Vinh quy bái tổ

Bài thi đình được vua chấm xong, khoa thi đã chọn được người đỗ tiến sĩ để niêm yết bảng vàng. Triều đình sẽ cử hành nghi lễ trang trọng xướng danh tiến sĩ tân khoa và ban yến. Sau đó, nhà vua sẽ ban ân tứ để tiến sĩ tân khoa vinh quy bái tổ.

Truyền lô và ban yến

Truyền lô là thay mặt nhà vua xướng danh những người đỗ tiến sĩ. Lễ truyền lô khởi đầu từ khoa thi đình đầu tiên của triều Nguyễn (1822), được tổ chức ở điện Thái Hòa rất long trọng (về sau có lúc truyền lô ở Ngọ Môn, là hai nơi trang trọng nhất). Vào lúc canh năm (khoảng rạng sáng), súng lệnh nổ vang rền, một tấm cờ vàng được treo lên, điện Thái Hòa thiết lễ đại triều. Các thân công và quan lại mặc lễ phục đại triều đứng chờ.

Đến giờ lễ, vua ngự ra điện Thái Hòa. Các quan lại triều đình cùng các quan giám thí (coi thi), độc quyển (chấm thi) và các viên chức trông coi việc thi sẽ cùng hành lễ theo đúng nghi thức đại triều, xong trở về quỳ ở gian thứ nhất bên trái điện tâu xin nhà vua cho truyền lô. Sau khi nhận được chỉ thị của vua, quan khâm mạng rập đầu đứng lên, đi đến dưới điện xướng to: truyền lô! Bấy giờ quan truyền lô đến hoàng án mang danh sách trúng tuyển xuống. Trước đó, các quan giám thí, độc quyển đã dẫn các tân tiến sĩ vào Văn Công thự lãnh mỗi một người một bộ áo mũ, rồi đội mũ và mặc áo đứng chờ. Quan bộ lễ dẫn họ đến sân điện, xếp hàng quỳ quay mặt về hướng điện.

Quan truyền lô cầm danh sách tân tiến sĩ rồi lần lượt xướng danh theo thứ tự. Đọc xong giao cho bộ lễ tiếp nhận. Các tân tiến sĩ làm lễ năm lạy. Thị vệ đại thần đến trên thềm điện quỳ tâu xin vua cho niêm yết bảng. Bảng vàng được đặt lên vân bàn (mâm vẽ mây), quan hộ bảng dẫn thị vệ quân lính với đầy đủ nghi trượng tán lọng, cử hành nhã nhạc, rồi mang ra cửa Hữu Đoan, sau đó gánh bảng vàng đến Phu Văn Lâu. Bảng vàng niêm yết ở đây ba ngày, sau đó giao cho Trường Quốc Tử Giám lưu trữ.

Sau lễ truyền lô là đến phần ban yến (đãi tiệc) cho các tân tiến sĩ. Khoa thi tiến sĩ đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ ba (1822), yến tiệc được mở tại công đường bộ lễ.

Sau khi dùng tiệc xong, các tân tiến sĩ được nhận phẩm vật ban thưởng, thường là trâm hoa (hoa để cài) nhưng chia loại: vàng, bạc, lụa màu. Yến tiệc cũng như phẩm vật này chỉ mang tính tượng trưng, vì người tài thì cần sự đề cao danh tiếng hơn là vật chất ban cấp.

Vinh quy bái tổ - 1

Những người đỗ đạt được dự yến tiệc do vua ban - Ảnh tư liệu

Ân tứ vinh quy

Theo Khâm định Đại Nam Hội điểu sự lệ, từ khoa thi tiến sĩ đầu tiên của triều Nguyễn (1822) đã có lệ định việc vinh quy của tân tiến sĩ, nhằm thể hiện sự trân trọng nhân tài và học vấn của triều đình. Việc vinh danh đầu tiên cho các tân tiến sĩ là cho xem hoa tại vườn ngự uyển và cưỡi ngựa dạo quanh kinh thành.

