Vợ chồng đấu giá biển số đẹp 5 tỉ đồng, ly hôn chia tài sản thế nào?

Sự kiện: Thời sự

Đó là vấn đề được đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đặt ra tại buổi thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá

Ngày 26-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Tại tổ TP HCM, nhiều vấn đề đã được các đại biểu đặt ra khi thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.

Đại biểu Dương Ngọc Hải phát biểu tại thảo luận tổ ngày 26-10

Đại biểu Dương Ngọc Hải phát biểu tại thảo luận tổ ngày 26-10

Đại biểu Dương Ngọc Hải băn khoăn về yếu tố công bằng khi triển khai đấu giá biển số ôtô. Theo ông Hải, trên thực tế, nhiều người muốn sở hữu biển số đẹp nhưng không có tiền để đấu giá, nhưng họ vẫn hy vọng khi bấm chọn ngẫu nhiên, họ vẫn được một biển số xe ưng ý, số đẹp.

"Bây giờ chúng ta quy định đấu giá, thì những người có tiền mới đấu giá, những người còn lại không bao giờ có điều kiện để sở hữu một biển số đẹp"- đại biểu Dương Ngọc Hải nêu và đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý.

Bên cạnh đó, vị đại biểu đoàn TP HCM cho rằng các nội dung trong Nghị quyết cần đảm bảo tương thích với các quy định pháp luật khác. "Dự thảo Nghị quyết đưa ra quy định bắt buộc trong vòng 12 tháng, người trúng đấu giá phải thực hiện thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe để gắn biển số với xe. Quá thời hạn nêu trên mà người trúng đấu giá không đăng ký biển số đó gắn với xe thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi biển số trúng đấu giá"- ông Hải nêu và cho rằng chưa có sự tương thích với quy định hiện hành về quyền sở hữu tài sản, quy định trong Luật Dân sự.

Đại biểu Dương Ngọc Hải cho rằng có thể vì những điểm chưa tương thích này nên Chính phủ trình Quốc hội xin cơ chế thí điểm để đảm bảo công tác quản lý, tránh trường hợp hình thành những nhóm chuyên đi đấu giá, bán lại để trục lợi. Đại biểu Hải kiến nghị Quốc hội xem xét quyết định thời gian thí điểm càng ngắn càng tốt để sớm hoàn thiện quy định, tương thích với pháp luật hiện hành.

Đối với mức giá khởi điểm, đại biểu Dương Ngọc Hải đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, không cần quy định Vùng 1, Vùng 2 và xem lại mức giá khởi điểm cho phù hợp. Hiện nay, cơ quan soạn thảo đang đề xuất giá khởi điểm Vùng 1 (Hà Nội, TP HCM) là 40 triệu đồng, Vùng 2 là các địa phương còn lại, mức 20 triệu đồng.

Góp ý về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) nhấn mạnh số xe được xác định là tài sản công, coi đó là phương tiện quản lý của Nhà nước, do đó không được chuyển nhượng, thừa kế số xe đó.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

"Tuy nhiên, khi chúng ta xây dựng dự thảo Nghị quyết này, đã đặt ra vấn đề về đấu giá tài sản công. Trên thực tế hiện nay, luôn có một lực lượng chuyên chi phối các cuộc đấu giá, không ít cán bộ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đấu giá đã vi phạm pháp luật"- ông Nghĩa nêu thực tế.

Khi đặt vấn đề đấu giá quyền sử dụng biển số ôtô, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng đã tạo ra một thị trường, biển số xe từ chỗ không là tài sản công, phục vụ công tác quản lý, thì bây giờ có thể có giá lên tới vài tỉ đồng, hoặc hơn. Do đó, ông Nghĩa đề nghị khi đã tạo ra thị trường thì cần có phải có quy định chặt chẽ để quản lý, bởi tài sản còn liên quan đến vấn đề chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng.

Theo đại biểu Nghĩa, hiện dự thảo Nghị quyết đang quy định đơn giản là người trúng đấu giá cũng được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình; người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác; không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.

Vị đại biểu cho rằng, việc đấu giá quyền sử dụng biển số ôtô còn liên quan đến tài sản vợ chồng và rất nhiều vấn đề khác. "Vợ chồng bỏ ra 5 tỉ để đấu giá lấy một biển số ôtô, thì khi ly hôn chia tài sản như thế nào"- ông Nghĩa đặt vấn đề.

Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo thận trọng, nếu các nội dung trong dự thảo chưa ổn thì không vội, phải chặt chẽ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) đặt vấn đề với những người dân bình thường không đấu giá thì thì quyền của người dân như thế nào? "Nếu chúng ta đưa hết những số trong kho số dự kiến cấp trong thời gian nhất định lên mạng thì trong thời gian đó những người không muốn đấu giá, muốn bấm biển số bình thường thì thực hiện ra sao. Làm thế nào để không ảnh hưởng tới quyền của người dân, còn nếu chọn số đưa lên kho số thì tiêu chí như thế nào?" - đại biểu Phương băn khoăn.

Về thời gian sở hữu chờ biển số chưa gắn với xe, đại biểu Phương cho rằng chỉ nên quy định trong thời gian 6 tháng, quy định như 12 tháng hiện nay là hơi dài. Về giá khởi điểm, đại biểu cho rằng nên có mức giá khởi điểm cho toàn quốc. Giá khởi điểm nên cao hơn hiện tại, có thể là khoảng 10% giá trị xe, trung bình khoảng 80 triệu đồng. Bởi theo vị đại biểu, muốn có biển số theo nhu cầu thì phải trả giá cao hơn.

Người trúng đấu giá được giữ lại biển số đẹp khi bán xe

Biển số không được lựa chọn để đấu giá, biển số qua cuộc đấu giá không thành sẽ chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo quy định của Bộ Công an.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến - Văn Duẩn ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN