Vợ lái tàu SE19: “Anh Hùng đã lỡ hẹn với vợ, với con!”
Trong ánh đèn leo lét của lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, chị đau xót tột độ. Cả cabin đã nằm đè lên người anh và đồng nghiệp. “Anh Hùng đi thật rồi… anh ý đi thật rồi… Tôi không muốn tin đâu…”, chị Yến nhớ lại rồi nấc lên từng tiếng.
“… Các cháu ngoan ngoãn, cố gắng học tập, nên anh Hùng có hứa đầu tháng 7 này nghỉ phép, sẽ đưa vợ con đi nghỉ mát ở biển Cửa Lò. Vậy mà anh ấy lại bỏ ba mẹ con mình mà đi… Anh Hùng ơi…, anh Hùng…”, chị Yến kể về ước hẹn của chồng, anh Nguyễn Thế Hùng (SN 1976) – lái tàu thiệt mạng trong vụ TNGT nghiêm trọng trên chuyến tàu SE19 vào rạng sáng 24-5 trong tiếc nấc nghẹn ngào.
Kể rồi, chị ngước đôi mắt đỏ hoe nhìn về phía cửa ra vào. Chị bần thần không muốn tin tin dữ vừa ập đến gia đình là sự thực.
“Thế anh Hùng nhà em đâu?”
9h45 ngày 25-5, con ngõ nhỏ nằm trên phố Gia Quất, phường Thượng Thanh (quận Long Biên – Hà Nội) dẫn chúng tôi đến khu tập thể Trường Cao đẳng Đường sắt - nơi vợ chồng anh Hùng, chị Trần Thị Hải Yến (39 tuổi) đang ở.
Từ đầu khu tập thể, nhiều người dân chưa hết đau xót trước sự ra đi của anh. Khoảng sân phía trước ngôi nhà anh đã được hàng xóm và người thân dựng tạm chiếc rạp.
Bác Lê Văn Giang, nhà ở đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) cùng người thân anh Hùng tất bật kê bàn ghế, chuẩn bị cho đám tang của anh vào hôm sau (26-5). Bác Giang là người quen của gia đình anh đến nay đã hơn 30 năm.
PV Báo CAND (bên trái) thăm hỏi, chia sẻ mất mát với gia đình chị Yến.
“Bố của Hùng chính là người đã xin việc cho tôi vào làm trong ngành đường sắt. 7h hôm qua (24-5), nhận được tin dữ, tôi liền qua đây thăm hỏi, phụ giúp gia đình trong lúc tang gia bối rối!”, bác Giang giọng buồn buồn nói.
Bác Giang dẫn chúng tôi lên tầng 3 của ngôi nhà – nơi vợ chồng anh Hùng đang sinh sống. Trong căn phòng với diện tích khoảng 30m² có đông bà con hàng xóm, người thân và đồng nghiệp đến chia sẻ mất mát với gia đình.
Chị Yến ngồi thu mình trên giường cùng hai người con. Nước mắt chị cứ thế tuôn dài mỗi khi nhắc đến chồng. Chị không muốn tin những gì đang xảy đến với gia đình là sự thật. Đôi mắt đỏ hoe, thi thoảng lại ngước nhìn xa xăm về phía cửa ra vào.
Chị và anh Hùng cùng làm trong ngành đường sắt. Anh Hùng là lái tàu và chị là tiếp viên trên tàu. Tối 23-5, anh Hùng đi trên chuyến tàu SE19 (Hà Nội – TP Hồ Chí Minh) khởi hành lúc 20h10, còn chị đi trên chuyến tàu QB1 (Hà Nội – Quảng Bình) khởi hành lúc 21h35.
Khoảng 1h ngày 24-5, khi đang trực trên tàu, chị nhận được tin chuyến tàu của chồng chị đang gặp nạn ở khu vực Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) phía trước nên tàu QB1 phải dừng lại.
Trong đầu chị, tia hy vọng “sẽ không có vấn đề gì xảy đến với anh Hùng cả”. Chị mong sao đó chỉ là một vụ va chạm bình thường.
Để xác tín lại thông tin, chị gọi điện thoại cho anh lái tàu trưởng SE19. “Anh Hùng có đi cùng anh không?”, chị hỏi. Anh lái tàu trưởng SE19 đáp: “Anh Hùng có!”. “Thế anh Hùng nhà em đâu anh?”.
Biết không thể giấu được tin dữ, lúc này anh lái tàu trưởng SE19 giọng chùng xuống: “Anh ý đang bị kẹt trong máy không ra được”. Công tác trong ngành đường sắt đã nhiều năm, nên nghe vậy, chị ngã khuỵu.
Quệt ngang dòng nước cứ thế ứa ra từ khóe mắt, chị Yến vội vã cùng anh Nguyễn Văn Thi - Trưởng ban An ninh tàu và Trần Nam Trung bắt xe taxi đi vào huyện Tĩnh Gia – nơi hiện trường xảy ra vụ việc.
Lúc tới hiện trường đã gần 3h sáng. Hiện trường là cảnh tượng hãi hùng. Chị bàng hoàng khi thấy đầu máy bị đổ và nhiều toa xe bị trật bánh khỏi đường ray. Cabin – nơi chồng chị ngồi lái đã bị lật ngang xuống ruộng. Chị định lao vào tìm chồng nhưng đồng nghiệp ngăn và thông báo “anh nhà không qua khỏi”.
Trong ánh đèn leo lét của lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, chị đau xót tột độ. Cả cabin đã nằm đè lên người anh và đồng nghiệp. “Anh Hùng đi thật rồi… anh ý đi thật rồi… Tôi không muốn tin đâu…”, chị Yến nhớ lại rồi nấc lên từng tiếng.
Ước hẹn dở dang
Anh Hùng quê ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Là con trai cả trong một gia đình có 3 anh em. Năm 2000, anh kết hôn với chị Yến, sinh hạ được 2 người con. Cháu trai lớn năm nay lên lớp 12, con gái nhỏ năm nay lên lớp 4.
“Ngày trước, hồi còn đi học mình hay đánh cầu lông với anh. Sau đó, hai người yêu nhau được hơn hai năm thì về ở với nhau. Anh Hùng chịu thương chịu khó, là trụ cột trong nhà. Giờ anh đi rồi, ba mẹ con biết tựa vào ai?”, chị Yến kể trong nước mắt.
Vẫn theo lời chị Yến, sớm ước mong theo nghiệp của bố (bố anh Hùng vốn là giảng viên Trường Cao đẳng Đường sắt) nên sau khi tốt nghiệp THPT anh Hùng đã thi và theo học ngành lái tàu. Đến nay, anh Hùng đã có hơn 20 năm công tác trong ngành đường sắt.
Do đặc thù công việc, nên hai vợ chồng thường xuyên vắng nhà, nhất là vào dịp lễ, Tết, kỳ nghỉ hè – hành khách đi tàu đông. Và hầu như ở nhà có công việc gì, hai vợ chồng cũng đều vắng mặt.
Cháu Huy và Vy không muốn tin cha mình đã đi mãi mãi.
“Dù cùng công tác trong ngành đường sắt, nhưng từ khi lấy nhau, đến nay, vợ chồng chị mới chỉ có 2 lần cùng đi trên một chuyến tàu… Giờ muốn đi chung lần thứ 3 cũng không thể nữa rồi!”, chị Yến nghẹn lời.
Trên chiếc giường đơn, cháu Nguyễn Hà Vy (9 tuổi) gục đầu vào lòng bà ngoại Ngô Thị Cần. Cháu còn quá nhỏ để thấu được nỗi đau, mất mát mà gia đình đang gặp phải. Thoáng thấy có người vào phòng hỏi thăm mẹ và anh, cháu lại ngước đôi mắt tròn lạ lẫm nhìn.
Bà Cần ôm cháu Vy, chậm rãi nói: “Tối đó, Yến có đưa cháu Vy lên tàu cùng để khi đến ga Vinh, tôi sẽ ra đón cháu về quê Nghi Lộc (Nghệ An) chơi vì cháu đang nghỉ hè. Nhưng khi nhận được tin dữ, trong đêm cháu được mọi người đưa ra Hà Nội luôn. Cháu còn nhỏ quá, chưa cảm nhận hết nỗi đau ni (này)”.
Ngồi gần bà ngoại, cháu Nguyễn Khắc Huy (17 tuổi) – con trai lớn vợ chồng anh Hùng, bần thần. Chốc chốc cháu lại cúi gầm mặt xuống như đang nghĩ suy tư điều gì đó.
Cháu Huy nhớ lại: “Đêm đó, khi đang ngủ thì bà nội ở dưới nhà lên gọi dậy và thảng thốt nói bố Hùng mất rồi. Cháu sợ lắm!”.
Trò chuyện với Huy, chúng tôi được biết, do nhà có chuyện buồn nên hôm nay Huy không đến trường dự lễ bế giảng và nhận phần thưởng được. Huy là người ham học. Bố mẹ thường xuyên vắng nhà, hằng ngày Huy thường chở em đi học rồi sau đó lên lớp.
“Sáng nay (25-5), các cháu học cùng lớp Huy đến nhà thăm hỏi và gửi phần thưởng của nhà trường tới cháu! Cháu Huy và Vy ngoan ngoãn, cố gắng học tập, nên anh Hùng có hứa đầu tháng 7 này nghỉ phép, sẽ đưa vợ con đi nghỉ mát ở Cửa Lò. Vậy mà anh ấy lại bỏ 3 mẹ con mình mà đi… Anh Hùng ơi…, anh Hùng…”, chị Yến sụt sùi.
Sáng 25-5, trao đổi với PV Báo CAND, đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, các trường hợp tử nạn (lái tàu – anh Nguyễn Thế Hùng, phụ lái tàu – anh Nguyễn Xuân Đệ) có bảo hiểm sẽ được đơn vị bảo hiểm chi trả. Về phía Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trước mắt sẽ hỗ trợ người thân hai trường hợp tử nạn, mỗi trường hợp hơn 30 triệu đồng để lo tang ma. Những chế độ chính sách khác sẽ được thực hiện sau (các khoản liên quan đến quỹ phúc lợi xã hội, chế độ đối với người lao động tử nạn…). Còn đối với mỗi trường hợp bị thương, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng hỗ trợ 4 triệu đồng và chi trả toàn bộ viện phí. Ông Hoàng Ngọc Trìu – Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết: Do đặc thù công việc, nên các lái tàu cũng như nhân viên phục vụ trên tàu thường xuyên vắng nhà. Trong quá trình điều khiển tàu, các nhân viên lái tàu luôn phải tập trung cao độ. Tuy có những khó khăn vất vả trước mắt, song thời gian qua, lái tàu Nguyễn Thế Hùng và phụ lái tàu – anh Nguyễn Xuân Đệ đã luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Vụ tai nạn trên khiến chúng tôi không khỏi bàng hoàng và đau xót. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Xí nghiệp đã cử các đoàn công tác đến thăm hỏi, sẻ chia mất mát với các gia đình. |
Nghe tin lái tàu Nguyễn Xuân Đệ tử vong do TNGT tàu hỏa, người thân, hàng xóm quê nghèo Hưng Yên đầy đau xót.