Vỡ đập Sông Tranh 2 sẽ cuốn trôi 31.000 dân
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nếu vỡ đập Thuỷ điện Sông Tranh 2 sẽ có hơn 31.000 dân của 4 huyện của Quảng Nam bị ảnh hưởng, trong buổi đối thoại trực tuyến về chủ động ứng phó với thiên tai diễn ra ngày 14/10.
Hôm qua (14/10), tại TP.Đà Nẵng, đã diễn ra buổi đối thoại trực tuyến chủ động ứng phó với thiên tai, chú trọng đến sự cố vụ Thuỷ điện Sông Tranh 2.
Tại đây, nhiều vấn đề đặt ra với Thuỷ điện Sông Tranh 2 về các phương án chủ động ứng phó, phương án di dời dân xung quanh khu vực Thuỷ điện Sông Tranh 2 và vùng hạ du sông Thu Bồn mùa mưa bão năm 2012.
Đại diện chính quyền Quảng Nam, ông Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh, hiện mực nước đập Thuỷ điện Sông Tranh 2 đã ở 140m, nhưng cơn bão số 7 đã làm dâng lên 6m nữa. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã báo cáo, ngay sau đó mực nước đã được hạ về mực nước chết 140m. “Tôi cho rằng ứng xử như vậy là an toàn, nhưng với sự chỉ đạo của Quân khu V, Quảng Nam đã xây dựng phương án di dời dân trong tình huống vỡ đập Thuỷ điện Sông Tranh 2.
Ngoài ra, Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã giao cho các BQL thuỷ điện, kể cả Thuỷ điện Sông Tranh 2 xây dựng phương án phòng chống lụt bão và có kịch bản trong trường hợp vỡ đập. Theo thống kê 4 huyện Bắc Trà My, Nông Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức của Quảng Nam có hơn 31.000 dân bị ảnh hưởng nếu vỡ đập Thuỷ điện Sông Tranh 2. Cụ thể huyện Bắc Trà My là 12.000 dân, huyện Hiệp Đức là 13.000 dân, các huyện khác một vài nghìn dân. Trước tình hình này, chúng tôi đã lên phương án sơ tán, có sự cố sẽ lên điểm cao cỡ 170m và các điểm cao đã được định vị, quy hoạch, và đường cơ động có cự ly là 1,2-2,2km, rất thuận lợi vì bám vào các trục đường chính”, ông Quang cho biết.
Thuỷ điện Sông Tranh 2 vỡ đập sẽ làm ảnh hưởng đến sinh mạng hơn 31.000 dân Quảng Nam
Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu V, Trưởng Ban phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn Quân khu V cho biết, về vùng núi và khu vực Thủy điện Sông Tranh 2, Bộ Tư lệnh Quân khu đã cử 2 đoàn khảo sát cụ thể. Các nhà khoa học, chính quyền và đơn vị thi công, giám sát đều khẳng định đập an toàn, nhưng do động đất nhiều nên Bộ Tư lệnh vẫn xây dựng phương án ứng phó, đảm bảo đối phó với tình huống xấu nhất, mặc dù xác suất vỡ đập là rất nhỏ. Tôi xin khẳng định là cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang luôn sát cánh với người dân trong mọi tình huống. Với các đập khác trong vùng, cũng phải nghiên cứu các phương án ứng phó, lực lượng quân đội sẽ tham gia nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, phòng chống lụt bão, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Đại diện chủ đầu tư Thuỷ điện Sông Tranh 2, ông Trần Văn Được, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, để tránh tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân, Viện Vật lý địa cầu sẽ tiếp tục nghiên cứu về động đất tại khu vực Thuỷ điện Sông Tranh 2. Về mặt kỹ thuật Thuỷ điện Sông Tranh 2 hoàn toàn yên tâm, chịu được động đất 5,5 richter, còn với động đất cấp 9 richter đến 10 richter không dám khẳng định.