Vỡ đập tại Quảng Ninh: Không có thiệt hại về người

Đến 11h ngày 30/10/2014, mực nước trong đầm Hà Động và sông Đầm Hà đã rút, các vùng hạ lưu không còn bị ngập và không có thiệt hại về người.

Tỉnh Quảng Ninh vừa có báo cáo nhanh về sự cố vỡ đập phụ xả lũ tại đầm Hà Động huyện Đầm Hà, tính đến 15h30 ngày 30 /10/2014.

Tỉnh Quảng Ninh cho biết, vào khoảng 4h30 phút sáng 30/10 do mưa lớn, nước trong đầm Hà Động dâng cao vượt đường tràn đập từ 1m đến 1,5 m, gây lũ và vỡ khoảng trên 50 m đập tràn xả lũ (đập phụ số 2) và gây xói sạt lở nhiều điểm của mái thân đập chính phía hạ lưu và đường lên đập chính.

Vỡ đập tại Quảng Ninh: Không có thiệt hại về người - 1

Vỡ đập phụ và mưa lớn kết hợp với triều cường đã làm cho khu vực hạ lưu (xã Quảng Tân và Thị Trấn) thuộc huyện Đầm Hà bị ngập.

Do vỡ đập phụ và mưa lớn kết hợp với triều cường đã làm cho khu vực hạ lưu (xã Quảng Tân và Thị Trấn) thuộc huyện Đầm Hà bị ngập.

Tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngay khi xảy ra sự cố huyện Đầm Hà đã huy động lực lượng tập trung di toàn bộ 88 hộ dân (gần 400 người) ở vùng trũng đến nơi an toàn.

Ông Đặng Huy Hậu – Phó chủ tịch UBND Tỉnh và 300 cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, thanh niên xung kích và các trang thiết bị máy móc chuyện dụng để khắc phục hậu quả do lũ gây ra tại Đầm Hà Động.

Đến 11h ngày 30/10/2014, mực nước trong đầm Hà Động và sông Đầm Hà đã rút, các vùng hạ lưu không còn bị ngập và không có thiệt hại về người.

Hiện nay các lực lượng đang tích cực triển khai công tác khắc phục sự cố sạt lở do lũ gây ra tại đầm Hà Động.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh nhiều nơi có vừa đến mưa to gây ngập úng cục bộ nhiều nơi; do biến đổi của khí hậu nên trong những tháng cuối năm thời tiết tiếp tục có thể xảy ra những bất lợi như mưa dông nhiều nơi, nhất là các khu vực miền núi và khu vực miền Đông của Tỉnh.

UBND Tỉnh đã ban hành Công điện yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra rà soát và triển khai ngay các phương án phòng chống mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, khu mỏ và các khu đô thị.

Sẵn sàng phương án sơ tán dân khỏi những nơi nguy hiểm có khả năng bị sạt lở đất đá, lũ quét, nước biển dâng. Thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân trong các vùng có nguy cơ nêu trên.

Kiểm tra, triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn các trọng điểm xung yếu trên hệ thống các hồ đập, các sông suối, các công trình đang thi công để có phương án xử lý đảm bảo an toàn. Chuẩn bị các lực lượng, vật tư, thiết bị tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra; chú trọng khơi thông các dòng chẩy ở khu đô thị, khu khai trường mỏ, khu dân cư và sông suối tiêu thoát nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D. Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN