Việt Nam rung lắc sau động đất hơn 7 độ ở Myanmar

Sự kiện: Tin nóng
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

13h20 ngày 28/3, động đất mạnh hơn 7 độ ở Myanmar khiến các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM rung chấn, người dân ở các tòa nhà cao tầng hốt hoảng chạy xuống mặt đất.

Theo thông báo của Viện Các khoa học Trái đất Việt Nam trận động đất có tâm chấn sâu 10 km. Dù cách xa tâm chấn hàng nghìn km, nhiều khu vực tại Việt Nam, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội và TP HCM, đã ghi nhận rung chấn rõ rệt.

Vị trí tâm chấn động đất ở Myanmar. Đồ họa: Hoàng Khánh

Vị trí tâm chấn động đất ở Myanmar. Đồ họa: Hoàng Khánh

Tại Hà Nội, người dân ở các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... cảm nhận rõ sự rung lắc kéo dài từ 10-20 giây, lặp lại nhiều lần. Nhiều người hoảng sợ đã chạy xuống đường để đảm bảo an toàn.

Tại TP HCM, hiện tượng rung lắc được ghi nhận ở nhiều tòa nhà cao tầng, đặc biệt là khu vực trung tâm quận 1 và quận 10, kéo dài gần 20 giây. Nhiều người đang làm việc tại các cao ốc hốt hoảng chạy xuống đất ngay khi cảm nhận được rung lắc.

"Tôi đi vào phòng thấy mọi người lo lắng đi xuống phía dưới đất sau khi được phía tòa nhà thông báo", anh Hoàng Phụng, nhân viên một tòa nhà ở quận 10 nói.

Hình ảnh ghi nhận tại một tòa nhà chung cư ở quận Hai Bà Trưng. Video: Hương Giang

Anh Hoàng Huy, 35 tuổi, nhân viên văn phòng ở tòa nhà đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn gần cầu Thị Nghè, quận 1, kể lúc gần 13h30 bất ngờ cảm nhận không gian phòng làm việc chao đảo, đèn treo và cửa rung lắc.

"Tôi không nghĩ đó là động đất nhưng sau đó cảm thấy rung mạnh hơn nên hốt hoảng chạy xuống bằng thang bộ, do thang máy đã kín người cũng đang ùa xuống", anh Huy kể.

Nhân viên văn phòng tòa nhà Viettel, nơi chị Tâm làm việc xuống sân lúc hơn 13h33. Ảnh: Tâm Nguyễn

Nhân viên văn phòng tòa nhà Viettel, nơi chị Tâm làm việc xuống sân lúc hơn 13h33. Ảnh: Tâm Nguyễn

Những người ở tầng càng cao càng cảm nhận rõ rệt sự rung lắc. Nhiều nhân chứng mô tả cảm giác chóng mặt, hoa mắt, đồ đạc rung chuyển, thậm chí có người còn cảm thấy như bị tiền đình. Chị Tâm Nguyễn, làm việc tại tòa nhà Viettel, quận 10, chia sẻ: "Cảm giác lúc đó như bị váng đầu".

Còn ông Lê Tuấn, cư dân sống ở tầng 29 chung cư Times City, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, cho biết rung chấn khiến ông như bị "tiền đình, tụt huyết áp, tim đập nhanh hơn", trong khi vợ ông đang ngủ trưa thấy chóng mặt không dậy nổi.

Ông Tuấn cảm nhận hai đợt rung lắc cách nhau khoảng 20 phút, đợt đầu mạnh nhất xảy ra lúc 13h20, kéo dài khiến cửa phòng, cửa tủ, đồ đạc va đập, biên độ góc của đồ treo dao động 15-20 độ. Dư chấn đợt sau nhẹ hơn. Từng trải qua vài lần động đất ở Hà Nội, ông cho biết "trận này dữ dội, biên độ cao nhất".

Người dân ở các cao ốc tại TP HCM hốt hoảng chạy xuống đất sau khi xảy ra rung chấn chiều 28/3. Ảnh: Đình Văn

Người dân ở các cao ốc tại TP HCM hốt hoảng chạy xuống đất sau khi xảy ra rung chấn chiều 28/3. Ảnh: Đình Văn

Viện Các khoa học trái đất cho biết rung chấn ở Việt Nam là do ảnh hưởng từ trận động đất ở Myanmar. Mức độ rung lắc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nền đất, độ cao và kết cấu công trình. Do trận động đất ở xa nên với Hà Nội hay TP HCM chỉ tác động đến các công trình nhà cao tầng, cảm nhận được rung lắc. Cơ quan này cũng đang theo dõi sát sao dư chấn và ảnh hưởng của trận động đất tới Việt Nam.

TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện các Khoa học Trái Đất, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết trận động đất này rất lớn, nên vùng ảnh hưởng có thể kéo dài hàng nghìn km. Tuy nhiên hệ thống quan trắc của Việt Nam ghi nhận "cấp độ rủi ro thiên tai bằng không, tức là ít có khả năng gây thiệt hại đối với Việt Nam", ông nói.

Cảnh rung lắc ở các cao ốc tại TP HCM, Hà Nội. Video: Minh Trịnh - Tuấn Việt - Huy Mạnh

Chính quyền quân sự Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp tại 6 vùng sau trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra ở miền trung nước này, khiến nhiều công trình đổ sập. 44 người tại nước này thiệt mạng, hơn 700 người bị thương. Nước láng giềng Thái Lan chịu ảnh hưởng lớn, khi một tòa nhà cao tầng đang thi công sụp đổ, khiến 7 người chết, hàng chục công nhân mắc kẹt.

Năm 2011 Myanmar từng xảy ra động đất khiến nhiều người chết và gây rung chấn ở Hà Nội. Theo thang cảnh báo của Việt Nam, động đất từ 7-7,9 độ Richter được xếp vào mức độ lớn, có thể gây hư hại nghiêm trọng cho các công trình xây dựng.

Trận động đất mạnh 2,6 độ gây rung lắc ở một số xã ngoại thành thuộc huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức và Hoài Đức, tối 3/2.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm phóng viên ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN