VKSND nói Trương Mỹ Lan không có nguồn lực dồi dào như bị cáo nói
Đại diện VKS nhấn mạnh bị cáo Trương Mỹ Lan không phải là người có nguồn lực tài chính dồi dào như cách bị cáo nói. Trước khi hợp nhất SCB, bị cáo Lan có rất nhiều khoản nợ chưa thanh toán.
Ngày 3-4, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB. VKS đối đáp rằng cơ quan thực hành quyền công tố bảo lưu quan điểm buộc tội "Tham ô tài sản" đối với bị cáo Trương Mỹ Lan.
VKS nhấn mạnh nội dung cáo trạng cũng như khi tranh luận, đối đáp tại toà, kiểm sát viên đã chứng minh bị cáo Lan sử dụng quyền cao nhất SCB để điều hành các bị cáo khác có chức vụ chủ chốt tại SCB. Đây là những người do bị cáo Trương Mỹ Lan bổ nhiệm nên không có lý do gì để nói bị cáo Lan không phải chủ thể tội "Thạm ô tài sản".
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại toà
Kiểm sát viên nói luật sư bảo vệ cho bị cáo Lan đặt câu hỏi "SCB lấy đâu ra tiền để Trương Mỹ Lan chiếm đoạt?" là đẩy tính chất vụ án theo chiều hướng suy nghĩ của bị cáo Lan. Đây là điều vô căn cứ. "Bị cáo Lan không phải là người có nguồn lực tài chính dồi dào như cách bị cáo tuyên truyền… Trước khi hợp nhất SCB, bị cáo Lan có rất nhiều khoản nợ chưa thanh toán. Nếu bị cáo Lan có đủ nguồn lực tài chính thì tại sao không tất toán các khoản nợ này?" - kiểm sát viên hỏi.
Đại diện VKS đánh giá bị cáo Trương Mỹ Lan không có nguồn lực dồi dào như bị cáo nói
Đối với câu hỏi của luật sư rằng "bị cáo chiếm đoạt tiền để làm gì?", VKS cho rằng câu trả lời đã được chứng minh qua sự thật khách quan của vụ án. Thể hiện, bị cáo Lan từng là 1 tiểu thương nhỏ nhưng lại sở hữu rất nhiều tài sản. Tuy nhiên, số tài sản này bị cáo đều thuê người đứng tên. Trong số hàng ngàn tài sản mà bị cáo thừa nhận do bị cáo sở hữu hoặc liên quan bị cáo thì cơ quan tố tụng đã xác định chỉ có hơn 60 tài sản mua trước năm 2012. Còn lại 94,8% tài sản là do bị cáo sử dụng tiền chiếm đoạt của SCB để mua sở hữu, mua đầu tư.
Đại diện VKS còn nói luật sư của bị cáo Lan nói rằng "lần đầu tiên VKS đề nghị mức án tử hình cho một nữ doanh nhân" nhưng thực tế "lần đầu tiên có một nữ doanh nhân dùng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt số tiền quá lớn như vậy".
Kiểm sát viên nói một luật sư của bị cáo Lan đã trình bày rằng cơ quan công tố đã buộc bị cáo Lan phải trả những khoản vay không liên quan là không đúng. Đại diện VKS khẳng định hơn 1.000 khoản vay buộc tội bị cáo trong vụ án đều liên quan hành vi phạm tội của bị cáo Lan. Kiểm sát viên cũng nhấn mạnh tất cả đơn thư, trình bày của bị cáo Lan đều được cơ quan công tố nghiên cứu kỹ và đối đáp, tranh luận từng nội dung một.
Đối với quan điểm của bị cáo cho rằng SCB vẫn hoạt động bình thường trước khi khởi tố vụ án là không đúng với kết quả điều tra. Kiểm sát viên nói hoạt động của SCB từ năm 2012 đến khi khởi tố vụ án có rất nhiều sai phạm nhưng đã bị bưng bít, che giấu. Việc SCB duy trì nguồn tiền để trả cho người dân là hoạt động bình thường, là nghĩa vụ của tổ chức tài chính phải thực hiện. Điều này không đồng nghĩa với việc SCB hoạt động bình thường như lập luận của bị cáo.
Tự bào chữa, bị cáo Đỗ Thị Nhàn nói rằng do quen biết ông Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) từ trước và do tin tưởng nên đã cho ông Văn mã số khóa nhà. Bà hoàn toàn không biết trước việc ông Văn mang tiền đến nhà.
Nguồn: [Link nguồn]