Vợ chồng già thành đại gia khi vét sạch túi mua… 2 vé số

Sống bên nhau gần hết cuộc đời, cặp vợ chồng già ấy vẫn phải động viên nhau chạy ăn từng bữa. Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng hàng ngày, trong lúc cụ bà cặm cụi cắt lục bình thì cụ ông lúi húi đi quăng lưới thuê trên sông, mong kiếm từng đồng bạc lẻ. Trong cơ bĩ cực, vận may bất ngờ “gõ cửa” tìm đến hai vợ chồng già. Vậy là từ chỗ cơ cực bần hàn, hai người đã kiến lập cho mình cả một cơ ngơi khang trang, lo được cho con cái một cuộc sống đầy đủ, ổn định.

Cả xóm trúng độc đắc

Trao đổi với chúng tôi, ông Thuận, Trưởng ấp Đông Thạnh cho biết: “Dịp cụ Bình trúng số thì trong ấp này còn có 5 gia đình khác nữa, mỗi nhà đều được lĩnh 1,5 tỷ đồng. Nhưng trong 6 gia đình may mắn trúng độc đắc, duy chỉ có nhà cụ Bình thuộc diện hộ nghèo. Nhờ chi tiêu hợp lý khoản tiền trúng số bạc tỷ, cụ Bình không những thoát nghèo, có của ăn của để mà còn tích cực tham gia quyên góp xây dựng địa phương. Chứng kiến toàn bộ hành trình may mắn của gia đình cụ, người dân cả ấp, cả xã chúng tôi ai cũng vui mừng”.

Nghèo khổ cả đời vẫn nghĩa hiệp

Ở ấp nghèo Đông Thạnh (cù lao Tân Thuận Đông, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), câu chuyện trúng số bạc tỷ rồi nhờ đó thoát nghèo của hai vợ chồng cụ Lê Văn Bình (82 tuổi) – Trương Thị Be (80 tuổi) đã trở thành một giai thoại đẹp. Chuyện của hai cụ nổi tiếng đến nỗi, khi chúng tôi tìm về địa phương hỏi thăm, đám trẻ đang chạy chơi lập tức bỏ ngang, dẫn phóng viên đến tận cổng ngôi nhà khang trang, nằm sâu trong con hẻm cạnh UBND xã. Ngôi nhà ấy chính là minh chứng cho cuộc đời của cặp vợ chồng tuổi đã ngoại bát tuần.

Rót chén trà thơm mời khách, cụ Bình nhẩn nha kể, thời trẻ vì gia cảnh khó khăn nên mãi đến năm 31 tuổi, cụ mới lấy được vợ. Dù tâm đầu ý hợp, chuyện tình cảm hết sức viên mãi nhưng hai vợ chồng lam lũ tích cóp nhiều năm vẫn chẳng cất nổi mái nhà vững chãi. 50 năm tay ấp má kề, hai cụ có với nhau ba mặt con, hai trai một gái. Cả mấy người con, hai cụ cũng chẳng cho ai ăn học được bằng chúng bạn, Thời kỳ đất nước chưa giải phóng, cụ gia nhập dội du kích đi chiến đấu. Chỉ còn một mình, cụ Be ra sức vun vén và ngày hai bữa cơm vẫn thiếu trước hụt sau.

Vợ chồng già thành đại gia khi vét sạch túi mua… 2 vé số - 1

Vợ chồng cụ Bình kể cho Pv câu chuyện gia đình mình. Ảnh: T.G

Hòa bình lập lại, cụ Bình trở về cùng vợ chia sẻ nỗi cực nhọc, chăm chút cho con cái. Nhưng trong tay không có tri thức, không thành thạo nghề nghiệp, hai vợ chồng cụ đành phải thức khuya dậy sớm đi làm thuê, làm mướn cho người ta. Những lúc nông nhàn, cụ Bình lại xin gia nhập đám thuyền chài đi thả lưới trên sông. “Công việc ấy vất vả lắm mà công xá chẳng đáng là bao. May mắn thì những hôm bắt được nhiều cua, nhiều cá, chủ thuyền họ cho mình chút đỉnh, mang về nhà phụ vợ cải thiện bữa cơm gia đình. Còn vợ tôi, trong lúc chồng đi quăng lưới, bắt cua cá, bả lại lôi sông vớt đám lục bình mang về bán cho những người nuôi gia cầm hay ủ đắp đất vườn. Công việc chỉ có thế thì hỏi sao, đám con mãi nheo nhóc, chẳng đứa nào được học cái chữ cho đến nơi đến chốn”, cụ Bình chặc lưỡi kể.

Thời gian cứ thế thấm thoắt trôi đi. Sau 50 năm đầu tắt mặt tối, gia cảnh của vợ chồng cụ Bình vẫn chẳng cải thiện được chút nào. Đất nước mở cửa, kinh tế thị trường ngày càng năng động. Những người dân trong khu cù lao Tân Thuận Đông nhiều người đã có của ăn, của để, sắm sửa xe máy, ti vi phục vụ cuộc sống.

Thế nhưng, nơi chui ra chui vào của hai cụ và các con vẫn chỉ là túp lều rách nát mà chính cụ Bình nói vui: “Đêm nằm ngửa mặt ngắm trăng sao”. Tuổi già lấy đi sức khỏe và mang về bệnh tật. Song đã nhiều lần, hai cụ phải chấp nhận nằm đắp chăn, uống nước lọc cho quên đi đói khát, mệt nhọc nếu chẳng may không thể gượng dậy đi làm. Rồi khi Tết đến xuân về, hai cụ chẳng dám mua sắm vật dụng gì. Chút tiền dành dụm được, hai người phải để cho đàn con lận lưng, ra Tết rời nhà đi tha phương cầu thực kiếm ăn. “Rồi thì các con đến tuổi lập gia đình, chúng tôi cũng phải đi vay nợ để tổ chức.

Sau đám cưới, chẳng những không cho con được chút vốn liếng gì, hai vợ chồng già lại còn phải đi làm cật lực để kiếm trả. Nhiều người thương tình nên cho khất mà không đòi lời lãi, số khác thì nếu có công chuyện lại thuê chúng tôi để trừ dần cho. Những ký ức mặn đắng ấy, cho đến hết cuộc đời này tôi cũng không thể nào quên được”, cụ Bình hồi tưởng.

Số phận run rủi, dù nghèo mạt, bế tắc, hai vợ chồng cụ Bình lại có tính “thoáng” với những bà con… cùng hoàn cảnh. Cạnh xóm hai cụ có một người bán vé số đã ngoài 70, hoàn cảnh cũng neo đơn. Nhiều lần trò chuyện hay đơn giản là ông lão xóm bên ghé lại trú mưa, cụ Bình cũng móc túi lấy vài đồng bạc lẻ mua giúp 2 tờ vé số. “Thấy ông ấy tội nghiệp nên chúng tôi đùm bọc vậy. Nhiều lúc, bỏ ra 10.000 đồng mua 2 tờ vé số là trong nhà hết sạch tiền. Nhưng hai vợ chồng tôi lại nghĩ: “Dẫu sau mình còn có một gia đình. So với người ta, mình còn may mắn chán”.

Nghĩ rồi, hai vợ chồng lại tặc lưỡi. Nói thật, chúng tôi mua vé số không phải vì ham giải thưởng gì cả. 7 năm trời mua cả đống vé số, vợ chồng tôi cứ tâm niệm: Nếu trúng cũng chẳng đến lượt mình. Ngờ đâu hôm ấy, khi bác bán vé đi qua và báo cả xóm trúng độc đắc, tôi mớ biết một trong hai tờ vé số mình mua hồi chiều đã trúng giải 1,5 tỷ đồng”, cụ Be cười hóm hỉnh.

Vươn lên thoát cảnh bần hàn

Suốt đêm đầu tiên ông lão xóm bên báo tin trúng độc đắc, vợ chồng cụ Bình mất ngủ. Đám lục bình vớt dở hồi chiều, hai cụ vứt chỏng chơ ở một góc sân, chẳng buồn đem xếp để hôm sau đi bán như mọi ngày. Dưới mái lều rách nát, cụ ông bật đèn soi đi soi lại dãy số độc đắc. Soi rồi, cụ bà lại giục cụ ông gấp cẩn thận, mang bọc vào túi nilong và đặt dưới gốc. Bên ngoài cù lao, tiếng ếch kêu văng vẳng. Bên trong lều, hai vợ chồng cụ rủ rỉ hẹn nhau ngày mai sẽ sang hàng xóm nhờ điện thoại gọi các con về lĩnh khoản tiền trúng số khổng lồ.

Vợ chồng già thành đại gia khi vét sạch túi mua… 2 vé số - 2

Ngôi nhà hiện nay của vợ chồng cụ Bình

Những dự định sau khi trở thành tỷ phú được hai cụ thực hiện môt cách cẩn trọng, không phung phí. Sau khi tìm đến ông lão bán vé số xóm bên, giúp đỡ vị “thần tài” này một khoản lấy lộc, hai cụ trích ra số tiền trả nợ những người từng giúp mình lúc cơ hàn. Để ổn định cuộc sống, cụ Bình lại đứng lên thuê thợ phá túp lều để xây dựng căn nhà ba gian rộng rãi, tiện nghi.

Tâm sự cùng người viết, cụ Bình bảo: “Nếu không trúng số, chắc đến lúc xuống mồ, tôi cũng chẳng dám mơ xây dựng được ngôi nhà trị giá 500 triệu đồng. Chi phí tuy tốn kém thật, nhưng tôi thấy vui bởi đã làm xong chỗ an cư cho hai vợ chồng, cho các con cháu vào những ngày cuối đời”. Khi cắt băng khánh thành ngôi nhà, cụ Bình đưa gia đình người con trai cả về chung sống. Hai người con khác đang làm việc tại Bình Dương, cụ cũng đầu tư tiền mua cho xe cộ đi lại và một khoản tiền. Phần còn lại, hai cụ không dám tiêu phung phí mà gửi hết ngân hàng.

Một bước đổi đời, từ nghèo mạt rệp thành tỷ phú nổi tiếng đất cù lao, hai vợ chồng cụ vẫn giữ nếp sống giản dị ngày xưa. Không còn phải cực nhọc đi vớt lục bình, cụ Be hàng ngày phụ chồng chăm chút cho vườn trái cây sau nhà kiếm thêm thu nhập. Mọi khoản tiền các con gửi về, hai cụ cất giữ cản thận, không tiêu phạm vào một đồng nào. “Cuộc sống tốt lắm rồi, không mong gì hơn nữa. Nhưng đời các con, các cháu còn dài. Bởi vậy, tiết kiệm mọi khoản để cho chúng nó về sau”, cụ Be bộc bạch.

Nhớ về những ngày tháng cơ cực trước kia, anh Lê Thanh Tuấn (35 tuổi), người con đành ở cùng vợ chồng ông Bình cho hay, mọi chuyện ngỡ như một giấc mơ. Hàng chục năm trời cố gắng làm lụng cật lực vẫn không thoát kiếp nghèo, vậy mà chỉ trong phút chốc, cả nhà anh đã đổi đời, có tiền xây nhà, tích lũy cho tương lai. “Trước kia, thu nhập eo hẹp, ăn bữa nay lo bữa mai. Nhà có 5 nhân khẩu nhưng không có đất trồng lúa, đất vườn thì quá nhỏ, không đủ canh tác. Nhiều lúc thấy cha mẹ tuổi gần đất xa trời phải đi làm thuê, tụi tôi thương đến rớt nước mắt. Thế rồi đùng một cái, nghe tin trúng số, tôi phụ ba đi lĩnh thưởng tiền tỷ mà vẫn không sao tin nổi”, anh Tuấn nghẹn ngào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Huấn (Đời sống & Hôn nhân)
Hậu vận của những người bỗng dưng thành tỷ phú Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN