Việt Nam thất vọng với việc Mỹ chưa công nhận nền kinh tế thị trường

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bộ Ngoại giao khẳng định việc Mỹ chưa công nhận nền kinh tế thị trường không phản ánh đầy đủ những nỗ lực và thành tựu to lớn của Việt Nam.

"Chúng tôi thất vọng về việc Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường. Mặc dù ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, quyết định này không phản ánh đầy đủ những nỗ lực và thành tựu to lớn của Việt Nam trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết hôm nay.

Bà Hằng khẳng định các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Thương mại Mỹ cung cấp nhiều lập luận thuyết phục, khẳng định kinh tế Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí kinh tế thị trường theo quy định của luật pháp Mỹ. Điều này cũng được nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia Mỹ và quốc tế ủng hộ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: Giang Huy

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: Giang Huy

Các tổ chức quốc tế đều ghi nhận những bước tiến vượt bậc của kinh tế Việt Nam và đã có 72 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Việt Nam cũng tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao.

"Trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đề nghị Mỹ tiếp tục thực hiện cam kết về phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và tiến tới sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Các cơ quan hữu quan của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đối tác Mỹ bảo đảm quan hệ kinh tế, thương mại song phương tiếp tục phát triển ổn định, hài hòa, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước", người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay.

Theo quy định của Mỹ, có 6 tiêu chí để xem xét một nền kinh tế có thị trường hay không, gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.

Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đồng nghĩa doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào nước này sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Nguyên nhân là chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam không được dùng để tính toán biên độ phá giá mà phải sử dụng "giá trị thay thế" của một nước thứ ba.

72 nước đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như: Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand...

Việt Nam đã thông báo với các nước liên quan về vấn đề Việt Nam nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông qua các kênh ngoại giao, và các cuộc trao đổi diễn ra trong không khí chân thành, hữu nghị và thẳng thắn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Anh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN