"Việt Nam vay mượn Trung Quốc không nhiều"

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Mức độ chúng ta vay của Trung Quốc không nhiều”.

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội sáng 11/6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết mức độ phụ thuộc, và lệ thuộc nếu có của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc?”.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Mức độ chúng ta vay của Trung Quốc không nhiều”.

Bộ trưởng cho biết, đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam chỉ có 0,33%. Bộ trưởng nhận định, so với quy mô thị trường, mức đầu tư 0,33% của Trung Quốc là không lớn.

Tiếp lời Bộ trưởng Dũng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói: “Đại biểu Nghĩa hỏi toàn con số, nên cần có thời gian ghi chép thêm. Chúng ta làm ăn hợp tác theo pháp luật với Trung Quốc. Nếu thua thì hai bên cùng thua. Vay mượn của ta với Trung Quốc không lớn nên chưa đến mức độ phụ thuộc gì. Đại biểu thông cảm, Bộ trưởng sẽ trả lời chi tiết hơn, có số liệu sau”.

"Việt Nam vay mượn Trung Quốc không nhiều" - 1

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Cũng tại phiên chất vấn, trả lời đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về việc cân đối trả nợ, việc tăng thu từ 12 đến 14%, nếu không đạt thì giải pháp gì, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, đầu tiên phải siết chặt chi tiêu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính để dành nguồn thỏa đáng thực hiện kế hoạch trả nợ.

Bên cạnh đó, tập trung vào tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trong tháng Năm vừa qua, có những vấn đề phát sinh đột xuất (vụ kích động, đập phá nhà máy – PV), Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt ở 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh. Hiện nay, các giải pháp được triển khai đồng bộ, kết quả bước đầu rất tốt, tạo môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam, đảm bảo ổn định.

Bộ trưởng cũng cho rằng, cần các giải pháp đặc biệt để huy động vốn, nhất là vốn đảm bảo tái cơ cấu lại phần nợ công trong nước. Đây là nhiệm vụ trước mắt, cũng như trung hạn nhưng cũng phải đảm bảo các yêu cầu chi tiêu phục vụ đầu tư phát triển, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh trong tình hình mới.

Về khoản vay bù đắp bội chi, ông Dũng cho biết, năm nay, nghĩa vụ huy động phải đạt xấp xỉ 400.000 tỷ đồng, qua 5 tháng đã được 150 nghìn tỷ đồng. Mức độ huy động năm nay tốt, thời hạn dài hơn. Tuy nhiên, cần có giải pháp huy động được nguồn vốn dài hơn để tái cơ cấu nợ công trong nước.

Bộ trưởng mong sự đồng thuận của Quốc hội để đảm bảo sự ổn định về an ninh tài chính, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Ông Dũng nói thêm: “Lâu nay, vẫn nói kinh tế vĩ mô ổn định, đồng tiền giữ giá. Vừa qua, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở Biển Đông thì cũng có việc nọ việc kia làm chúng ta phải giải quyết những việc bước đầu ổn định nhưng còn ảnh hưởng dài dài một chút”.

“Nhưng mức độ sẽ tùy vào tình hình diễn biến ngoài Biển Đông, tùy vào giải pháp cụ thể trong nước của chúng ta hiện nay”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN