Việt Nam khó có khả năng bay thương mại quốc tế trước ngày 16-9?
Dự kiến tới ngày 16-9, các chuyến bay đến Việt Nam vẫn không được phép chở khách, ngoại trừ các trường hợp nhập cảnh mang tính chất ngoại giao, công vụ, chuyên gia... hoặc những trường hợp được sự đồng ý của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Theo thông báo từ Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) tới toàn ngành hàng không, có hiệu lực từ 16-6 dự kiến tới 16-9 (giờ UTC), các chuyến bay đến Việt Nam vẫn không được phép chở khách, ngoại trừ các trường hợp nhập cảnh mang tính chất ngoại giao, công vụ, chuyên gia, thương gia, lao động tay nghề cao hoặc những trường hợp được sự đồng ý của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo).
Với các chuyến bay từ Việt Nam đi quốc tế, ICAO thông báo được phép chở cả hàng hóa và hành khách.
Thông báo của ICAO - Ảnh chụp màn hình
Người Việt ở Nhật chuẩn bị lên chuyến bay về nước
Tất cả hành khách phải cách ly bắt buộc 14 ngày và tuân thủ những quy định hiện tại về cách ly và ngăn chặn dịch bệnh. Thông báo của ICAO có hiệu lực ngay lập tức cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Trước đó, theo lịch khai thác từ nay đến cuối năm mà Vietnam Airlines gửi các đại lý, hãng có thể mở lại một số chuyến bay thương mại quốc tế từ đầu tháng 7 đến các thị trường: Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia. Với đường bay Hàn Quốc, Vietnam Airlines dự kiến khai thác trở lại các chặng TP HCM/Hà Nội - Seoul tần suất 7 chuyến/tuần, TP HCM/Hà Nội - Busan tần suất 3 - 4 chuyến/tuần. Đường bay TP HCM/Hà Nội - Hồng Kông; TP HCM/Hà Nội - Đài Loan dự kiến tần suất 3 - 4 chuyến/tuần từ ngày 1-7...
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển của Vietnam Airlines, cho biết hãng đã sẵn sàng mở lại các đường bay quốc tế bất kể lúc nào khi được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam cấp phép.
Hãng đã sẵn sàng cho khai thác từ 7-2020 các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN ngay khi Chính phủ cho phép nối lại các đường bay. Vietnam Airlines cũng đã chuẩn bị các phương án bay lại châu Âu vào cuối năm 2020 và khả năng bay Mỹ trong 2021 tùy thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh.
Để thực hiện việc này, Hãng xây dựng và ban hành các quy trình, quy định về khai thác bay và phục vụ hành khách để đảm bảo an toàn dịch tễ cũng như tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch và phòng dịch của cơ quan chức năng.
Một chuyến bay đưa người Việt về nước tại Sân bay Vân Đồn
Tương tự, trên trang web chính thức, Bamboo Airways thông báo mở lại các đường bay quốc tế từ đầu tháng 7. Thậm chí hãng này còn khẳng định hành khách có thể mua vé máy bay của Bamboo Airways đến Hàn Quốc, CH Czech, Đức, Úc... Cụ thể, hãng này sẽ khai thác lại đường bay TP HCM - Seoul (Hàn Quốc) tần suất 7 chuyến/tuần; TP HCM - Tokyo (Nhật Bản) 7 chuyến/tuần; chặng Hà Nội - Bắc Kinh (Trung Quốc) 7 chuyến/tuần; Hà Nội - Prague (Czech) 3 chuyến/tuần; Hà Nội/TP HCM - Kansai (Nhật Bản) 14 chuyến/tuần; chặng Hà Nội/TP HCM - Munich (Đức) 3 chuyến/tuần và chặng Hà Nội/TP HCM - Brisbane, Melbourne (Úc) 8 chuyến/tuần.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 9-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 công bố các vùng, địa bàn an toàn (với tiêu chí cụ thể như trong vòng 30 ngày qua không có ca nhiễm mới trong cộng đồng) để các hãng hàng không từng bước mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế một cách chắc chắn.
Tại cuộc họp ngày 18-6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 nhấn mạnh nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao bởi nguồn bệnh từ bên ngoài có thể tấn công vào trong nước bất cứ lúc nào. Thực tế cho thấy làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 đã bùng phát ở nhiều nước. Cần phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Về quản lý người nhập cảnh là các nhà ngoại giao, quan chức cao cấp, nhà đầu tư, những người này chỉ nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian ngắn để xử lý công vụ, đàm phán, ký kết hợp đồng đầu tư, thương mại, Ban Chỉ đạo giao Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng làm tổ trưởng tổ công tác phối hợp với các đơn vị liên quan, rà soát, xây dựng các quy định để tổ chức các khu vực riêng biệt, đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch tễ, phòng xét nghiệm để phục vụ các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân vào làm việc.
Ban Chỉ đạo bàn thảo, thống nhất để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét nối lại đường bay thương mại đối với một số quốc gia, vùng lãnh thổ hiện cơ bản đã khống chế được dịch bệnh và có quan hệ sâu rộng nhiều mặt với Việt Nam.
Việt Nam - Nhật Bản nhất trí từng bước nới lỏng hạn chế đi lại Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết thời gian qua, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao những kết quả quan trọng mà Chính phủ Nhật Bản đạt được trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ngày 25-5, Nhật Bản đã tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Chính phủ Nhật Bản cũng đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 và việc hơn 2 tháng qua Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hai bên chia sẻ nhận thức chung về tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời trên tinh thần bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, không để lây lan dịch bệnh và bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của mỗi nước. Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí trong thời gian tới sẽ từng bước, từng phần nới lỏng hạn chế đi lại giữa hai nước. Các biện pháp và thủ tục cụ thể, hai bên sẽ trao đổi qua đường ngoại giao. Trước đó, ngày 18-6, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết khả năng Việt Nam nối lại đi lại với các nước trong bối cảnh Việt Nam đã bước đầu kiểm soát được dịch bệnh, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Căn cứ tình hình và nhu cầu của hai bên, Việt Nam đang trao đổi với một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản về việc từng bước nối lại đi lại trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các biện pháp phòng dịch với các điều kiện cụ thể, không được để lây lan dịch bệnh, trước mắt là tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, nhà quản lý các nước này quay trở lại Việt Nam làm việc và thực tập sinh, lao động Việt Nam đi các nước nói trên làm việc." Tại cuộc họp cùng ngày 18-6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 nhấn mạnh nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao bởi nguồn bệnh từ bên ngoài có thể tấn công vào trong nước bất cứ lúc nào. Thực tế cho thấy làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 đã bùng phát ở nhiều nước. Cần phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Về quản lý người nhập cảnh là các nhà ngoại giao, quan chức cao cấp, nhà đầu tư, những người này chỉ nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian ngắn để xử lý công vụ, đàm phán, ký kết hợp đồng đầu tư, thương mại, Ban Chỉ đạo giao Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng làm tổ trưởng tổ công tác phối hợp với các đơn vị liên quan, rà soát, xây dựng các quy định để tổ chức các khu vực riêng biệt, đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch tễ, phòng xét nghiệm để phục vụ các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân vào làm việc. Ban Chỉ đạo bàn thảo, thống nhất để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét nối lại đường bay thương mại đối với một số quốc gia, vùng lãnh thổ hiện cơ bản đã khống chế được dịch bệnh và có quan hệ sâu rộng nhiều mặt với Việt Nam. |
Nguồn: [Link nguồn]
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch sáng nay 4-6 cho rằng về hình thức văn bản xin hỗ trợ 400 vé máy bay chưa phù hợp,...