Việt Nam đề nghị Campuchia đánh giá đầy đủ tác động của dự án kênh Funan Techo

Sự kiện: Thời sự

Việt Nam đề nghị Campuchia phối hợp các bên đánh giá đầy đủ tác động của dự án kênh đào Funan Techo đối với nguồn nước và môi trường sinh thái tiểu vùng sông Mekong.

"Việt Nam luôn ủng hộ, vui mừng và đánh giá cao những thành tựu Campuchia đã đạt được trong thời gian qua", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng ngày 5/5 cho biết khi được đề nghị bình luận về những phát biểu gần đây của phía Campuchia liên quan đến triển khai dự án kênh đào Funan Techo, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.

Bà Hằng cho biết đối với dự án kênh đào Funan Techo, Việt Nam rất quan tâm, tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần Hiệp định Mekong 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

"Chúng tôi mong rằng Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho hay.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Việt Nam cũng mong muốn Campuchia thực hiện các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và tài nguyên nước sông Mekong, vì sự phát triển bền vững của lưu vực, tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông và tương lai của các thế hệ mai sau.

Dự án kênh đào Funan Techo được Hội đồng Bộ trưởng Campuchia phê chuẩn vào tháng 5/2023, dự kiến dài 180 km, nối cảng sông Phnom Penh với vịnh Thái Lan ở tây nam Campuchia, đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep. Theo tài liệu Campuchia trình lên Ủy hội sông Mekong tháng 8/2023, kênh Funan Techo sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2028.

Dự án có trị giá ước tính 1,7 tỷ USD, dự kiến do công ty Trung Quốc thực hiện theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao.

Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen ngày 9/4 bác thông tin cho rằng dự án kênh đào Funan Techo có thể tạo điều kiện cho chiến hạm Trung Quốc đi vào sông Mekong. Ông cho rằng kênh đào "hoàn toàn phục vụ lợi ích kinh tế xã hội" khi mở ra thêm tuyến đường thủy đến khu vực tây nam Campuchia, bên cạnh những tuyến hiện có trên sông Mekong, và sẽ không ảnh hưởng đến dòng nước.

Kênh đào Funan Techo. Đồ họa: ST

Kênh đào Funan Techo. Đồ họa: ST

Thủ tướng Campuchia Hun Manet ngày 28/4 nói dự án kênh đào Funan Techo "đã được xem xét kỹ lưỡng suốt 26 tháng", nhằm nâng cao phúc lợi cho toàn bộ người dân Campuchia, tuyên bố sẽ thúc đẩy tầm nhìn của ông Hun Sen về hiện thực hóa dự án này.

Tuy nhiên, tại hội nghị tham vấn tại Cần Thơ về đề xuất dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia ngày 23/4, TS Lê Anh Tuấn, giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Cần Thơ, cho rằng việc triển khai dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn, khiến lượng nước từ dòng Mekong về miền Tây có thể giảm 50%.

"Kênh Funan Techo khi vận hành, miền Tây Việt Nam sẽ gia tăng tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, canh tác, sản xuất; mặn xâm nhập sâu và nhiều hơn; các hệ sinh thái sẽ bị đảo lộn", TS Tuấn nói.

Kênh đào Funan Techo từ sông Mekong ra vịnh Thái Lan sẽ làm thiếu hụt nguồn nước ngọt, tăng xâm nhập mặn, đảo lộn hệ sinh thái tại miền Tây Việt Nam, theo chuyên gia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Lê ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN