Vịnh Hạ Long đang ở 'cảnh báo đỏ'
Là di sản thiên nhiên thế giới nhưng vài năm trở lại đây, vịnh Hạ Long liên tiếp phải gánh chịu những tác động “thô bạo” từ con người khiến môi trường, cảnh quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long của Việt Nam đang ở tình trạng “cảnh báo đỏ”.
Cảnh báo “dừng đến” vì rác thải
Mới đây, tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Fodor’s Travel sau khi công bố danh sách “Go list” (các điểm đến nên ghé thăm trên thế giới), họ đã công bố danh sách “No list 2024” (các điểm nên dừng ghé thăm trên thế giới) gồm có 9 điểm đến. Trong đó có vịnh Hạ Long của Việt Nam.
“No list 2024” được đưa ra dựa trên các tiêu chí chính gây ảnh hưởng đến du lịch: quá tải khách, tạo rác thải, chất lượng và nguồn nước, những điều gây hại cho điểm đến và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương. Vịnh Hạ Long của Việt Nam được nhắc đến ở tiêu chí “tạo rác thải”.
Vịnh Hạ Long “ngộp thở” vì rác trong sự cố môi trường đầu năm 2023. Ảnh: Hoàng Dương
Theo Fodor’s Travel, trong các chuyến du ngoạn trên vịnh, du khách thường xuyên nhìn thấy chai nước, túi nhựa, cốc xốp và rác thải liên quan đến hoạt động đánh cá trôi nổi trên mặt nước cùng với những vệt dầu diesel loang lổ. Ngoài ra, còn có rác thải từ các khu dân cư và cộng đồng ngư dân dọc các bãi biển.
Về rác thải, Trung tâm Di sản thế giới đã có văn bản gửi Việt Nam phản hồi về hiện trạng bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, trong đó gửi kèm thư của khách du lịch quốc tế phản ánh tình trạng rác thải trôi nổi quá nhiều trên vịnh làm ảnh hưởng đến chất lượng trải nghiệm chuyến du lịch của họ.
Hàng núi phao xốp được vớt lên chất đống ven bờ vịnh Hạ Long. Ảnh: Hoàng Dương
Đầu năm 2023, sự cố môi trường biển chưa từng có đã xảy ra tại vịnh Hạ Long khi hàng triệu tấm phao xốp bị ngư dân thẳng tay ném xuống biển. Vịnh Hạ Long lúc ấy “ngộp thở” vì rác. Mỗi ngày, hàng nghìn khối phao xốp được vớt lên bờ chất thành núi. Phải mất vài tháng, Quảng Ninh mới xử lý ổn sự cố môi trường biển này.
Nguyên nhân là do các cơ quan chức năng địa phương đã không quản lý chặt chẽ việc ngư dân nuôi hàu hà, không hướng dẫn cụ thể các điểm được phép nuôi và không quản lý số lượng cũng như không giám sát trong quá trình tháo dỡ, chuyển đổi mô hình sử dụng phao xốp. Vì thế, địa phương phải bỏ ra hàng trăm tỷ để thu gom, xử lý lượng phao xốp trôi nổi trên vịnh.
Di sản bị tác động thô bạo
Năm 2016, UBND TP Hạ Long chấp thuận cho một số đơn vị kinh doanh du lịch trưng dụng các hang động trên vịnh Hạ Long làm nhà hàng. Sự việc gây chấn động dư luận khi được báo chí phản ánh, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về sự tác động thô bạo này. Tháng 9/2016, Quảng Ninh ra văn bản chấm dứt hoạt động.
Năm 2018, báo chí tiếp tục phản ánh việc hàng loạt đảo đá thuộc vùng lõi vịnh Hạ Long bị xâm hại khi hàng nghìn khối bê tông được đổ xuống vịnh để làm kè, cầu cảng. Đặc biệt, có 2 công trình cầu cảng của chính Ban Quản lý vịnh Hạ Long xây dựng tại vùng lõi nhưng chưa có đánh giá tác động môi trường. Sự việc đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về tác động quá mức của con người đến di sản vịnh Hạ Long.
Có năm vịnh Hạ Long thu hơn 1.000 tỷ đồng từ tiền bán vé tham quan vịnh. Số tiền này chủ yếu phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên bờ, cụ thể là xây dựng TP Hạ Long. Ban Quản lý vịnh Hạ Long, đơn vị trực tiếp bảo vệ, phát huy giá trị của di sản được trích lại một phần nhỏ và sau hàng chục năm, sản phẩm du lịch vịnh Hạ Long vẫn vậy. |
Theo hồ sơ di sản vịnh Hạ Long trình UNESCO, vùng đệm của vịnh Hạ Long được tính từ rìa trung tâm vùng lõi ra với bán kính từ 4-5km, vùng này được tạo nên để bảo vệ vùng lõi của di sản. Như vậy, các phường như Hùng Thắng, Bãi Cháy, Hòn Gai, Hoàng Tân, và một số xã đảo trên vịnh Bái Tử Long đều nằm trong vùng đệm của vịnh Hạ Long.
Sau gần 30 năm được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, vùng đệm của vịnh Hạ Long đang ngày càng bị thu hẹp. Nhiều công trình lấn biển của Quảng Ninh ngày càng tiến dần đến vùng lõi như khu vực bán đảo Hùng Thắng; khu vực mặt trước biển của phường Bãi Cháy; khu vực bến Đoan; khu vực Quảng trường 30/10; đường bao biển và mới đây nhất là Khu đô thị 10B.
Điều đáng nói, những dự án lấn biển này đều do các doanh nghiệp san lấp vịnh để làm bất động sản. Những căn nhà tại khu vực này có giá lên đến hàng chục tỷ tùy theo từng vị trí. Khu vực lấn biển kéo dài hàng cây số và rộng hàng nghìn héc ta.
Dự án khu dân cư 10B lấn gần 4ha vùng đệm vịnh Hạ Long đã được Quảng Ninh phê duyệt. Ảnh: Hoàng Dương
Mới đây nhất là Dự án khu dân cư 10B tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt với hơn 30ha, trong đó có gần 4ha nằm trong vùng đệm của di sản nhưng nhiều người vẫn cho rằng khu vực này là sình lầy, không đem lại lợi ích kinh tế. Họ quên mất giá trị về cảnh quan, địa chất, địa mạo, hệ sinh thái và đa dạng về các loài động thực vật.
Ngày 16/9 vừa qua, tại Thủ đô Riyadh của Ả rập Xê út, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã chính thức công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Do đó, di sản Thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long không chỉ có diện tích 1.553km2 bao gồm 1.969 hòn đảo, mà được mở rộng ra cả quần đảo Cát Bà.
Việc mở rộng này làm tăng thêm giá trị vốn có của Di sản Thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long. Các giá trị nổi bật toàn cầu của khu vực được xác định gồm các kiến tạo vật lý và sinh học; kiến tạo địa chất, địa lý và là môi trường sống của các loài động, thực vật.
Vì vậy, không ai có thể nhân danh phát triển kinh tế để ủng hộ những dự án lấn vịnh Hạ Long. Di sản phải được bảo tồn và phát huy hướng tới lợi ích chung của quốc gia và nhân loại. Đó là giá trị không chỉ phục vụ hôm nay mà còn để lại cho muôn đời sau.
Cục trưởng Cục Di sản văn hoá cho biết, dự án tại Vịnh Hạ Long thực hiện ở khu vực đất đồi núi, đất đầm lầy. Tuy nhiên, việc triển khai phải đảm bảo theo quy định...
Nguồn: [Link nguồn]