Vợ Dương Chí Dũng kháng cáo về nhà đất

Sáng nay (22/4), tại Hà Nội, TAND Tối cao mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đối với bị cáo Dương Chí Dũng và đồng phạm. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn. Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 22 – 24/4.

7h50: Các bị cáo đã có mặt tại tòa.

Vợ Dương Chí Dũng kháng cáo về nhà đất - 1

Xe chuyên dụng chở các bị cáo đến phiên tòa

Vợ Dương Chí Dũng kháng cáo về nhà đất - 2

Bị cáo Mai Văn Phúc.

Vợ Dương Chí Dũng kháng cáo về nhà đất - 3

Bị cáo Trần Hữu Chiều.

Vợ Dương Chí Dũng kháng cáo về nhà đất - 4

Bị cáo Trần Hải Sơn.

Ba luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng, đó là luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển và Trần Đại Thắng đã có mặt tại tòa. Tại phiên tòa này có 16 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

8h20: Tòa bắt đầu phiên xử phúc thẩm. Thư ký Tòa đọc nội quy phiên tòa. 9 bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm có mặt tại phiên tòa. Riêng bị cáo Bùi Thị Bích Loan (SN 1960, quê Hải Phòng), nguyên Kế toán trưởng Vinalines không kháng cáo.

Vợ Dương Chí Dũng kháng cáo về nhà đất - 5

Các bị cáo đã có mặt tại phiên tòa phúc thẩm (Ảnh chụp qua màn hình)

Bị cáo Dương Chí Dũng mặc áo sơmi trắng, khác hẳn với các bị cáo khác (áo xanh công nhân).

Vợ Dương Chí Dũng kháng cáo về nhà đất - 6

Bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên xử hôm nay

Vợ Dương Chí Dũng kháng cáo về nhà đất - 7

Bị cáo Bùi Thị Bích Loan 

Hội đồng xét xử bắt đầu kiểm tra căn cước của 9 bị cáo có đơn kháng án.

Tại phiên tòa, HĐXX đã nhận được đơn kháng cáo của bà P.T.T, người được coi là “bồ nhí” của Dương Chí Dũng về việc Tòa sơ thẩm đã kê biên ngôi nhà bà này đang ở. Theo Tòa sơ thẩm ngôi nhà này do Dương Chí Dũng dùng tiền tham ô để mua cho “bồ nhí”.

Luật sư Trần Đình Triển đề nghị hoãn phiên Tòa để triệu tập nhân chứng tại Nga và nhân chứng của Công ty AP (Singapore) để làm rõ hành vi của Trần Hải Sơn trong việc nhận 1,66 triệu USD mua ụ nổi 83M và nhân chứng là lái xe của Trần Hải Sơn.

9h10: Tòa tạm nghỉ để hội ý.

Sau 5 phút hội ý, HĐXX cho biết, sẽ xem xét hồ sơ vụ án của luật sư Trần Đình Triển. Còn việc luật sư Triển đề nghị triệu tập lái xe của Trần Hải Sơn, HĐXX xét thấy lời khai của lái xe này đã đầy đủ tại cơ quan điều tra nên không triệu tập.

9h15: Phiên tòa tiếp tục. Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn, đọc bản án sơ thẩm.

Theo bản án sơ thẩm, việc triển khai mua ụ nổi khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt của bị cáo Dương Chí Dũng và đồng phạm. Trong thời gian Vinalines triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2009, Vinalines tiến hành khảo sát, thương thảo, quyết định phương án mua ký hợp đồng thanh toán tiền, nhập khẩu ụ nổi 83M với Công ty AP (Singapore).

Quá trình triển khai dự án, Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines; Trần Hữu Chiều, Phó Tổng giám đốc Vinalines; Bùi Thị Bích Loan, nguyên Kế toán trưởng Vinalines; Mai Văn Khang, nguyên thành viên Ban quản lý dự án Vinalines; Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Lê Văn Dương, Đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam; Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa đã không thực hiện theo quy định của Nhà nước, cố ý làm trái gây thiệt hại cho nhà nước gần 367 tỷ đồng.

Thông qua việc mua ụ nổi 83M trái quy định của Nhà nước, sau khi thanh toán 9 triệu USD cho Công ty AP (Sinhgapore), Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều đã tham ô 1,66 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) là số tiền mua ụ nổi 83M đã thanh toán, được Công ty AP chuyển lại Việt Nam. Cụ thể, Dũng nhận 10 tỷ đồng, Phúc 10 tỷ đồng, Chiều 340 triệu đồng và Sơn 7,8 tỷ đồng (trong đó Sơn cho em gái Trần Thị Hải Hà 2 tỷ đồng, còn lại 5,8 tỷ đồng Sơn giữ lại chi tiêu cá nhân).

Như vậy, hành vi của các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều đã phạm vào tội Tham ô tài sản theo Điều 278 Bộ luật Hình sự. Hành vi của các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng và Lê Ngọc Triện đã phạm vào tội Cố ý làm trái theo quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gậy hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Theo bản án sơ thẩm, trong vụ án này, Dương Chí Dũng được xác định là chủ mưu trong việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại 367 tỉ đồng và tham ô 1,67 triệu USD. Đối với Dương Chí Dũng sau khi biết bị khởi tố, đã trốn ra nước ngoài và bị bắt sau đó.

9h50: Tòa bắt đầu phần xét hỏi. Bị cáo Dương Chí Dũng bị xét hỏi đầu tiên. Dương Chí Dũng kêu oan tội Tham ô tài sản, đề nghị giảm án tội Cố ý làm trái. Bị cáo Dũng vẫn giữ nguyên kháng cáo.

Bị cáo Dương Chí Dũng khai: Dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam tại Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư là 3.854 tỷ đồng chưa có quyết định phê duyệt cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Trong dự án này có hạng mục lắp đặt 1 ụ nổi. “Việc khảo sát để mua ụ nổi của Công ty AP (Singapore) là do Mai Văn Phúc điều hành, tổ chức đoàn khảo sát về tình trạng kỹ thuật của ụ nổi 83M, khi đoàn khảo sát về thì sang gặp bị cáo và cho bị cáo chai rượu thôi”, bị cáo Dũng trình bày.

Chủ đầu tư dự án ban đầu là do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, sau đó chuyển cho công ty của Trần Hải Sơn là Tổng Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines làm chủ đầu tư.

Khi mua ụ nổi 83M về nhưng không sử dụng được, vẫn phải dùng 29 tỷ đồng để sửa chữa. Bị cáo đã nhận thức được hành vi cố ý làm trái của bị cáo, do bị cáo là chủ tịch, người đứng đầu. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng mình chỉ là thành viên HĐQT, không chỉ đạo gì trong việc mua ụ nổi 83M. Việc mua ụ nổi hoàn toàn do bán giám đốc thực hiện. Bị cáo không nhận bất cứ đồng tiền nào từ Trần Hải Sơn trong việc mua ụ nổi 83M. Chỉ có 1 lần bị cáo nhận 1 chai rượu từ Trần Hải Sơn khi anh Sơn đến nhà chơi.

HĐXX hỏi, tại sao bị cáo không nhận tiền mà nộp hơn 4,7 tỷ đồng khắc phục hậu quả, bị cáo Dũng cho rằng số tiền đó là do gia đình bị cáo khắc phục hậu quả chung do hành vi của bị cáo trong việc mua ụ nổi 83M, chứ không phải bị cáo nộp lại tiền vì tội “Tham ô tài sản”. Bị cáo và Trần Hải Sơn chỉ có mối quan hệ bình thường. Sơn là tổng giám đốc của một công ty con của Vinalines. Mãi đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, bị cáo mới biết có khoản tiền 1,66 triệu USD (28 tỷ đồng) do Công ty AP chuyển lại cho Sơn trong việc mua ụ nổi 83M.

Sau khi cơ quan điều tra vào cuộc, do có người báo nên bị cáo đã bỏ trốn sang Campuchia. Bị cáo thừa nhận hành vi của mình là sai. “Nguồn tiền mua căn hộ cho cô Thảo ở Láng Hạ là do bị cáo lấy tiền của vợ để mua. Việc cô Thảo làm đơn cho rằng trong tổng số tiền mua căn nhà trên, cô Thảo có 600 triệu đồng là đúng. Bị cáo khẳng định mình không nhận đồng nào của anh Trần Hải Sơn”, bị cáo Dũng trình bày.

Trả lời VKS về việc nếu dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam được phê duyệt thì việc mua ụ nổi sẽ được tiến hành lúc nào? Bị cáo Dũng trả lời: “Nếu dự án được phê duyệt thì công đoạn mua ụ nổi 83M sẽ được tiến hành sau cùng. Tuy nhiên, do thấy ụ nổi này rẻ, tin tưởng anh em nên bị cáo đã đồng ý chủ trương cho anh em mua ụ nổi. Việc biết đến ụ nổi là do anh Trần Hải Sơn đề xuất, trong cuộc họp bị cáo đã hỏi anh Sơn là tại sao không mua ụ nổi trực tiếp Nga mà mua qua Công ty AP (Singapore), thì anh Sơn nói: ‘không mua được vì liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu với bên Nga nên phải mua qua Công ty AP’”.

Bị cáo Dũng khai tiếp: Bị cáo không làm việc trực tiếp với công ty của Nga và Singapore để đàm phán mua ụ nổi, bị cáo không nhận tiền “lại quả” 1,66 triệu USD và không biết việc Công ty AP chuyển 1,66 triệu USD qua Công ty Hải Hà (Công ty em gái của Trần Hải Sơn).

10h50: Tòa xét hỏi bị cáo Trần Hải Sơn, nguyên Phó Ban quản lý dự án, nguyên Tổng giám đốc Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines.

Bị cáo Trần Hải Sơn cho rằng lời khai của Dương Chí Dũng là không đúng. Bị cáo Sơn khai, bị cáo và lái xe đã đến khách sạn Victoria khoảng tháng 7 – 8 để đưa 5 tỷ đồng cho Dương Chí Dũng.

Bị cáo xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cả 2 tội Cố ý làm trái và tội Tham ô do bị cáo chỉ ký nháy. Sau khi mua ụ nổi 83M, Công ty AP có “lại quả” 1,66 triệu USD, nên anh Dũng, anh Phúc chỉ đạo bị cáo nhận tiền. Sau đó, bị cáo đã lập hợp đồng khống giữa Công ty AP (Singapore) và Công ty của em gái bị cáo để ông Goh, Công ty AP chuyển tiền vào tài khoản Công ty em gái bị cáo. Sau khi nhận tiền 1,66 triệu USD, bị cáo được anh Dũng chỉ đạo chia, anh Dũng 10 tỷ đồng, anh Phúc 10 tỷ đồng, anh Chiều 340 triệu đồng và còn lại bị cáo Trần Hải Sơn được 7,8 tỷ đồng (trong đó Sơn cho em gái Trần Thị Hải Hà 2 tỷ đồng, còn lại 5,8 tỷ đồng Sơn giữ lại chi tiêu cá nhân).

HĐXX hỏi, bị cáo chỉ nhận mình ký nháy mà còn được 7,8 tỷ đồng thì vai trò bị cáo trong việc mua ụ nổi là không hề nhỏ. Trong khi bị cáo Dũng và Phúc đều không nhận tội tham ô đã nhận 10 tỷ đồng do Trần Hải Sơn đưa sau khi được Công ty AP (Singapore) lại quả 1,66 triệu USD do mua ụ nổi 83M. HĐXX cho rằng, vai trò của bị cáo Sơn trong vụ mua ụ nổi 83M là rất tích cực và đã được chia tiền lại quả 7,8 tỷ đồng chỉ sau Dũng và Phúc.

11h20: Bị cáo Mai Văn Phúc khai rằng, chỉ đến khi bị bắt, bị cáo mới biết Vinalines làm trái với quy định của Nhà nước trong việc mua ụ nổi 83M. Bị cáo không biết dự án chưa được bổ sung và quy hoạch, chưa có quyết định phê duyệt cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Việc thành lập đoàn khảo sát là do bị cáo ký quyết định, đến khi đoàn khảo sát làm tờ trình báo cáo tình trạng về việc kiểm tra ụ nổi 83M do anh Trần Hữu Chiều gửi, anh Chiều cũng có báo cáo ụ nổi 83M rất xấu nhưng không có ụ nổi nào khác tốt hơn. Bị cáo không đàm phán với ông Goh để dàn xếp mua ụ nổi 83M, việc đàm phán mua, được lại quả bị cáo hoàn toàn không biết.

Việc tòa sơ thẩm quy kết cho bị cáo tội Cố ý làm trái là không đúng, tội của bị cáo chỉ là Thiếu trách nhiệm, bị cáo không phạm tội tham ô 10 tỷ đồng. Bị cáo chỉ nhận của Trần Hải Sơn một lần cuối năm 2008 là 1 chai rượu và 2 triệu đồng trong phong bì. Việc Sơn khai đưa tiền cho bị cáo 10 tỷ đồng và gặp con trai bị cáo ở nhà là không đúng vì lúc đó con trai bị cáo đang học ở nước ngoài, 1 con thì chỉ 10 tuổi. Bị cáo không đồng tình việc gia đình bị cáo nộp 3,5 tỷ đồng vì bị cáo không tham ô, không phạm tội cố ý làm trái.

11h45: Tòa tạm nghỉ.

14h: Phiên tòa tiếp tục.

Bị cáo Trần Hữu Chiều tiếp tục bị xét hỏi, tại Tòa bị cáo Chiều khai chỉ duy nhất 1 lần gặp ông Goh (Cty AP, Singapore) tại phòng làm việc của Vinalines. Bị cáo xin giảm nhẹ tội cố ý làm trái và miễn tội Tham ô. Việc mua ụ nổi bị cáo là trưởng ban quản lý nên khi được ủy quyền của anh Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc Vinalines nên bị cáo ký hợp đồng.

“Sau khi đi khảo sát tình trạng kỹ thuật của ụ nổi tại Nga, bị cáo có giao cho Khang và Sơn làm báo cáo gửi anh Phúc, bị cáo chỉ ký nháy vào biên bản này. Khi khảo sát, ụ nổi có một số chi tiết kỹ thuật hư hỏng, ụ nổi này không phải là tàu biển. Khi đưa ụ nổi về Việt Nam thì ụ này mới được cấp phép tạm thời. Trong khi khảo sát về bị cáo cũng đã báo cáo ụ nổi này vẫn là của Nga, sau đó bị cáo không biết là ai yêu cầu Vinalines lại mua ụ nổi 83M qua Cty AP (Singapore). Còn số tiền 340 triệu bị cáo Trần Hải Sơn đưa cho là do bị cáo hỏi vay Trần Hải Sơn 1 tỷ, sau khi đã vay tiền Trần Hải Sơn còn đưa tiếp cho bị cáo 340 triệu đồng và nói đây là khoản bồi dưỡng cho anh, chứ tôi không biết đó là tiền mua ụ nổi”, bị cáo Chiều khai.

Bị cáo chưa nộp tiền khắc phục hậu quả, mong HĐXX xem xét về trách nhiệm dân sự của bị cáo, vì đó là số tiền rất lớn.

14h 20: Tòa tiếp tục xét hỏi bị cáo Mai Văn Phúc, bị cáo mới về làm việc được 2 tháng, thì Vinalines đang triển khai dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, trong quá trình mua ụ nổi 83M thì các bộ phận tham mưu cho bị cáo. Khi anh Chiều trình thì tôi bảo, sai ụ nổi cũ thế, có ụ nào khác không nhưng anh Chiều bảo không có cái nào tốt hơn.

Về trách nhiệm bị cáo thấy mình có một phần trách nhiệm khi để xảy ra thất thoát tiền cho Nhà nước.

Vợ Dương Chí Dũng kháng cáo về nhà đất - 8

Bị cáo Mai Văn Phúc

Trả lời đại diện VKS về hành vi tham ô, trong khi Chiều và Sơn đã nhận tội này, bị cáo Phúc khai bị cáo không biết gì về việc ăn chia số tiền 1,66 triệu USD. Bị cáo Phúc khai lại, khi anh Chiều báo cáo bị cáo có hỏi là các anh đã đàm phán với công ty Nakhodka (Nga) để mua ụ nổi chưa thì anh Chiều bảo “Cty Nakhadka đã ủy quyền cho Cty AP của Singapore để ký hợp đồng mua bán ụ nổi 83M”.

Trong vụ mua ụ nổi 83M này bị cáo hiểu là mình không có sai phạm gì. Theo báo cáo của anh Chiều thì thủ tục đã đầy đủ các chữ ký của các bộ phận liên quan, bị cáo chỉ việc ký.

Tại tòa, bị cáo Trần Hải Sơn khai, lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại tòa sơ thẩm và tại phiên tòa hôm nay là hoàn toàn đúng sự thật, không có ai ép buộc bị cáo cả. Còn khi đi khảo sát tại Nga về thì anh Khang làm còn bị cáo chỉ bổ sung, nội dung trong báo cáo này có một số không trung thực. Bị cáo làm như vậy do anh Dũng, anh Phúc chỉ đạo bằng miệng khi bị cáo gặp là cố gắng mua bằng được ụ nổi 83M này qua Cty AP (Singare) chứ không mua của chính Cty Nakhadka (Nga).

14h50: Bị cáo Mai Văn Khang, thành viên ban quản lý dự án, đề nghị HĐXX minh oan vì cho rằng mình không phạm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không minh oan được thì mong tòa xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Khi tham gia đoàn khảo sát ụ nổi 83M tại Nga bị cáo chỉ làm công việc phiên dịch, bị cáo không có chức vụ gì. Tại Nga khi tham gia đoàn khảo sát bị cáo cũng được chứng kiến 1 phần nổi của ụ 83M. Khi về bị cáo chỉ ký vào văn bản những gì được dịch từ tiếng Anh ra.

Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi khi ụ nổi đã quá cũ, 42 năm rồi liệu có còn sử dụng được không, bị cáo Khang cố lý giải nếu được sửa chữa thì ụ nổi này vẫn sử dụng được. Trong vụ mua ụ nổi, bị cáo không có động cơ, mục đích gì cả. Việc mua ụ nổi 83M, khi đoàn khảo sát sang Nga thì anh Chiều cũng đã nói với Cty Nakhadka (Nga) muốn mua trực tiếp tại nhà máy, tuy nhiên do thủ tục mua bán rất phức tạp, lại phải xin Bộ Quốc phòng nên phải mua qua trung gian là Cty AP, còn giá cả mãi sau này bị cáo mới biết ụ nổi đó có giá 9 triệu USD.

Vợ Dương Chí Dũng kháng cáo về nhà đất - 9

Quang cảnh phiên tòa chiều nay, 22/4

15h15: Trả lời HĐXX bị cáo Lê Văn Dương (SN 1971, quê Hà Nam), Đăng kiểm viên, Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt thay cho việc kháng cáo kêu oan trước đó. Đến phía tòa này bị cáo vẫn khẳng định ụ nổi 83M không phải là tàu biển. Tuy nhiên, khi báo cáo bị cáo có nêu rõ việc, ụ nổi đã 42 năm theo quy định thì không đủ điều kiện để nhập khẩu, thêm vào đó máy phát điện hư hỏng nhưng sau đó bị cáo lại sửa chữa lại nội dung báo cáo.

15h40: Bị cáo Huỳnh Hữu Đức (SN 1965, quê Khánh Hòa), nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên Phó Chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa khai việc Vinalines nhập khẩu ụ nổi 83M để phục vụ việc sửa chữa tàu, theo quy định không phải có giấy phép của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên HĐXX đã đưa ra Điều 11, Luật hàng hải trong đó ghi rõ “... tàu biển bao gồm cả các ụ nổi cấu trúc di động...” thì ụ nổi 83M mà Vinalines đã nhập khẩu là tàu biển nên phải tuân thủ đầy đủ quy định về việc nhập tàu. Tại phiên tòa hôm nay bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Về trách nhiệm dân sự bị cáo phải bồi thường 9 tỷ đồng là quá lớn, mong HĐXX xem xét lại.

Bị cáo Lê Văn Lừng (SN 1959, quê Thanh Hóa), Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa khai, đến hôm nay bị cáo mới thấy việc làm của mình là sai. Khi kiểm tra ụ nổi tôi biết ụ nổi hư hỏng nhiều, han rỉ, không hoạt động được tôi đã báo cáo anh Đức, chi cục phó và cho làm thủ tục thông quan. Bị cáo xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt vì bản thân bị cáo đã có 12 năm trong quân đội, 6 năm bảo vệ Trường Sa, bố mẹ hơn 90 tuổi, vợ bị cáo đang bị ung thư, trong vụ mua ụ nổi của Vinalines bị cáo không có tư lợi gì. Bị cáo cũng xin giảm tiền bồi thường 9 tỷ đồng.

Tại tòa bị cáo Lê Ngọc Triện (SN 1964, quê Phú Yên), Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cũng như mức bồi thường 9 tỷ đồng. Bị cáo chỉ biết đây là ụ nổi, không phải tàu biển nên không cần giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận an toàn hàng hải. Xin Tòa giảm nhẹ hình phạt cũng như mức bồi thường vì bị cáo có anh trai là thương binh, bị cáo có bệnh nặng tái phát đi lại khó khăn.

