Việt Nam làm những gì sau khi tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc?
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ thông tin về những việc Việt Nam sẽ làm sau khi trúng cử vào Hội đồng Bảo an.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
Trả lời phỏng vấn báo chí sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, ưu tiên của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an là tăng cường hơn nữa vai trò của chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Theo Phó thủ tướng, việc trúng cử với số phiếu rất cao thể hiện các nước hết sức coi trọng vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam và đặc biệt là khả năng đóng góp vào công việc chung của thế giới khi Việt Nam tham gia vào Hội đồng Bảo an.
Tại Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an là cơ quan có vai trò hàng đầu trong việc đóng góp vào hòa bình, an ninh của thế giới. Với việc tham gia vào Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ tham gia vào một tổ chức toàn cầu trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, hòa bình và giải quyết những vấn đề xung đột trên thế giới.
Do đó, những đóng góp của Việt Nam sẽ dựa trên cơ sở những chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an.
Ưu tiên của Việt Nam là tăng cường hơn nữa vai trò của chủ nghĩa đa phương, mong muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết những vấn đề toàn cầu, vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh. Đó là mục đích cao nhất mà Việt Nam mong muốn đóng góp vào Hội đồng Bảo an LHQ.
Đương nhiên, Hội đồng Bảo an sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề. Với vai trò, kinh nghiệm của mình, Việt Nam mong muốn đóng góp vào những vấn đề như giải quyết sau xung đột; vấn đề phụ nữ, trẻ em trong xung đột; xử lý bom mìn sau xung đột. Qua quá trình tham gia, Việt Nam nhận thấy đây là những vấn đề quan trọng và là những ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an.
Việc Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an còn nhằm mục đích xây dựng môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới, qua đó bảo đảm một môi trường hòa bình để phát triển hơn nữa.
Phó Thủ tướng cho biết, Hội đồng Bảo an LHQ có 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực. Điều quan trọng nhất tại đây là sự phối hợp, hợp tác của các nước thành viên không thường trực và thường trực để giải quyết những vấn đề, đảm bảo các vấn đề đưa ra giải quyết đạt được đồng thuận tốt nhất.
Trong thời gian vừa qua, một kinh nghiệm trong Hội đồng Bảo an là trên 90% các vấn đề được giải quyết, thông qua bằng đồng thuận, điều đó đảm bảo cho việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an có hiệu quả cao hơn.
Khi những nghị quyết của Hội đồng Bảo an không đạt được thống nhất hoặc có sự phủ quyết của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có nghĩa rằng trong Hội đồng Bảo an tồn tại sự khác biệt, thậm chí là chia rẽ. Đây là điều Việt Nam cần tránh.
Đặc biệt, Việt Nam phải có sự phối hợp tốt với các nước thành viên thường trực cũng như thành viên không thường trực khác để tạo được sự đồng thuận tốt nhất ở các vấn đề.
Bất cứ một nước thành viên nào của Hội đồng Bảo an đều phải thể hiện quan điểm trên tất cả các vấn đề được đưa ra, do vậy, chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng cũng như ra quyết định chính xác.
Việc Việt Nam quyết định tham gia ứng cử làm thành viên Hội đồng Bảo an LHQ cũng là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Đó là chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XII, theo đó Việt Nam tích cực, chủ động tham gia hội nhập quốc tế.
Việc tham gia Hội đồng Bảo an cũng là thể hiện tinh thần của Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Việt Nam tham gia vào những vấn đề có thể giải quyết cũng như sẵn sàng dẫn dắt, làm trung gian hòa giải những vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng.
Đây cũng là lần thứ 2 Việt Nam tham gia vào Hội đồng Bảo an. Sự tham gia, đóng góp của Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu tiên, năm 2008-2009, đã được các thành viên LHQ công nhận. Do vậy, lần này khi Việt Nam ứng cử Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã có được sự tín nhiệm của các nước thành viên LHQ.
Nhưng điều đó không có nghĩa Việt Nam trúng cử một cách nghiễm nhiên, đây là một quá trình trong vòng 10 năm qua chúng ta đã hết sức quyết liệt vận động để trúng cử với số phiếu cao nhất, với tư cách là một ứng cử viên duy nhất của nhóm châu Á – Thái Bình Dương tham gia vào Hội đồng Bảo an.
Hội đồng Bảo an là tổ chức có vai trò hết sức quan trọng, các thành viên LHQ đều mong muốn có thể ứng cử để trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an nhưng không phải nước nào cũng có thể ứng cử và trúng cử và sự cạnh tranh hết sức quyết liệt giữa các nước trong cùng một nhóm.
Trong lịch sử đã có những cuộc bầu cử với hơn 140 vòng mà không bầu được thành viên của nhóm nước đó để trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an. Cũng có những đại diện của nhóm nước ra tranh cử nhưng qua rất nhiều vòng không đạt được 2/3 số phiếu cần thiết. Vì thế, thành quả Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của nhóm châu Á – Thái Bình Dương và được bầu với số phiếu cao vào Hội đồng Bảo an là nỗ lực, quyết tâm rất lớn của chúng ta.
Trong 10 năm qua, nhiều nước trong khu vực muốn ra tranh cử nhưng bằng nhiều hình thức, cách tiếp cận để vận động, cuối cùng chúng ta được chọn là ứng viên duy nhất. Điều đó cho thấy uy tín, vị trí, vai trò của Việt Nam và khả năng đóng góp của Việt Nam cho Hội đồng Bảo an đã tạo ra được sự thống nhất trong nhóm Châu Á – Thái Bình Dương đề cử Việt Nam.
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, người phụ nữ Hà Nội sinh năm 1981, đã trở thành nữ quân nhân đầu tiên của Việt Nam tham...