Việt Nam nêu quan điểm về công hàm Biển Đông của Anh, Pháp, Đức

Sự kiện: Thời sự

Nêu quan điểm trước việc 3 nước Anh, Pháp và Đức hôm 16-9 cùng gửi công hàm tới Liên Hiệp Quốc về Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng các nước chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung về việc duy trì ổn định và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 1-10, phóng viên nêu câu hỏi về quan điểm của Việt Nam trước việc 3 nước châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức hôm 16-9 cùng gửi công hàm tới Liên Hiệp Quốc (LHQ) bày tỏ lập trường chung về các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết lập trường của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Biển Đông là nhất quán và đã được thể hiện trong nhiều dịp khác nhau. Việt Nam cho rằng các nước chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung về việc duy trì ổn định và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Để thực hiện điều này, việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là thiết yếu. Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm như đã nêu trong Tuyên bố của hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 vừa qua và Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 rằng UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

"Với tinh thần đó, cùng với các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng tất cả các nước, bao gồm các nước đối tác của ASEAN, sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế, vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Một lần nữa xin khẳng định Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này"- bà Hằng nhấn mạnh.

Bộ Ngoại giao Anh, Pháp và Đức hôm 16-9 trình công hàm chung lên LHQ phản đối lập luận liên quan đến Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra trong 7 công hàm trước đó.

Mở đầu công hàm, Anh, Pháp và Đức (nhóm E3) tuyên bố họ khẳng định các lập trường pháp lý của mình trên biển Đông với tư cách là nước thành viên của UNCLOS 1982.

Công hàm chung nhấn mạnh những tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến "quyền lịch sử" trên biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các điều khoản của UNCLOS và phán quyết ngày 12-7-2016 về biển Đông của Tòa án Trọng tài Thường trực là một minh chứng.

Tàu USS McCampbell và tàu HMS Argyll trong một cuộc tập trận chung Anh-Mỹ trên biển Đông hồi 2019 - Ảnh: Retuers

Viện dẫn các quy định đầy đủ và rõ ràng về việc xác định đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo được nêu trong phần II và phần IV của UNCLOS, nhóm E3 nhấn mạnh việc một quốc gia lục địa như Trung Quốc đối xử với các quần đảo và thực thể hàng hải mà không tuân thủ các điều khoản trong phần II của UNCLOS, hoặc sử dụng các điều khoản trong phần IV (vốn chỉ dành cho các đảo quốc) là không có cơ sở pháp lý.

Hoạt động bồi đắp thực thể hay bất kỳ tác động nhân tạo nào khác sẽ không làm thay đổi cách phân loại đối tượng địa lý theo UNCLOS. Mọi tranh chấp liên quan đến yêu sách hàng hải ở biển Đông cần được nêu ra và giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của UNCLOS cũng như các phương tiện và thủ tục giải quyết tranh chấp được quy định trong UNCLOS.

"Là các nước thành viên UNCLOS, Anh-Pháp-Đức sẽ tiếp tục duy trì và khẳng định các quyền và tự do được nêu trong UNCLOS để góp phần thúc đẩy hợp tác khu vực theo quy định của công ước" – công hàm nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Việt Nam trao công hàm phản đối Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa

Việt Nam đã trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại hành động tương tự trong tương lai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Ngọc ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN