khổ luyện, Lý Bằng "hành hiệp giang hồ" với các màn biểu diễn rợn da gà như dùng hai đồng xu nhét vào mắt để dùng mí mắt nâng hai xô đựng nước và nhiều màn biểu diễn khác nữa như tung hứng chậu hoa trên đầu, tháp chai, lấy mặt làm đế kiếm... Đế kiếm di chuyển với hai con dao nhọn găm vào mặt, hai mũi dao nhọn chĩa xuống phía dưới luôn lắc lư, chao đảo theo nhịp di chuyển của Lý Bằng, chỉ sơ sẩy trong tích tắc là 2 con dao rơi xuống, cắm vào... mặt.
Hoặc ở tiết mục khác như là một chậu sứ nặng khoảng 8kg được đặt lên cán một cây trường kiếm, mũi cây kiếm này đặt lên... mũi một cây kiếm ngắn khác mà Lý Bằng dùng răng cắn chặt chuôi để giữ thăng bằng. Tất cả sức nặng đều dồn xuống chỗ giao nhau 2 mũi kiếm nên khi Lý Bằng vận động thì 2 cây kiếm lúc thẳng như một sợi chỉ, lúc giống như góc tù của một chiếc quạt nan. Ai cũng nơm nớp sợ chiếc chậu sứ sẽ rơi xuống, cuối cùng, chiếc chậu sứ ấy cũng... vỡ tan, nhưng do Lý Bằng dùng đầu công phá vỡ.
Lý Bằng biểu diễn dùng mi mắt gánh nước...
Độc chiêu phóng kim xuyên qua kính
Năm 2008, Lý Bằng luyện tập độc chiêu dùng thép (mỗi cây dài 40cm, ngang 5cm, dầy 5mm, nặng 250g) đập vào đầu gãy ra làm nhiều mảnh. Mỗi lần, biễu diễn Lý Bằng có thể đập từ 18 - 50 cây. Từ đó đến nay, Lý Bằng đã đập vào đầu gẫy trên 6.000 thanh thép. Với những thành tích khổ luyện như vậy, anh được xem là "quái kiệt" của đất Sài Gòn.
Dùng đầu đập gãy 2 thanh thép và...
... dùng tay phóng kim may xuyên qua kính
Lý Bằng luyện tập và biểu diễn các tuyệt kỹ
Tại hội ngộ kỷ lục gia tổ chức ngày 26/5/2012 tại TPHCM, Lý Bằng đã khiến các chuyên gia kỷ lục châu Á tròn mắt khi biểu diễn hai tiết mục: Dùng mí mắt gánh nước và dùng tay phóng kim may xuyên qua kính!
Kể về quá trình rèn luyện món "tuyệt kỹ" này, Lý Bằng cho biết: Anh bắt đầu tập món này từ năm 2005, do tự sáng tạo ra. Bởi sau những lần được mời sang nước ngoài biểu diễn Lý Bằng nghĩ cần phải có tiết mục "độc" để giới thiệu với khán giả. Thế là anh tập trung vào việc học phóng kim (loại kim máy may dài 5cm, cỡ kim 27 - 27mm) xuyên qua tấm kính có độ dày từ 3 - 5mm.
Mất 7 năm kiên trì luyện tập, Lý Bằng đã thành công. Đến nay (2012), Lý Bằng đã biểu diễn tiết mục này trong nhiều chương trình ở trong và ngoài nước. Dùng 1 tấm kính nguyên, để sau tấm kính là một quả bóng bay và sau đó phóng kim qua. Quả bóng nổ và anh cho mọi người xem miếng kính bị thủng một lỗ do kim phóng qua.
Năm 2011, Lý Bằng được mời sang giao lưu văn hóa ở Campuchia. Trong chương trình có tiết mục Lý Bằng biểu diễn phóng kim may xuyên qua kính cho Phó Thủ tướng Campuchia xem. Kính và kim được mua ngay tại Phompenh và anh đã làm người xem kinh ngạc, thán phục và nhớ mãi khi thực hiện thành công tuyệt đỉnh Kungfu này.
Lý Bằng tâm sự: "Học võ đã khó, học xiếc còn khó hơn, để hoàn thành một tiết mục xiếc chỉ biểu diễn trong thời gian từ 5 - 7 phút, tôi phải luyện tập từ 5 năm trở lên. Một tiết mục hay cũng còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Phong cách biểu diễn, âm thanh, ánh sáng, trang phục, động tác kỹ thuật, vũ đạo... nhưng quan trọng nhất là sự tập trung để tạo nên sự chính xác tuyệt đối, bảo đảm an toàn. Riêng để phóng được kim qua kính phải có sức khoẻ tốt, tâm lý vững". Anh đã có những lần bị bệnh không đủ lực phải phóng đến 3 lần kim mới qua được kính.
Tất cả các tiết mục đều có những cấp độ nguy hiểm riêng, sơ sẩy một tí là xảy tai nạn. Chuyện bị thương khi tập luyện là không thể tránh khỏi. Riêng sự cố thì cũng đã từng xảy ra. Ở tiết mục dùng cây gỗ đập lên đầu, thường thì chỉ đánh một lần là cây gãy nhưng có lần anh đã bị "nện" đến 10 gậy lên đầu mà khúc cây vẫn y nguyên (gặp phải loại gỗ dẻo). Những màn biểu diễn của Lý Bằng có độ sát thương kinh khủng nên cho đến giờ người nhà của anh cũng không dám xem anh biểu diễn.
Chân dung Lý Bằng
Lý Bằng tâm sự: Ao ước lớn nhất của tôi là cuối năm nay làm một "live show" về các tiết mục của mình. Kế hoạch của anh là sau này sẽ mở võ đường và đứa con trai duy nhất của anh, đã được học võ từ 2 năm nay sẽ điều hành võ đường này.
Lý Bằng đã được mời sang hơn 10 nước châu Âu và châu Á biểu diễn các tuyệt kỷ Kungfu của mình. Tại Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 22 tổ chức ngày 26/5/2012 tại TPHCM, khi anh trình diễn, các chuyên gia kỷ lục châu Á khẳng định: "Kungfu này thế giới vẫn chưa ai làm được". |