Đại diện nguyên đơn dân sự của Vinalines cho biết hiện ụ nổi không thể khai thác được, chi phí neo đậu tại cảng Gò Dầu, Đông Nai mỗi tháng từ 800 đến 1 tỷ đồng/tháng. Đến nay, Vinalines đề nghị cho bán đề thu hồi vốn, tuy nhiên đây là tang vật vụ án nên phải chờ sau phán quyết của Tòa, tính đến nay khoản đầu tư ụ nổi lên đến 23,66 triệu USD, do hiện nay thị trường tàu biển không phát triển nên có phương án mua bán sắt vụn.

Tại Tòa, đại diện Cục đăng kiểm cho biết, ụ nổi 83M là tàu biển nên phải tuân thủ những quy định về nhập khẩu tàu biển.

16h50: Bà Phạm Thị Mai Phương (Vợ Dương Chí Dũng) trình bày, 2 căn hộ mà cô Thảo đứng tên đó là tiền của tôi mà anh Dũng chồng tôi lấy để mua cho cô Thảo. Hơn chục tỉ đồng, số tiền này tôi cầm của anh Vũ Tiến Sơn, nguyên phó phòng PC45, Công an Hải Phòng hiện đang thi hành án trong trại giam. Còn tiền ngôi nhà vợ chồng tôi bị kê biên ở Nguyên Hồng là tiền của mẹ chồng tôi cho.

Bà Ngô Thị Vân (vợ Mai Văn Phúc) trình bày, kháng cáo tòa sơ thẩm vì cho rằng ngôi nhà tòa kê biên vì ngôi nhà đó ½ số tiền mua là của tôi do làm ăn, nuôi lợn mà có, mua từ năm 1983.

17h15: Tại Tòa, đại diện Bộ Giao thông vận tải trình bày, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan soạn thảo ra Luật Hàng hải nên khẳng định, ụ nổi 83M không phải là tàu biển, ụ nổi không thể di động được mà phải có ca nô, tàu kéo mới đi được.

17h35: Tòa tạm nghỉ, 8h sáng 23/4 tòa tiếp tục...

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 12/2013, Tòa đã tuyên phạt các bị cáo với mức án:

Bị cáo Dương Chí Dũng (56 tuổi, quê Hải Dương), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải): tử hình

Bị cáo Mai Văn Phúc (56 tuổi, quê Hải Phòng), Nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT): tử hình

Bị cáo Trần Hải Sơn (53 tuổi, quê Hải Phòng), Nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines: 22 năm tù giam.

Bị cáo Trần Hữu Chiều (51 tuổi, quê Hà Nam), nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines: 19 năm tù giam.

Bị cáo Bùi Thị Bích Loan (50 tuổi, quê Hải Phòng), nguyên Kế toán trưởng Vinalines: 4 năm tù giam.

Bị cáo Mai Văn Khang (55 tuổi, quê Nghệ An), nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam: 7 năm tù.

Bị cáo Lê Văn Dương (43 tuổi, quê Hà Nam), Đăng kiểm viên, Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam: 7 năm tù giam.

Bị cáo Huỳnh Hữu Đức (48 tuổi, quê Khánh Hòa), nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên Phó Chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù giam.

Bị cáo Lê Ngọc Triện (49 tuổi, quê Phú Yên), Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù giam.

Bị cáo Lê Văn Lừng (54 tuổi, quê Thanh Hóa), Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù giam.

Về trách nhiệm dân sự, buộc các bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước gần 367 tỷ đồng. Kê biên 3 ngôi nhà của bị cáo Dương Chí Dũng tại Hà Nội; kê biên 1 ngôi nhà tại Quảng Ninh của bị cáo Mai Văn Phúc.

Ngay sau, phiên tòa sơ thẩm, Dương Chí Dũng và đồng phạm đã làm đơn kháng cáo gửi lên Tòa án Nhân dân Tối cao. Riêng bị cáo Bùi Thị Bích Loan (SN 1960, quê Hải Phòng), nguyên Kế toán trưởng Vinalines, không kháng cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Vụ án Dương Chí Dũng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN