Vietnam Airlines lên tiếng về thông tin sử dụng phi công Pakistan
Liên quan tới việc Cục Hàng không Việt Nam tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động của các phi công Pakistan đang làm việc tại Việt Nam, Vietnam Airlines khẳng định, đã kiểm tra và kết quả cho thấy, toàn bộ phi công nước ngoài của hãng không mang quốc tịch Pakistan hoặc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ do Pakistan cấp.
Theo tìm hiểu của PV, số phi công nước ngoài đang làm việc cho các hãng hàng không trong nước (Vietnam Airlines, Vasco, Vietjet, Jetstar, Bamboo Airways và các hãng hàng không chung, trực thăng) lên tới cả nghìn người. Trong đó, ngoài Vietnam Arlines có tỷ lệ phi công nước ngoài thấp, chỉ khoảng 25% thì các hãng còn lại đều đang có số phi công nước ngoài chiếm trên 70% tổng số phi công đang làm việc.
Máy bay thuộc hãng hàng không Vietnam Airlines.
Thực hiện yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam về việc rà soát phi công nước ngoài có quốc tịch Pakistan hoặc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ do Pakistan cấp, các hãng hàng không thuộc Vietnam Airlines Group gồm Vietnam Airlines, Jetstar và VASCO đã kiểm tra và khẳng định, hiện tại toàn bộ phi công nước ngoài của các hãng không mang quốc tịch Pakistan hoặc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ do Pakistan cấp.
Vietnam Airlines Group cho biết, hãng bay này luôn đặt an toàn là tiêu chí ưu tiên số 1. Trong đó, lực lượng phi công giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi chuyến bay nhằm hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng, phục vụ dân sinh và nhiệm vụ quốc tế.
Do đó, các hãng hàng không thuộc Vietnam Airlines Group đã luôn chủ trương sàng lọc và lựa chọn các phi công nước ngoài từ những đơn vị cung cấp chuyên nghiệp, uy tín. Các hãng đều không tuyển dụng phi công nước ngoài từ những quốc gia có uy tín không cao trong đảm bảo tuyệt đối an toàn bay hoặc thường xuyên xảy ra các sự cố uy hiếp hay làm mất an toàn khai thác.
Thông tin từ Vietnam Airlines cho biết, để chủ động đào tạo, quản lý và sử dụng nguồn lực phi công, đặc biệt là phi công Việt Nam nhằm hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào nguồn lực phi công nước ngoài, với vai trò Hãng hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines đã đầu tư và đưa vào hoạt động hai trung tâm đào tạo phi công hàng đầu Việt Nam là Trung tâm huấn luyện bay FTC (từ năm 1998) và Trường đào tạo phi công Bay Việt (từ năm 2009).
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng là hãng hàng không tiên phong tại Việt Nam đầu tư xây dựng tổ hợp buồng lái mô phỏng máy bay (SIM) để đào tạo, kiểm tra và duy trì năng định lực lượng người lái với mục tiêu 100% phi công Việt Nam và nước ngoài đảm bảo tiêu chuẩn an toàn bay.
Hiện tại, đội bay của Vietnam Airlines và VASCO gồm có 850 phi công Việt Nam và 106 phi công nước ngoài. Tỷ lệ phi công là người Việt chiếm tới gần 90% lực lượng người lái của hai hãng, tăng 50% so với một thập kỷ trước đây. Đội bay của Jetstar Pacific hiện có 60 phi công Việt Nam và 145 phi công nước ngoài.
Trước đó, Thông tin về việc rà soát phi công Pakistan đang làm việc tại Việt Nam, Cục trưởng Đinh Việt Thắng, Cục hàng không Việt Nam cho biết, đã rà soát và tạm dừng bay 20 phi công đang làm việc tại Việt Nam từ cách đây 2 ngày. Đây đều là phi công quốc tịch Pakistan và được cấp bằng lái tại nước này.
"Tại Việt Nam, hiện không có phi công nước ngoài (không phải Pakistan) lấy chứng chỉ từ Pakistan. Hiện Cục Hàng không Việt Nam đang đợi kết quả rà soát từ nhà chức trách hàng không Pakistan để xác định xem những phi công này có ai sử dụng bằng giả hay không. Các trường hợp có bằng lái hợp pháp sẽ được tiếp tục bay trở lại", ông Thắng cho hay.
Trước những thông tin về việc Nhà chức trách hàng không Pakistan phát hiện hơn 250 phi công Pakistan dùng bằng lái máy bay giả mạo và để đảm bảo tuyệt đối an toàn hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát và cấm ngay việc thực hiện nhiệm vụ bay của toàn bộ các phi công quốc tịch Pakistan, phi công người nước ngoài (đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam) sử dụng bằng cấp, chứng chỉ (nghi vấn giả mạo) do Pakistan cấp. |
Nguồn: [Link nguồn]
Cục Hàng không Việt Nam đang rà soát tính hợp pháp bằng lái của toàn bộ phi công nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.