Vỡ mộng làm giàu ở đất nước Chùa Vàng

Sự kiện: Thời sự

Nung nấu giấc mộng đổi đời, Nay Si đã lẳng lặng trốn mẹ già, vợ và hai con trai, vay mượn thêm cả chục triệu đồng đưa cho “cò” để sang Thái Lan.

Gia đình anh Si đã đoàn tụ sau tháng ngày xa cách

Gia đình anh Si đã đoàn tụ sau tháng ngày xa cách

Nghe viễn cảnh giàu sang ở nước ngoài, nhiều đồng bào thiểu số ở huyện Phú Thiện (Gia Lai) đã tìm mọi cách vượt biên trái phép. Rồi khi “vỡ mộng” cuộc sống nơi xứ người, họ vật lộn tìm đường trở về và đã có những người phải bỏ mạng...

Gom tiền để vượt biên

Gom góp suốt hơn 4 tháng trời, ngày chỉ dám ăn một bữa cơm, phải bán nốt chiếc điện thoại là tài sản duy nhất, Nay Si (SN 1991, xã Ia Ake) mới đủ tiền bắt xe khách, bỏ trốn về tới biên giới giữa Campuchia và Việt Nam tại tỉnh Tây Ninh, rồi tiếp tục vượt biên về nhà. Anh Si về đến nhà, gày gò, má hóp lại, nhưng anh Si bảo về được là mừng rồi. “Ở nhà tuy khó khăn, nhưng vẫn hơn xứ người, nay có nói sao mình cũng không đi nữa đâu”, anh Si thở phào.

Những ngày giữa năm 2018, trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đất Phú Thiện rộ lên tình trạng vượt biên sang đất nước Chùa Vàng - Thái Lan để lao động. Những tay “cò” lao động đã vẽ ra một viễn cảnh đẹp đẽ như xứ thiên đường để thôi thúc, lôi kéo những người Jrai nhẹ dạ, cả tin. Nung nấu giấc mộng đổi đời, Nay Si đã lẳng lặng trốn mẹ già, vợ và hai con trai, vay mượn thêm cả chục triệu đồng đưa cho “cò” để sang Thái Lan. “Họ rủ rê, nói vượt biên sang đó làm sẽ được nhiều tiền lắm. Không biết sẽ làm gì, cứ lao động ra tiền thì mình chấp nhận đi xa”, Si kể.

Rạng sáng một ngày tháng 8/2018, khi mẹ, vợ con còn đang ngủ, với kế hoạch của những tay “cò” vạch ra, Si lái chiếc xe máy - tài sản lớn nhất của gia đình, cùng 5 thanh niên khác rời làng. Nhóm 6 người theo hướng biên giới từ Phú Thiện, vượt đèo Chư Sê, rồi hướng về huyện Đức Cơ trên QL19. Khi đến Đức Cơ, họ men theo đường rừng trắc trở để qua bên kia biên giới. Bỏ lại những chiếc xe máy ở vùng rừng biên giới, cả nhóm cõng ba lô đi bộ xuyên rừng đến đất Campuchia. Tại đây, có xe ô tô đón họ chạy miết đến khu vực biên giới giữa Campuchia và Thái Lan.

Cũng ở xã Ia Ake, Siu Thuyn (trú tại thôn Plei Plok) đã bán hết số mì của gia đình, vay mượn để gom đủ 15 triệu đồng vượt biên sang Thái Lan. Ngày đi, Siu Thuyn nói dối vợ rằng đi làm thuê cho người ta, chỉ trong ngày sẽ về. Trong thâm tâm, Sin Thuyn mơ về một ngày không xa sẽ trở về với thật nhiều tiền trong sự chào đón rạng rỡ của 3 đứa con cùng người vợ.

Thế rồi, cũng như Nay Si, Sin Thuyn được đưa đến những khu trọ tập trung ở một vùng đất phía Đông Nam Thái Lan.

Tay trắng trở về

“Liên quan đến việc đã có bao nhiêu người dân trên địa bàn đã bị lừa đưa sang Thái Lan lao động trái phép, cũng như đường dây nào đã tổ chức việc này, Đại tá Lê Quang Trung cho biết, do vụ việc đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin.”

Anh Siu Thuyn kể rằng, khi đến công trình do người Thái làm chủ, “cò” đã trao anh cho chủ lao động người Thái. Hàng ngày, từ mờ sáng đến tối mịt, nhóm người Việt được chở từ khu trọ chật chội đến các công trình xây dựng để làm các công việc khác nhau, đa phần đều làm phụ hồ vì không có tay nghề. Công việc nặng nhọc, điều kiện ăn uống thiếu thốn, sinh hoạt chật hẹp, mất vệ sinh, nhiều người mệt quá ốm bẹp, nhưng vẫn phải gượng dậy đi làm. Làm việc quần quật hơn 10 giờ/ngày như trên, mỗi người sẽ nhận được từ khoảng 300 - 350 baht (tiền Thái Lan), tương đương 220 - 260 nghìn đồng. Mức tiền công này cũng chỉ bằng quê nhà nhưng họ phải chịu chi phí sinh hoạt “cắt cổ”.

“Đi làm cũng chỉ đủ tiền để ăn uống tằn tiện, khổ cực, còn nghỉ làm ngày nào thì ngày đó nhịn, ai cũng mong được về nhà nhưng không có tiền về”, anh Thuyn nhớ lại.

Anh Nay Si cho biết, để dành dụm tiền trốn về, anh thường xuyên nhịn đói hoặc ăn mì tôm. Đó là chưa kể những ngày trốn chui trốn lủi vì khi nghe Công an Thái Lan truy quét lao động không phép. Phải đến hơn 2 tháng kể từ ngày đi, anh Si mới có điện thoại để gọi về nhà.

Chị Ksor H’Bích Thủy (vợ anh Nay Si) hoang mang hơn 2 tháng không biết chồng đi đâu, nghe tin chồng đã vượt qua biên giới, thì khóc nấc khuyên chồng “sống chết cũng cố mà về, vợ chồng rau cháo nuôi con, kẻo lại bỏ mạng nơi đất khách”. Bởi, chị đã chứng kiến chuyện ông Ksor Brêu (SN 1958, trú tại thôn Plei Dap, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) theo một số người làng đi lao động “chui” tại Thái Lan vào tháng 6/2018. Trong một lần đi bộ hái rau dại bên đường ở Thái Lan, ông Brêu đã bị một chiếc xe ô tô tông khiến bị gãy xương vai phải nhập viện cấp cứu. Vì không có tiền nằm viện, ông phải về nằm tại khu nhà trọ tập trung của những người lao động Jrai. Bệnh tình quá nặng, ba tháng sau, ông tử vong. Không có tiền để chôn cất cũng như đưa thi thể về quê nhà, vợ con ông vượt biên sang Thái Lan để hỏa thiêu ông và rải tro cốt xuống dòng sông nơi đất khách. Hiện, vợ và con ông Brêu vẫn lưu lạc ở Thái Lan chưa thể trở về.

Đại tá Lê Quang Trung, Trưởng Công an huyện Phú Thiện cho biết, đơn vị này đã phối hợp cùng chính quyền địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tuyên truyền để người dân trên địa bàn ổn định tư tưởng, yên tâm lao động sản xuất để tránh việc vượt biên trái phép. Với những trường hợp người dân phải vay nợ vật tư nông sản dẫn đến hoàn cảnh khó khăn nên nghĩ đến việc đi lao động ở nước ngoài, Công an huyện cũng tiến hành làm việc với các chủ nợ để có phương án hỗ trợ giảm lãi suất, giãn nợ cho người dân.

Tha phương cầu thực xứ người: 'Thiên đường' không có thật

Không như nhiều người bị bỏ lại phía sau, anh Nguyễn Văn K. đã đối mặt với những trận chiến sinh tử, cuối cùng anh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tạ Hồng Phúc ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN