“Vỡ mộng” đổi đời khi lấy chồng ngoại

Sự kiện: Thời sự

Vì nhiều lý do, mỗi năm, có hàng nghìn phụ nữ Việt kết hôn với chồng nước ngoài qua môi giới hôn nhân. Những khoảng trống về tình cảm, văn hóa, ngôn ngữ đã khiến không ít người lâm vào cảnh bị bạo hành, xung đột, thậm chí tử vong.

Bị bạo hành vì không hiểu văn hóa

Mới đây, mạng xã hội Hàn Quốc rúng động trước sự việc một người phụ nữ Việt Nam bị người chồng Hàn Quốc đánh đập tàn nhẫn đến mức gãy xương sườn. Việc người vợ bị bạo hành xảy ra ngay trước mặt con trai 2 tuổi của họ.

Người chồng Hàn Quốc 36 tuổi đã bị cảnh sát bắt hôm 6/7 vì bạo hành vợ và lạm dụng con trai mới biết đi. Lý do nghi phạm đã tấn công vợ chỉ vì cô ấy không nói tiếng Hàn trôi chảy. Ngay sau đó, Thủ tướng Hàn Quốc đã có lời xin lỗi tới cô dâu Việt và Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam.

Nghi phạm trong vụ đánh đập vợ người Việt, làm rúng động dư luận Hàn Quốc tuần qua, trình diện tại toàn án quận Gwangju sáng 8/7.  Ảnh: Yonhap

Nghi phạm trong vụ đánh đập vợ người Việt, làm rúng động dư luận Hàn Quốc tuần qua, trình diện tại toàn án quận Gwangju sáng 8/7.  Ảnh: Yonhap

Về sự việc này, bà Nguyễn Thị Minh Hương - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tuyên giáo - Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết, ngay khi biết thông tin, Hội LHPN Việt Nam đã liên hệ với Hội Phụ nữ Việt Nam ở Hàn Quốc để nắm cụ thể vụ việc. Ngày 8/7, Hội đã gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, trong đó đánh giá cao phản ứng kịp thời của các cơ quan chức năng Hàn Quốc khi xử lý vụ việc. Hội LHPN Việt Nam cũng đề nghị phía nước bạn sẽ tiếp tục nỗ lực để kiểm soát bạo lực đối với phụ nữ Việt đang sống ở Hàn Quốc.

Trong thời gian qua, không ít vụ việc cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc bị bạo hành nghiêm trọng, thậm chí bị chính người chồng sát hại. Đơn cử như vụ cô dâu người Việt tên N.T. Nga (sinh năm 1993, tại Hải Phòng), sống tại quận Hongchon, tỉnh Kangwon đã bị người chồng Hàn Quốc, 36 tuổi sát hại hồi tháng 1/2014. Sau khi giết vợ, người chồng đã uống thuốc độc tự tử. Chị N.T.Nga lấy chồng và chuyển đến Hàn Quốc sinh sống từ năm 2012. Năm đầu tiên sống chung, gia đình tương đối hòa thuận. Đến năm thứ hai, mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu thường xuyên xảy ra và dẫn đến kết cục bi thảm.

Hay vụ cô dâu Việt Đ.T.M.Tiên, quê ở Tây Ninh cũng bị người chồng Hàn Quốc sát hại. Tiên kết hôn với Lee Geun-sik năm 2004 và chuyển tới sống tại tỉnh Jeolla, Hàn Quốc một năm sau đó. Trong thời gian chung sống, hai vợ chồng thường nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã, dẫn đến việc chồng sát hại vợ. Người chồng Hàn Quốc sau đó đã cố tạo hiện trường một vụ tai nạn giao thông để qua mặt cảnh sát nhưng không thành.

Theo bà Hương, báo cáo của Bộ Công an cho thấy, nhiều phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài (chủ yếu là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục) là vì mục đích kinh tế, nên thiếu sự tìm hiểu giữa hai bên nam, nữ trước khi kết hôn.

Nhiều cuộc hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam với nam giới nước ngoài là hôn nhân “4 không” (không biết văn hoá, ngôn ngữ, pháp luật nước định sang lấy chồng/vợ; không biết người dự định kết hôn; không biết hoàn cảnh gia đình người dự định kết hôn; không tình yêu). Từ đó phát sinh nhiều hệ lụy trong cuộc sống hôn nhân và xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc. Để giải quyết được vấn đề, quan trọng là các cặp vợ chồng kết hôn cần dựa trên nền tảng của tình yêu, có đủ thời gian tìm hiểu nhau, hiểu được hoàn cảnh của nhau và có thể sử dụng được ngôn ngữ của nhau.

Cần học trước khi kết hôn

GS-TS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển cho rằng, bạo lực là vấn đề chung của nhiều quốc gia, Việt Nam không phải ngoại lệ. Theo GS Quý, nguyên nhân dẫn tới những xung đột, mâu thuẫn này là do sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, sở thích… của các cặp đôi. Trong bất cứ một gia đình nào cũng tồn tại các mâu thuẫn nhưng trong các gia đình đa văn hóa vấn đề này càng phức tạp. Thêm vào đó, những cặp vợ chồng này phần đa có nhận thức thấp, tính gia trưởng, học thức thấp… kết hôn là do môi giới, thiếu tình yêu, sự thấu hiểu nên lại càng có cớ để bạo lực leo thang.

"Thống kê của Hội cho thấy, trong 10 năm (tính đến năm 2018), riêng khu vực ĐBSCL có 70.000 phụ nữ lấy chồng nước ngoài, chiếm tỷ lệ 79% tổng số phụ nữ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài và chủ yếu vì mục đích kinh tế”.

 Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

“Trào lưu lấy chồng nước ngoài vội vã, không qua tìm hiểu, chỉ qua môi giới, mới xem ảnh đã vội vàng theo chồng sang nước ngoài sinh sống thì hôn nhân sẽ có nguy cơ xảy ra xung đột, mâu thuẫn. Hạnh phúc là do mình mang lại không thể trông chờ vào người khác, do vậy, trước khi kết hôn chị em cần tìm hiểu kỹ, lường trước những khó khăn để không bị sốc” – GS Quý nói. GS Quý khuyến cáo, các cô dâu đi lấy chồng cần học tiếng, học pháp luật nước sở tại, học văn hóa của nhà chồng, học các kỹ năng bảo vệ mình, có mối quan hệ… để phòng vệ cần thiết khi ở đất khách quê người.

Hiện, Trung tâm Văn hóa Việt – Hàn đang phối hợp Viện Nghiên cứu giới và phát triển mở lớp dạy về văn hóa, ngôn ngữ cho các cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc. Mặc dù chỉ kéo dài 2 tuần nhưng các lớp học đã phần nào giúp các cô dâu Việt hiểu hơn nền văn hóa, lễ nghi, lối sống và cả ngôn ngữ cơ bản trước khi sang Hàn Quốc sinh sống. Hiện, có hơn 2.000 cô dâu Việt được theo học khóa học này và hòa nhập tốt hơn với thói quen, nếp sống của nhà chồng.

Theo bà Hương, để bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ cũng có nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin để phụ nữ khi quyết định lấy chồng người nước ngoài nói chung và người Hàn Quốc nói riêng được dựa trên cơ sở “5 biết” (biết văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật nước định sang lấy chồng/vợ; hiểu biết người dự định kết hôn; biết hoàn cảnh gia đình của người dự định kết hôn; biết các trường hợp điển hình thành công, thất bại của những người đã kết hôn với người nước ngoài; biết các quy định của Việt Nam về kết hôn với người nước ngoài và cơ quan giúp đỡ mình khi ra nước ngoài).

Thời gian gần đây, chính sách về nhập cư của Hàn Quốc đã yêu cầu phụ nữ khi muốn nhập cảnh phải có trình độ tiếng Hàn ở mức độ nhất định. Mặc dù vậy, khi đã sang Hàn Quốc, phụ nữ vẫn cần chủ động học hỏi, nâng cao trình độ tiếng Hàn của mình nhằm thích ứng tốt hơn với cuộc sống.

“Người chồng và gia đình Hàn cũng cần thực sự cảm thông, chia sẻ với các cô dâu Việt trong thời gian này, cùng hỗ trợ để người phụ nữ có thể hòa nhập tốt với cuộc sống tại Hàn Quốc. Chúng tôi nghĩ rằng không chỉ cô dâu Việt Nam cần biết ngôn ngữ, văn hóa nước mình đến mà ngay cả chú rể cũng rất cần biết ngôn ngữ và văn hóa quê hương của vợ, có như vậy sự giao tiếp, thấu hiểu mới thực sự bình đẳng và sâu sắc” – bà Hương nhận định. 

Muốn kết hôn với chồng ngoại phải “5 biết”

“Thực tế trong quá trình nghiên cứu tôi thấy đa số phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc đều không biết tiếng Hàn, không hiểu truyền thống văn hóa; không hiểu hoàn cảnh gia đình chú rể, thậm chí cả bản thân chú rể vì vậy không có căn cứ nào để đảm bảo hạnh phúc hôn nhân. Theo tôi trước khi kết hôn với chồng ngoại quốc, các cô gái cần phải biết: Biết ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán; biết tình trạng sức khỏe của người sẽ kết hôn; biết hoàn cảnh gia đình của người sẽ kết hôn; biết pháp luật hôn nhân gia đình; biết về thực trạng những cuộc hôn nhân thành công và thất bại”.

TS Ngô Thị Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới,gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD)

Cần hỗ trợ nhiều hơn

“Thực tế khi kết hôn các gia đình người Hàn thường mong muốn cô dâu Việt phải qua sinh sống luôn. Tuy nhiên, theo tôi, các cô dâu Việt cần phải bình tĩnh, tham gia các lớp học ngôn ngữ, văn hóa... trước khi theo chồng ra nước ngoài. Tuyệt đối không bất chấp lời hứa hão mà về nhà chồng khi không có ngôn ngữ, kiến thức, biện pháp phòng vệ. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều trung tâm văn hóa Việt – Hàn ở khắp cả nước để hỗ trợ dạy tiếng và hỗ trợ tìm hiểu văn hóa cho các cô dâu lấy chồng Hàn Quốc”.

Nguyễn Thị Hà (30 tuổi), lấy chồng ở Seoul (Hàn Quốc)

Lấy chồng ngoại quốc: Tết xa xứ đầy nước mắt

“Ăn Tết bên xứ sở kim chi buồn lắm! Thời tiết lạnh, tuyết rơi phủ kín lên tận nóc nhà, không có lấy một bông hoa,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyệt Tạ ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN