Vợ chồng ở Huế tiết lộ lý do chi hơn 3 tỷ đồng xây lăng mộ cho mình
Với quan niệm "sống nhà, thác mồ", hai vợ chồng ở Thừa Thiên Huế không ngần ngại bỏ hơn 3 tỷ đồng, dựng "bia sống" và xây lăng mộ cho mình.
Cách trung tâm TP Huế khoảng 33km, làng An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) từ lâu được nhiều người biết đến là “thành phố lăng mộ” bởi những công trình lăng mộ được xây dựng hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Một góc "thành phố lăng mộ" làng An Bằng. Ảnh: Nguyễn Phong
Những ngày qua, câu chuyện về đôi vợ chồng gần 90 tuổi ở ngôi làng này chi hơn 3 tỷ đồng để xây dựng lăng mộ cho mình khiến dư luận, mạng xã hội “dậy sóng”.
Có thể nói, những khu lăng mộ tiền tỷ tại nghĩa địa làng An Bằng không hiếm, nhưng việc đôi vợ chồng ở tuổi “gần đất xa trời” bỏ ra số tiền lớn để dựng “bia sống” cho mình khiến nhiều người tò mò.
Theo đó, khu lăng mộ có quy mô lớn, bề thế được xây dựng ngay mặt tiền một con đường vào khu nghĩa địa làng An Bằng.
Khu lăng mộ này được xây dựng trên phần diện tích khoảng 250m2 với các bậc cấp trước lăng, 4 cặp trụ biểu (8 cột), tượng Phật, nhà bia và bình phong ở phía sau. Ảnh: QT
Tại các trụ biểu và tường rào bao quanh, chủ nhân cho trang trí đắp nổi hình linh vật rồng, phượng, cảnh quan sông núi, hoa lá; tầng trên của nhà bia và bình phong đều được lợp ngói đỏ, trang trí nhiều màu sắc.
Điều đặc biệt, mặc dù bên trong lăng chưa có mộ phần nhưng chủ nhân đã “chu đáo” dựng trước một tấm “bia sống”, khắc thông tin chi tiết của người tạo lập mộ.
Người dân địa phương cho biết, khu lăng nguy nga nói trên là của vợ chồng ông Hồ Văn Thiết (87 tuổi) và bà Văn Thị Thuận (86 tuổi, cùng trú làng An Bằng).
Theo ông Thiết, khu lăng mộ của ông bà được lên ý tưởng, thiết kế và bắt đầu xây dựng từ năm 2021, đến năm 2023 hoàn thành.
“Năm 2021, tôi cùng con cháu trong nhà lên ý tưởng, tự thiết kế rồi kêu thợ về xây. Quá trình xây dựng kéo dài và đến năm 2023 thì hoàn thành. Để hoàn thiện công trình, gia đình tiêu tốn hơn 3 tỷ đồng”, lời ông Thiết.
8 trụ biểu lớn được khảm sành và đắp nổi linh vật làm tăng độ hoành tráng của khu lăng mộ. Ảnh: QT
Ông bà Thiết sinh ra và lớn lên tại vùng quê ven biển huyện Phú Vang với công việc thường ngày là chài lưới và có cuộc sống khó khăn.
Sau khi kết hôn, ông bà sinh được 9 người con. Do cuộc sống ở quê nghèo vất vả, 9 đứa con ông bà lần lượt xuất ngoại và định cư ở Mỹ. Có thời gian, ông bà sang Mỹ sống với con cháu nhưng thấy không hợp nên đã trở về quê hương.
Bức khảm được các thợ kép thực hiện với tiểu cảnh "cây đa, giếng nước, sân đình" theo ý tưởng của gia chủ. Ảnh: QT
“Các con ở Mỹ hiện có điều kiện kinh tế khá giả, thỉnh thoảng về thăm quê và gửi tiền về phụng dưỡng cha mẹ.
Khi hay tin vợ chồng tôi dự định xây lăng mộ cho mình, mỗi người con gửi về 5.000 Đô la Mỹ để cha mẹ trang trải kinh phí xây dựng, phần chi phí còn lại là số tiền vợ chồng tôi tích góp nhiều năm”, ông Thiết chia sẻ.
Lý giải về việc ở tuổi “gần đất xa trời”, ông bà bỏ kinh phí hơn 3 tỷ đồng để xây lăng mộ cho mình, ông Thiết cho rằng, cũng như nhiều người dân địa phương, ông bà quan niệm, “sống cái nhà, thác cái mồ” - mồ mả cũng quan trọng như nhà cửa vậy nên phải xây dựng hoành tráng.
Vợ chồng ông Thiết bên khu lăng mộ được chuẩn bị cho mình. Ảnh: NM
Chia sẻ với VietNamNet, ông Phạm Phụng - Chủ tịch UBND xã Vinh An cho biết, không chỉ gia đình ông Thiết, nhiều người dân làng An Bằng khi có điều kiện đều tự xây dựng lăng mộ cho gia đình và người thân.
“Khu nghĩa địa An Bằng có diện tích khoảng 60ha và những năm gần đây, người dân chỉ cải tạo trên phần mộ cũ chứ ít xây dựng mới.
Thời gian qua, chính quyền luôn vận động, kêu gọi người dân không cơi nới lăng mộ, thực hiện nếp sống văn minh mới, sử dụng phương án hỏa táng khi có người thân qua đời nhưng do phong tục của người dân nên cũng khó”, ông Phụng chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều di tích lịch sử, kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô được giữ gần như nguyên trạng sau trăm năm sử dụng, trong đó có công trình của người...