"VN không phải dẫn độ tiếp viên VNA sang Nhật"

Theo Luật Tương trợ tư pháp, Việt Nam không có trách nhiệm phải dẫn độ phi công và các tiếp viên nếu Nhật Bản yêu cầu.

Liên quan vụ nữ tiếp viên Vietnam Airlines (VNA) bị bắt, mới đây, có thông tin cho rằng cơ quan pháp luật của Nhật Bản đề nghị Việt Nam dẫn độ 5 thành viên tổ bay của VNA để phục vụ điều tra.

Tuy nhiên, trả lời chúng tôi, một số luật sư cho rằng, Việt Nam không có trách nhiệm phải thực hiện yêu cầu này của nước bạn. Việt Nam cũng chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp hay hiệp định dẫn độ với Nhật Bản.

Theo Luật Tương trợ tư pháp, "dẫn độ" là chuyển giao người có hành vi phạm tội cho nước khác để truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan tố tụng của Việt Nam có thể dẫn độ người nước ngoài phạm tội đang ở trên lãnh thổ Việt Nam cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự. Việt Nam từ chối dẫn độ khi người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam.

Một vị luật sư cho biết, nếu Việt Nam và một quốc gia chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp, việc dẫn độ được thực hiện theo luật này.

Luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng văn phòng Luật sư Trịnh, Hà Nội) cho biết, dựa theo Luật Tương trợ tư pháp, nếu 5 thành viên trên là người Việt và đang có mặt tại Việt Nam thì Việt Nam không có trách nhiệm dẫn độ các tiếp viên và phi công nói trên sang Nhật Bản.

Luật sư Dũng cho hay, nếu 5 thành viên của VNA nói trên có hành vi phạm tội cùng nữ tiếp viên đang bị giữ ở Nhật, cơ quan pháp luật ở Việt Nam có thể khởi tố, xét xử bình thường như người phạm tội trong nước.

Việc xử lý những người này sẽ theo điều khoản trong Bộ Luật hình sự Việt Nam về những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cơ quan tố tụng của Việt Nam có quyền đề nghị Nhật Bản cung cấp hồ sơ về hành vi phạm tội của những người này. Trên cơ sở đó, cơ quan pháp luật khởi tố để điều tra, truy tố và xét xử.

Riêng nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc đã bị bắt ở Nhật Bản nên việc tố tụng vẫn do cơ quan pháp luật tại nước bạn thực hiện. Điều này cũng giống như người nước ngoài đến Việt Nam phạm tội, cơ quan pháp luật của Việt Nam có quyền xử lý.

Sáng nay, trả lời chúng tôi, ông Lại Xuân Thanh (Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam) cũng cho biết, Cục Hàng không chưa nhận được thông báo nào nói về việc Nhật Bản đề nghị Việt Nam dẫn độ các tiếp viên và phi công.

Hiện VNA mới chỉ ra quyết định đình chỉ bay đối với những người này.

Trước đó, nữ tiếp viên của VNA là Nguyễn Bích Ngọc (26 tuổi) bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ vì nghi xách tay hàng trộm cắp.

Hôm qua, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã quyết định đình chỉ công tác nữ tiếp viên này và 5 thành viên khác của tổ bay để phục vụ công tác điều tra phối hợp với cơ quan nước bạn.

Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp quy định: Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể: Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Điều 35 luật này ghi rõ: Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam.

Bộ Công an có trách nhiệm tiếp nhận, chuyển giao, xem xét, giải quyết các yêu cầu của nước ngoài về dẫn độ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN