Việt Nam lên tiếng về dự luật cho phép cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí
Quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc vừa xem xét lại dự luật cho phép cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí trong vùng biển nước này kiểm soát.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 5-11, phóng viên nêu câu hỏi đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về việc hôm qua Trung Quốc vừa xem xét lại dự luật cho phép Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí trong vùng lãnh hải của Trung Quốc.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Dương Hoài Nam nhấn mạnh như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Dương Hoài Nam - Ảnh: Ngọc Hà
Về phía Việt Nam, ngày 4-11 vừa diễn ra Hội thảo ASEAN – Trung Quốc về thúc đẩy hợp tác đối xử công bằng và nhân đạo với các ngư dân.
"Đây là hướng mà chúng tôi muốn chuyển thông điệp đến các nước trong khu vực, trong khối ASEAN, tìm cách bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của các ngư dân Việt Nam và các nước hoạt động đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia mình"- ông Dương Hoài Nam lưu ý.
Trước đó, thông tin trên báo chí nước ngoài cho biết theo dự luật cảnh sát biển sửa đổi, Trung Quốc sẽ cho phép lực lượng hải cảnh nước này sử dụng vũ khí khi các tàu nước ngoài “hoạt động trái phép” trong vùng biển mà Bắc Kinh kiểm soát mà không chấp hành yêu cầu, như dừng lại. Dự luật này được trình ra Quốc hội Trung Quốc từ tháng trước và chưa được thông qua.
Trước đó, ngày 3-11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức "Hội thảo ASEAN-Trung Quốc về Thúc đẩy hợp tác đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân" bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự Hội thảo có hơn 120 quan chức, nhà nghiên cứu và chuyên gia pháp lý, đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN và Trung Quốc, cùng đại diện các Bộ, ngành, tổ chức xã hội, viện nghiên cứu của Việt Nam và một số tổ chức quốc tế. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh Hội thảo được tổ chức nhằm triển khai quy định trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) về đối xử công bằng, nhân đạo với người đi biển gặp nạn. Trước thực tế ngư dân chiếm một phần đáng kể trong số người đi biển ở Biển Đông, hàng ngày đối mặt với những khó khăn, hiểm nguy như thiên tai, mưa bão, tai nạn đâm va…, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung rà soát, trao đổi về tình hình và đời sống ngư dân, chia sẻ các quy định, thực tiễn tốt trong các khuôn khổ quốc gia, khu vực và quốc tế về bảo vệ, đối xử nhân đạo với ngư dân, và đề xuất các khuyến nghị để thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong lĩnh vực này. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh đây không chỉ là một biện pháp xây dựng lòng tin đơn thuần, mà cần phải là một lĩnh vực hợp tác ưu tiên nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân của cả ASEAN và Trung Quốc. Về tình hình ngư dân và nghề cá, đại biểu các nước ASEAN chia sẻ hầu hết hoạt động đánh bắt cá nước mình đều có quy mô nhỏ, công nghệ thô sơ, lạc hậu. Đặc biệt, đa số ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, lại phải đối mặt với nhiều thách thức, nguy hiểm ở trên Biển Đông, do đó cần được hỗ trợ lâu dài. Về khung pháp lý, hội thảo ghi nhận quy định về bảo đảm an toàn tính mạng, đối xử nhân đạo với ngư dân đã được đề cập trong nhiều thoả thuận, điều ước cũng như thông lệ quốc tế. Trong phạm vi quốc gia, các nước ASEAN và Trung Quốc cũng đã xây dựng, ban hành và áp dụng nhiều văn bản pháp luật để quản lý hoạt động nghề cá, ngư dân. Mặt khác, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần có cách tiếp cận tổng thể hơn trong lĩnh vực bảo đảm an toàn, tính mạng và đối xử với ngư dân, trong đó gồm cả khả năng xây dựng công cụ điều chỉnh vấn đề này ở Biển Đông. Điểm lại các kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong hợp tác giữa các nước thời gian qua, hội thảo ghi nhận những kết quả tích cực trong hợp tác giữa các nước về tìm kiếm, cứu nạn trên biển, cũng như kinh nghiệm và kết quả triển khai văn bản hợp tác giữa Indonesia và Malaysia về đối xử với ngư dân của nhau hoạt động trên vùng biển đang phân định giữa hai nước, coi đây là những thông tin có giá trị tham khảo trong việc nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc thời gian tới. Hội thảo cũng đã nghe kết quả nghiên cứu và khuyến nghị của một số tổ chức khu vực về khả năng, biện pháp thúc đẩy hợp tác về đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân. Hội thảo ASEAN-Trung Quốc về Thúc đẩy hợp tác nhằm bảo đảm đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân là sáng kiến do Việt Nam đề xuất trong khuôn khổ thực hiện quy định liên quan của DOC, qua đó giúp củng cố lòng tin và thúc đẩy đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc. Dự kiến, kết quả và các khuyến nghị được nêu tại hội thảo sẽ được tổng hợp và báo cáo lên kênh quan chức ASEAN-Trung Quốc về Thực hiện DOC. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói về thông tin Trung Quốc có 400 doanh nghiệp trên cái gọi là TP Tam Sa trên...
Nguồn: [Link nguồn]