Xong việc ngắm hoa, các tân tiến sĩ lại được cấp một lọng đen, một hồ lô đen, một con ngựa kèm theo bốn lính hầu quân phục tề chỉnh. Tiếp đó, quan kinh dẫn các tân tiến sĩ cưỡi ngựa ra cửa chính đông đi ngắm phố phường xung quanh kinh thành. Xong việc trở về thì phải trả lại ngựa. Hôm sau, quan kinh lại dẫn các tân tiến sĩ vào Văn Minh điện để dâng biểu tạ ân và để vua hỏi han các tân tiến sĩ. Xong xuôi, quan bộ lễ sẽ chọn ngày tốt để các tân tiến sĩ làm lễ ở Văn Miếu.

Tân tiến sĩ được ban cấp cờ có thêu học vị đã đạt được trong khoa thi và tấm biển màu đỏ một mặt khắc hàng chữ ân tứ vinh quy, mặt kia khắc tên tuổi thứ hạng đỗ đạt. Đồng thời, triều đình lệnh cho các quan địa phương cử mười hay hai mươi quân lính binh phục đầy đủ để hộ tống tân tiến sĩ về quê. Vào năm thi tiến sĩ đầu tiên, triều đình cấp năm người phu để hầu tân tiến sĩ về làng vinh quy bái tổ. Về địa phương thì quan chức sở tại phải tổ chức một đám rước long trọng để đón tân tiến sĩ về làng. Đám rước tân tiến sĩ đi đầu có hai người cầm biển, tiếp đó tân tiến sĩ ngồi trên võng có hai người gánh, sau cùng là một người mang đồ đạc, hai bên có hai hàng lính hộ tống. Về đến làng thì được các vị chức sắc làng và dòng họ cùng dân chúng ra nghênh đón, đưa tiến sĩ về nhà thờ làm lễ bái tạ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Các tiến sĩ được ở địa phương tối đa hai tháng thì phải trở lại kinh đô Huế để chờ bổ dụng.

Người tài ắt phải được sử dụng

Tùy theo phẩm hàm, các tân tiến sĩ sẽ được bổ dụng những chức vụ tương ứng như: tri phủ, thự tri phủ, đồng tri phủ, thự đồng tri phủ... Nhưng quan trọng hơn là việc bổ dụng những người không đỗ kỳ thi hội, đó là những cử nhân với số lượng đông hơn tiến sĩ. Đây là nguồn nhân lực đã đạt chuẩn để bổ dụng vào bộ máy chính quyền cấp địa phương.

Sau khoa thi hội đầu tiên (1822), những thí sinh hỏng nếu xin về đều được chấp thuận, số còn lại nếu có nguyện vọng sẽ được cho vào học ở Trường Quốc Tử Giám để chờ khoa thi sau, hoặc sẽ được bổ dụng sau khi qua được các kỳ sát hạch do triều đình tổ chức. Đến năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vì số đỗ cử nhân còn ít nên cho 20 cử nhân trượt ở thi hội ở lại kinh học chính sự rồi được cử làm chức hành tẩu ở các bộ (giống như công việc chuyên viên ngày nay). Đến năm Tự Đức nguyên niên (1848), một số cử nhân thi trượt tiến sĩ vào học ở Quốc Tử Giám, nếu không muốn thi lại khoa sau thì sau khi học xong ba năm sẽ được cử đi hậu bổ các chức sắc ở các tỉnh (tức chờ bổ dụng, nếu một quan chức nào ngang hàm sắp về hưu hoặc sắp được thăng chức, thì về thực hành chức vụ ấy rồi thay vị trí ấy). Nếu có khuyết chức quan giáo thụ, huấn đạo (các chức quan phụ trách giáo dục của một huyện, châu, phủ...), tri huyện, tri châu... thì sẽ được bổ dụng.

Ngoài ra, từ năm Tự Đức thứ 3 (1850), sau mỗi kỳ thi hội các quan sẽ căn cứ kết quả thi của các cử nhân không đỗ tiến sĩ, lập thành danh sách, trong đó ghi rõ được bao nhiêu điểm để làm nguồn dự phòng, khi bộ máy chính quyền địa phương khuyết người thì bổ dụng...

-------------------------------------------------------------

Mùa hạ năm Kỷ Mùi 1919 đã ghi vào lịch sử VN một sự kiện đáng nhớ: kỳ thi hội và thi đình tổ chức lần cuối

Kỳ tới: Đường khoa cử từ nay dứt hẳn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Đức Thành Dũng (Tuổi trẻ)
Lều chõng ngày xưa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN