Việt Nam và hàng loạt quốc gia Đông Nam Á phá kỷ lục nắng nóng
Hàng loạt kỷ lục về nhiệt độ đã bị phá vỡ trong đợt nắng nóng vừa diễn ra tại khu vực Đông Nam Á.
Liên tiếp các kỷ lục về nắng nóng bị phá vỡ
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, cuối tuần qua (6-7/5), hàng loạt quốc gia ở khu vực Đông Nam Á ghi nhận những mức nhiệt cao kỷ lục khi mà mùa hè mới chỉ chớm đến.
Tại Việt Nam, ngày 6/5 (ngày lập hạ) đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất lịch sử 44,1 độ C tại Hồi Xuân (Thanh Hóa). Thế nhưng chỉ 1 ngày sau, mức nhiệt này đã bị phá vỡ bởi mức nhiệt 44,2 độ C ghi nhận tại Tương Dương (Nghệ An).
Nắng nóng ở khu vực Đông Nam Á phá nhiều kỷ lục về nhiệt độ (Ảnh minh họa: NLĐ)
Trong khi đó tại Lào, thành phố Luang Prabang đã ghi nhận mức nhiệt 43,5 độ C vào thứ Bảy (6/5), phá vỡ kỷ lục quốc gia 42,7 độ C mới chỉ được thiết lập vào tháng 4.
Thủ đô Viêng Chăn của Lào cũng phá kỷ lục mọi thời đại vào cuối tuần vừa rồi với nhiệt độ 42,5 độ C.
Tại Campuchia, kỷ lục quốc gia mới với nhiệt độ 41,6 độ C cũng được ghi nhận tại Kratie và Ponhea Kraek vào cuối tuần qua.
Tại Philippines, chính quyền TP Quezon trong vùng thủ đô Manila đã rút ngắn giờ học sau khi nhiệt độ chạm "vùng nguy hiểm", với sự kết hợp chết người giữa nhiệt độ và độ ẩm cao, trong đó nhiệt độ nằm trong khoảng 42 - 51 độ C.
Tại Thái Lan, ngày 6/5, nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở thủ đô Bangkok lên tới 41 độ C.
Theo dữ liệu từ Cục Khí tượng Thái Lan, Bangkok chỉ là một trong những khu vực của nước này phải hứng chịu nhiệt độ từ trên 30 độ C đến dưới 40 độ C kể từ cuối tháng 3 đến nay. Vào giữa tháng 4, thành phố Tak phía tây bắc Thái Lan đã trở thành nơi đầu tiên trong cả nước có nhiệt độ 45 độ C.
Hiện tượng nắng nóng kỷ lục đang phổ biến hơn
Nguyên nhân của đợt nắng nóng diện rộng đang phổ biến ở Đông Nam Á được nhận định là do ảnh hưởng của El Nino (pha nóng).
Dự báo, mùa hè năm 2023 ở Việt Nam, nắng nóng sẽ khắc nghiệt hơn năm trước
Theo dự báo, nhiệt độ trên toàn khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ trở lại gần mức trung bình hơn trong những ngày tới, nhưng các hiện tượng nắng nóng kỷ lục đang trở nên phổ biến hơn khi khủng hoảng khí hậu gia tăng.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ước tính, khả năng El Nino phát triển vào cuối tháng 7 năm 2023 là 60% và vào cuối tháng 9 là 80%. Nghĩa là càng về cuối năm 2023, hiện tượng El Nino ảnh hưởng càng rõ rệt; cùng với đó là khả năng nhiệt độ nóng hơn bình thường vào năm 2024.
Do đó, thế giới cần chuẩn bị đối phó với sự phát triển của El Nino. Diễn biến của mô hình khí hậu ấm lên theo dự kiến nhiều khả năng sẽ dẫn tới nhiệt độ toàn cầu tăng vọt lên mốc mới, đe dọa phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ.
Tại Việt Nam, từ ngày 8/5 do ảnh hưởng của không khí lạnh nên nắng nóng đã chấm dứt. Cơ quan khí tượng nhận định, đợt nắng nóng từ 4-7/5 nhiều khả năng sẽ là đợt nắng nóng diện rộng mạnh nhất trong tháng 5.
Tuy nhiên, miền Bắc và miền Trung mới chỉ đang bắt đầu bước vào mùa hè, các đợt nắng nóng chưa phải là cao điểm nhất. Dự báo, mùa hè năm 2023 sẽ khắc nghiệt hơn năm 2022.
Các đợt nắng nóng cao điểm ở miền Bắc và miền Trung xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 5-8/2023. Trong đó, ở miền Bắc tập trung từ tháng 6-7; miền Trung cao điểm là tháng 7. Nắng nóng trung bình kéo dài từ 2-4 ngày, có đợt dài hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
Cuối giờ chiều qua (7/5), một cơn mưa dông diện rộng bao phủ Thanh Hóa và Nghệ An khiến nền nhiệt giảm sâu đột ngột, nhiều nơi có mưa đá, dông lốc. Tuy nhiên, chỉ vài giờ...