Vinastas nói gì sau khi công bố nước mắm chứa thạch tín?
“Ý kiến cho rằng chúng tôi tiếp tay cho doanh nghiệp sản xuất nước mắm tuyên bố không chứa asen là sai”, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) nói.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Kết quả khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho thấy, có khoảng 67% mẫu nước mắm trên toàn quốc không đạt chỉ tiêu thạch tín (asen) theo quy định.
Kết quả này đưa ra đã gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm trong cả nước. Công bố này cũng gây tranh cãi xung quanh tác hại của thạch tín có trong nước mắm đối với sức khỏe của người tiêu dùng.
Chiều 18/10, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam – đơn vị công bố kết quả khảo sát - đã trao đổi với phóng viên xung quanh sự việc này.
Liệu sau công bố về kết quả khảo sát, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có tiếp tay cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm tuyên bố không chứa asen, thưa ông?
Không có chuyện đó. Nói chúng tôi tiếp tay cho doanh nghiệp sản xuất nước mắm là sai. Mục đích của chúng tôi chỉ nhằm mang lại thông điệp giúp người tiêu dùng lựa chọn, tìm hiểu và đòi hỏi sản phẩm cụ thể về việc công khai các hàm lượng trên sản phẩm .
Các doanh nghiệp sản xuất nước mắm tự nhìn nhận về sản phẩm có đảm bảo các tiêu chuẩn công bố hay không. Có vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm hay không.
Sau một ngày công bố kết quả khảo sát, đã có doanh nghiệp sản xuất nước mắm nào bất bình và phản hồi đến Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam?
Đến nay, tôi chưa thấy một doanh nghiệp sản xuất nước mắm nào liên hệ với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Nếu doanh nghiệp nào liên hệ, chúng tôi sẽ cho xem kết quả khảo sát cụ thể.
Hiện, theo danh sách các hãng nước mắm có asen tổng vượt ngưỡng cho phép theo kết quả khảo sát của Vinastas có nhiều loại nước mắm khác nhau, trong đó hầu hết là nước mắm của các thương hiệu nhỏ, lẻ….
Chủ tịch một hiệp hội nước mắm cho rằng, Hội đưa ra thông tin như vậy là không có trách nhiệm và cần có nghiên cứu để đưa ra quy chuẩn cho đúng thực tế, công bằng. Ông có bình luận gì về ý kiến này?
Tôi cho rằng, ý kiến bày tỏ về việc Hội không có trách nhiệm khi công bố kết quả khảo sát là chưa có cơ sở.
Chúng tôi công bố asen trong nước mắm chủ yếu là asen hữu cơ không gây hại cho sức khỏe, cho nên nước mắm vẫn an toàn.
Khi công bố kết quả khảo sát nước mắm, Hội có lường trước được thông tin này sẽ gây hoang mang dư luận và các doanh nghiệp?
Mục đích của chúng tôi là thông tin đến người tiêu dùng, giúp họ lựa chọn loại nước mắm tốt nhất. Ngoài ra, Hội góp tiếng nói để các doanh nghiệp sản xuất nước mắm nhìn lại quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sản xuất của mình đã đảm bảo hay chưa.
Như ông nói, thông tin Hội đưa ra là công khai, minh bạch. Vậy tại sao, Hội không công khai những doanh nghiệp sản xuất nước mắm chứa asen vượt ngưỡng cho phép để người dân lựa chọn sản phẩm an toàn, thưa ông?
Trách nhiệm của chúng tôi là khảo sát và công bố kết quả. Còn công khai danh tính các doanh nghiệp phải do cơ quan quản lý. Muốn công khai doanh nghiệp phải có quy trình chặt chẽ, rõ ràng, tránh phiền hà cho doanh nghiệp.
Vậy, cơ sở nào Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố 67% mẫu nước mắm trên toàn quốc không đạt chỉ tiêu thạch tín (asen) theo quy định?
Chúng tôi khảo sát 150 mẫu nước mắm thành phẩm đóng chai có hàm lượng nitơ toàn phần ghi trên nhãn từ 10g/L đến 60g/L của 88 nhãn hiệu được mua trực tiếp tại đại lý phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ bán lẻ và các cửa hàng bán sản phẩm đặc sản.
Theo nội dung ghi trên nhãn, các mẫu này được sản xuất từ các cơ sở có điạ chỉ tại 19 tỉnh thành trên cả nước. Kết quả khảo sát cho thấy, 125/150 mẫu khảo sát đều có ít nhất 1 tiêu chuẩn trong 5 chỉ tiêu của nhóm hoá học được khảo sát không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hoá.
Đặc biệt, có khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu asen tổng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong các mẫu khảo sát có asen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện asen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/L).
Khi phát hiện ra asen, chúng tôi đã chia các mẫu nước mắm để thử nghiệm xem có asen vô cơ hay không. Kết quả khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có assen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện asen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/L).
Xin cảm ơn ông!