Việt Nam mất 300 năm để rà phá bom mìn
Đạt kỷ lục về năng suất rà phá bom mìn, song Việt Nam vẫn phải mất 300 năm nữa để hoàn thành công tác này.
Thông tin trên được ông Bùi Hồng Lĩnh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nêu tại buổi Tọa đàm báo chí nhân ngày Thế giới phòng, chống bom mìn, sáng nay (2/4).
“So với các nước trên thế giới, với nguồn lực eo hẹp, thành tích trong việc rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh thì Việt Nam đã đạt được ở mức kỷ lục” - Ông Lĩnh nói.
Theo kết quả điều tra sơ bộ, diện tích đất còn bị ô nhiễm do bom mìn, vật nổ khoảng 66.000km2, chiếm hơn 20% diện tích cả nước, chưa kể diện tích vùng biển. Số lượng bom mìn, vật nổ còn sót lại ước khoảng hơn 600 ngàn tấn hiện đang nằm sâu trong lòng đất.
Từ năm 2000 tới nay, năng suất trung bình mỗi năm rà phá bom mìn đạt khoảng 20.000 ha/năm, cá biệt trong 2 năm gần đây năng suất này đã lên đến gần 30.000 ha/năm.
Phải mất 300 năm để rà phá hết số bom mìn trên toàn quốc (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, với tốc độ rà phá như hiện nay, phải mất khoảng 300 năm (tính từ năm 2010), Việt Nam mới khắc phục xong hậu quả bom mìn do chiến tranh để lại. Ước tính chi phí lên khoảng 10 tỷ USD.
“Từ sau ngày giải phóng tới nay, chúng ta mới chỉ tập trung rà phá, làm sạch bom mìn tại các khu dân cư với mật độ lớn. Ngoài ra, bom mìn dưới lòng sông, biển và cả dãy núi Trường Sơn, cơ quan chức năng vẫn còn đang điều tra, rà soát và phân loại từng vùng”, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cho biết.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương trên toàn quốc, số thương vong do bom mìn, vật nổ gây ra từ năm 1975 -2002 là 104.298 người, trong đó số người chết là 42.135 người, bị thương 62.143 người và con số này còn thấp hơn so với thực tế. Tính chung từ năm 1975 đến nay, bình quân mỗi ngày có 3 người chết và 4 người bị thương vì bom mìn.