VN xếp áp chót trong bảng "Chỉ số tử tế" toàn cầu

Bảng xếp hạng "Chỉ số tử tế" toàn cầu được công bố nhằm đánh giá mức độ đóng góp của các nước cho thế giới.

Ngày 24/6, tại thủ đô Berlin của Đức, chuyên gia tư vấn chính sách Simon Anhold đã công bố bảng xếp hạng “Chỉ số tử tế” toàn cầu sau 2 năm thu thập dữ liệu của 125 quốc gia để xác định xem các quốc gia này đóng góp như thế nào cho thế giới.

Theo bảng xếp hạng mà ông Anhold công bố, Ireland được coi là quốc gia “tử tế” nhất hành tinh, xếp ở vị trí thứ nhất, tiếp sau đó là Phần Lan, Thụy Sĩ, Hà Lan và New Zealand. Mỹ, quốc gia được coi là cường quốc số một thế giới chỉ được xếp ở vị trí 21 trong bảng này.

VN xếp áp chót trong bảng "Chỉ số tử tế" toàn cầu - 1

Chuyên gia tư vấn chính sách Simon Anhold

Trong số 125 quốc gia được xếp hạng, Việt Nam được Anhold xếp ở vị trí áp chót, chỉ cao hơn Lybia, và thấp hơn một bậc so với Iraq – nước đang trải qua một cuộc khủng hoảng tồi tệ.

Ông Anhold cho biết: “Trong bảng xếp hạng của tôi, từ 'tử tế' ở đây không bao hàm ý nghĩa về đạo đức hay đạo lý. Một quốc gia được coi là tử tế dựa trên mức độ đóng góp cho thế giới.”

Ông Anholt xác định mức độ “tử tế” của các quốc gia bằng cách xem xét các số liệu thống kê trong bảy lĩnh vực khác nhau, gồm khoa học và công nghệ, trật tự thế giới, thịnh vượng và bình đẳng, sức khỏe với phúc lợi, văn hóa, và hòa bình an ninh quốc tế.

Trong mỗi lĩnh vực này lại có tới 5 tiêu chí đánh giá khác nhau. Ông Anholt giải thích: “Chẳng hạn như trong lĩnh vực trật tự thế giới. Lĩnh vực này có 5 tiêu chí như đất nước này đóng góp cho từ thiện và phát triển ở nước ngoài bao nhiêu, tỉ lệ tăng trưởng dân số thế nào, phê chuẩn và tham gia các công ước Liên Hợp Quốc ra sao.”

VN xếp áp chót trong bảng "Chỉ số tử tế" toàn cầu - 2

Việt Nam xếp áp chót trong bảng xếp hạng "Chỉ số tử tế" toàn cầu

Ông Anhold nói rằng bảng xếp hạng này được đưa ra nhằm mục đích khuyến khích các “quốc gia bình thường” tự coi mình là một thành viên của cộng đồng quốc tế chứ không phải là một đất nước riêng lẻ.

Ông này cho rằng kiểu tư duy “chỉ biết đến mình” chỉ đem lại sự bất lợi, và ông đưa ra một câu chuyện hài hước để minh họa cho điều này. Ông kể: “Một con gà trong một ngôi làng ở Trung Quốc bị cúm. 20 năm trước, đó chỉ là tin xấu cho con gà và gia đình của nó, thế nhưng ngày nay nó đe dọa đến sự sống còn của cả nhân loại vì quá trình toàn cầu hóa.”

Chuyên gia tư vấn này giải thích thêm: “Ngày nay, các quốc gia ngày càng phát triển hơn, nhưng thế giới và hành tinh này cùng toàn thể nhân loại trên đó thì ngày càng trở nên tệ hại hơn. Việc các nước chỉ chăm chăm chú trọng vào bản thân mình có thể dẫn đến tình trạng ích kỷ không vì cộng đồng quốc tế.”

Tuy nhiên, bảng xếp hạng này chỉ là đánh giá chủ quan của riêng chuyên gia tư vấn Anhold mà không thông qua bất cứ một tổ chức chuyên xếp hạng, đánh giá có uy tín nào, nên nó chỉ có giá trị về mặt tham khảo. Ngoài ra, một số người cũng tỏ ra hoài nghi về cách thức chấm điểm và xếp hạng của chuyên gia này, đồng thời cho rằng nó không phản ánh đúng thực tế đang diễn ra tại một số quốc gia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Economist) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN